Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ủng hộ trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Thủ đô vào tháng 10

Hà Phong| 06/10/2012 18:54

(HNMO) - Chiều 6-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe và cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo; Ủy ban Pháp luật của QH thẩm tra. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và các ban, ngành liên quan dự.

Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày, dự thảo Luật Thủ đô mới nhất có 29 điều (lược bỏ 4 điều so với dự thảo cũ), chỉnh lý 22 điều. Đặc biệt, những quy định chính sách, cơ chế đặc thù cho Hà Nội với tư cách là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia khác đã tập trung vào 7 lĩnh vực chính: quy hoạch, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, môi trường - đất đai, kinh tế - tài chính, bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

Trong đó, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và quản lý quy hoạch được thiết kế với nhiều quy định nghiêm ngặt hơn so với quy định của Luật Quy hoạch đô thị hiện hành. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vấn đề này, bảo đảm xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại; kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Hà Nội với các tỉnh, TP khác trong Vùng Thủ đô và cả nước.

Về giáo dục đào tạo, khoản 4 điều 12 của dự thảo Luật nêu rõ, UBNDTP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung chương trình giảng dạy nâng cao ngoài chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông để áp dụng đối với các cơ sở chất lượng cao

Để bảo tồn, tôn tạo và phát huy các hình thái kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt tại các quận nội đô lịch sử, HĐND TP Hà Nội được ban hành một số quy chế quan trọng, trong đó có tiêu chuẩn riêng về tái thiết đô thị tại Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hồ Tây...

Trong quản lý dân cư, dự thảo Luật Thủ đô kiên trì quan điểm quy định thêm một số điều kiện chặt chẽ hơn để người tạm trú được đăng ký thường trú tại nội thành. “Có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 03 năm trở lên; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú”. Liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính, Hà Nội được phép áp dụng mức tiền phạt cao hơn, nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính tương ứng ở nội thành trong 3 lĩnh vực là văn hóa, đất đai, xây dựng.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định, 3 năm qua, Ban soạn thảo dự án Luật Thủ đô đã phối hợp với UBNDTP Hà Nội lấy ý kiến rộng rãi người dân, nhà khoa học, chuyên gia pháp lý về các vấn đề nêu trên. Đến nay, có thể nói dự thảo Luật Thủ đô so với các luật khác có quá trình chuẩn bị công phu hơn, nhiều khác biệt ban đầu đã được thu hẹp, hướng tới sự đồng thuận cao, có tính khả thi, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Thế nhưng bên cạnh các nội dung được nhất trí cao có những điều khoản đang được trao đi đổi lại, gồm quản lý chặt chẽ dân cư khu vực nội thành, nâng cao mức xử phạt hành chính. Quyết tâm, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền TP là cần có những điều kiện này để bảo đảm mục tiêu cao nhất là ổn định đời sống người dân, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Nếu được QH ủng hộ, nghĩa là trao cho Hà Nội một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển thủ đô toàn diện về mọi mặt, góp phần nâng cao vị thế của Hà Nội và Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Góp ý cho dự án Luật Thủ đô, nhiều thành viên UBTVQH ghi nhận nhiều điểm chỉnh lý, bổ sung trên tinh thần cầu thị, tiếp thu ý kiến đại biểu QH. UBTVQH cơ bản tán thành giải pháp hạn chế nhập cư. Tuy nhiên, giải pháp này phải được thực hiện đồng thời với các biện pháp kinh tế - xã hội mới thực sự có hiệu quả. Lưu ý rằng dự thảo Luật “thiên về cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng mà có phần “nhẹ” về giá trị tinh thần”, bà Trương Thị Mai- Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội của QH đề nghị Luật quy định về nguyên tắc việc xây dựng các chương trình xã hội cho Thủ đô. Về nâng mức xử phạt vi phạm hành chính, Chủ tịch QH và cơ quan thẩm tra đều thống nhất chủ trương này..

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phải chuẩn bị dự luật thật tốt để QH có thể thông qua ngay tại kỳ họp tới. Chủ tịch QH góp ý, cần chuẩn bị báo cáo giải trình, thẩm tra thật chi tiết để Luật trở nên không rõ ràng, khó hiểu đối với đại biểu QH. “Làm thế nào để thuyết phục được các đại biểu quốc hội rằng những cơ chế này được đưa ra cho một Thủ đô duy nhất, khác biệt với các đô thị khác”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủng hộ trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Thủ đô vào tháng 10

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.