Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ủng hộ nghị quyết giám sát tối cao của QH về môi trường các khu kinh tế, làng nghề

Vân An| 07/11/2011 16:13

(HNMO) – Ngày 7/11, thảo luận về việc thực hiện chính sách pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế và làng nghề, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí  ban hành một nghị quyết giám sát tối cao của Quốc hội về vấn đề này.


Trước khi thảo luận, các đại biểu đã nghe Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế và làng nghề.

Đi vào thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với các đánh giá trong báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội và tập trung phân tích làm rõ thêm nguyên nhân những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện chính sách pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế và làng nghề; đưa ra nhiều kiến nghị để đẩy mạnh công tác thực hiện chính sách pháp luật tại các khu kinh tế, làng nghề… Đặc biệt, các đại biểu nhất trí đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.

Quy hoạch làng nghề, khu kinh tế phải hướng tới sự phát triển bền vững

Đánh giá về việc thực hiện quy hoạch các làng nghề, khu kinh tế, đại biểu Thân Đức Nam - TP Đà Nẵng cho rằng, bấy lâu nay định hướng phát triển xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển cụ thể của các địa phương ít quan tâm đến yếu tố bền vững. Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo, điều tra rà soát lại quy hoạch làng nghề có các văn bản gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, không sắp xếp cơ học, cần chú ý đến yếu tố truyền thống, bí quyết nghề nghiệp, xây dựng quy chuẩn làng nghề ở cấp độ vừa phải, phù hợp với hiện trạng môi trường để dễ kiểm tra, kiểm soát không nên quá phân tán hay quá tập trung.

Đại biểu Nam đề nghị, những dự án làm sai quy hoạch cần phải được xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường cần chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức về môi trường, tăng cường tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ môi trường nói chung, các khu kinh tế, làng nghề nói riêng, cần công khai thông tin số liệu và các vùng chính gây ô nhiễm môi trường trên thông tin đại chúng để cộng đồng có nhận thức đúng và nâng cao ý thức để bảo vệ môi trường.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo - Vĩnh Phúc cho rằng, việc phát triển làng nghề và các ngành nghề phải lựa chọn trên quy hoạch và phát triển vùng bảo đảm đầu tư hạ tầng đồng bộ của nền kinh tế và hiệu quả, tạo được mối liên kết, hỗ trợ giữa các ngành nghề trong khu vực.

“Quy hoạch làng nghề phải gắn với phát triển du lịch, xây dựng các thương hiệu và quản lý chất lượng cũng như chúng ta phải bảo vệ quyền và nghĩa vụ của người dân làm nghề. Tôi đề nghị phải lập các Hiệp hội làng nghề để là một trong những đơn vị giúp cho Chính phủ có những hoạt động”, đại biểu Bảo nói.

Đại biểu Nguyễn Minh Lâm - Long An kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan thực hiện việc quy hoạch, bảo vệ môi trường các khu kinh tế, làng nghề hướng đến sự phát triển bền vững. Trong đó, phân tích rõ về hiện trạng môi trường khu kinh tế, làng nghề, diễn biến và dự báo các tác động đến môi trường trong tương lai để từ đó xây dựng các chương trình trọng điểm, các dự án ưu tiên để hướng các khu kinh tế, làng nghề tới sự phát triển bền vững. Đồng thời, tăng cường năng lực, đầu tư trang thiết bị cho công tác bảo vệ môi trường đối với các khu kinh tế, làng nghề, chú trọng bảo vệ môi trường trên các lưu vực sông, đặc biệt là quản lý được nguồn thải, trong đó có các nguồn thải từ khu kinh tế, làng nghề.

Về chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015, đại biểu này đề nghị cần có chương trình khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề. Trên cơ sở đó sẽ phân bổ ngân sách, kinh phí, sự nghiệp môi trường hàng năm để thực hiện chương trình này và ưu tiên phân bổ cho các địa phương có nhiều vấn đề môi trường bức xúc cần giải quyết. Đặc biệt việc xử lý, kiểm soát các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tránh bố trí vốn dàn trải, hiệu quả sử dụng không cao.

Đại biểu Bùi Thị An - TP Hà Nội đề nghị, Chính phủ cần có quy hoạch tổng thể xử lý môi trường cho các khu kinh tế. Nếu đã có, nên rà soát lại xem nó thích hợp chưa với những quan niệm mới, quan niệm hiện đại về xử lý môi trường ở khu kinh tế gắn với tăng cường kiểm tra trong quá trình thi công trong khu kinh tế này và đặc biệt chú ý đến hậu kiểm.

“Trong phạm vi có thể, Chính phủ nên công bố công khai các phương án xử lý từng khu kinh tế một để dân giám sát. Với làng nghề, phải đánh giá lại hiệu quả trong giai đoạn vừa qua, trên cơ sở đó ta sẽ lựa chọn rút kinh nghiệm với phương án nào cho tốt. Nếu làng ô nhiễm trầm trọng tôi đề nghị Chính phủ nên có những đầu tư thích đáng để giải quyết dứt điểm, sau đó lo cho dân, nếu Nhà nước không hỗ trợ sẽ rất khó khăn”, đại biểu An nói.


Hoàn thiện chính sách đặc thù bảo vệ môi trường làng nghề, khu kinh tế

Theo đại biểu Mã Điền Cư - Quảng Ngãi, tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành về bảo vệ môi trường với các khu kinh tế, làng nghề còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý môi trường. Một số văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu qui định về chính sách đặc thù bảo vệ môi trường, có nội dung chồng chéo, thiếu thống nhất, đồng bộ và tính khả thi.

“Thực tế cho thấy, Ban quản lý khu kinh tế được thành lập hiện nay tại các địa phương không nằm trong hệ thống các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập nhưng chịu sự chỉ đạo quản lý về tổ chức biên chế của Ủy ban nhân dân tỉnh và hướng dẫn kiểm tra về chuyên môn của các bộ, ngành. Như vậy chức năng, nhiệm vụ của Ban quản lý khu kinh tế mang tính tổng hợp bao trùm lên chức năng của nhiều ngành nghề, lĩnh vực có liên quan dễ dẫn đến quản lý chồng chéo, buông lỏng và kém hiệu quả”, đại biểu Cư dẫn chứng.

Theo đại biểu Cư, Quốc hội nên xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều Luật bảo vệ môi trường năm 2005; ban hành Luật xử lý vi phạm hành chính theo hướng có chế tài xử lý hành chính vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường đủ mạnh và khả thi. Cùng với đó, Chính phủ cần rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật liên quan đến quy hoạch quản lý môi trường đặc thù đối với khu kinh tế và làng nghề theo hướng phát triển bền vững; khắc phục sự chồng chéo, thiếu thống nhất, không đồng bộ về mặt văn bản chính sách; Rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh các quy định về chức năng quản lý Nhà nước của Ban quản lý khu kinh tế cho phù hợp với hệ thống phân cấp quản lý Nhà nước hiện hành.

Từ rà soát thực tế, đại biểu Trương Minh Hoàng - Cà Mau cho rằng, với 110 đầu văn bản các loại đã được ban hành trong quá trình triển khai thực hiện các khu kinh tế, số lượng văn bản không hề ít, nhưng chất lượng việc triển khai văn bản chưa cao, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu kinh tế và các khu vực lân cận luôn diễn ra đến mức báo động, nhưng những vụ việc được phát hiện, được xử lý là rất ít.

“Chúng ta phải tăng cường và tăng tần suất, hiệu quả, biện pháp để kiểm tra khi phát hiện phải xử lý kịp thời, xử lý mạnh các đối tượng để chúng ta cho các doanh nghiệp cảm thấy công bằng trong kinh doanh”, đại biểu Hoàng nói.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cũng nhất trí, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là phí với khí thải, chưa được hướng dẫn cụ thể; các tiêu chí, chỉ tiêu về hàm lượng ô nhiễm môi trường trong nước thải, không khí… còn chưa cụ thể; các hướng dẫn về phân cấp thẩm quyền cũng chưa hợp lý, dẫn tới sự chồng chéo… nên rất khó tổ chức thực hiện, khó xử lý, khó quy trách nhiệm.

Theo đại biểu Vở, nghị quyết giám sát sau kỳ họp này cần giao Chính phủ rà soát việc hoàn thành các văn bản luật và dưới luật để làm cơ sở tổ chức thực hiện với mốc thời gian cụ thể; xác định rõ chỉ tiêu và lộ trình khu kinh tế có hệ thống xử lý nước thải tập trung; giao Chính phủ chỉ đạo các ngành, địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm túc các vi phạm theo nghị định; xây dựng hoàn thiện chiến lược quy hoạch tổng thể về phát triển làng nghề, khu kinh tế.

Cùng chung kiến nghị về hoàn thiện khung pháp lý, đại biểu Ngô Đức Mạnh - Bình Thuận lưu ý, làng nghề ở nước ta gắn với đời sống của người dân cho nên cần tách biệt giải pháp đối với khu công nghiệp.

“Tôi đề nghị chúng ta cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa chương trình tam nông, đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, gắn việc đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn với các vấn đề bảo vệ môi trường và coi vấn đề thực hiện chính sách tam nông là chìa khóa để cải thiện môi trường ở các làng nghề của chúng ta”, đại biểu Mạnh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủng hộ nghị quyết giám sát tối cao của QH về môi trường các khu kinh tế, làng nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.