(HNM) - Ứng dụng công nghệ số được coi là nhân tố quan trọng, bước đột phá trong phát triển kinh tế tập thể với nòng cốt là các hợp tác xã, tổ hợp tác. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng các hợp tác xã ứng dụng công nghệ số phục vụ sản xuất, kinh doanh trên cả nước còn thấp nên kinh tế tập thể lĩnh vực nông nghiệp chưa phát huy được nội lực trong bối cảnh hội nhập...
Tỷ lệ ứng dụng thấp
Hợp tác xã nấm Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) là một trong những đơn vị thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao.
Giám đốc Hợp tác xã nấm Tam Đảo Nguyễn Quốc Huy cho biết, hợp tác xã có 2,5ha trồng nấm sò trái vụ và đông trùng hạ thảo. Để bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu, hợp tác xã đã lắp đặt hệ thống tưới tự động, công nghệ nhà lưới, nhà kính, nhà màng, có hệ thống điều khiển bán tự động; sử dụng phần mềm quản lý kế toán, kê khai thuế, thư điện tử, lưu trữ dữ liệu, chữ ký số, camera giám sát hành trình. Sản phẩm của hợp tác xã được kết nối tiêu thụ tại nhiều kênh, trong đó có các sàn thương mại điện tử uy tín như: Postmart.vn, Voso.vn…
Tương tự, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) đã đưa công nghệ số vào sản xuất rau. Hiện, hơn 40ha rau của hợp tác xã được tưới bán tự động, kiểm soát nhiệt độ với công nghệ số; dán tem nhãn, đăng ký tiêu thụ ở các trang, sàn thương mại điện tử. Theo Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức Nguyễn Văn Minh, nhờ ứng dụng công nghệ cao, khoảng 70% sản lượng của hợp tác xã được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn thành phố Hà Nội; phần còn lại tiêu thụ tại các tỉnh lân cận. Từ nhiều năm nay, một số sản phẩm của hợp tác xã được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Đài Loan…
Theo Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có 17.777 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó, 1.718 hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ cao vào kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản; áp dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học; ứng dụng công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp… Trong số 17.777 hợp tác xã nông nghiệp, có 21% số hợp tác xã lập kế hoạch tổng thể cho thương mại điện tử; 23% bán sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử; 21% tạo website đơn giản; 7% có website xuất hiện trong kết quả tìm kiếm trên Google; 7% quảng cáo trên Facebook… Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá, số hợp tác xã nói chung và nông nghiệp nói riêng ứng dụng công nghệ cao và công nghệ số còn thấp. Đây cũng là lý do kinh tế tập thể lĩnh vực nông nghiệp chưa phát huy được nội lực trong bối cảnh hội nhập.
Công nghệ số là điều kiện tất yếu
Trong Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Chuyển đổi số là công cụ quan trọng để phát triển và chuyển đổi mô hình kinh tế hợp tác xã một cách linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao, góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng tối đa sức lao động, gia tăng giá trị sản phẩm, giúp các hợp tác xã tiếp cận nhanh với thị trường, gắn với chuỗi giá trị. Cần có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...
Về giải pháp giúp các hợp tác xã tiếp cận công nghệ số, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho hay, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp chặt chẽ với liên minh hợp tác xã các tỉnh, thành phố thực hiện khảo sát, tư vấn phương án chuyển đổi số phù hợp; hướng dẫn thủ tục giúp hợp tác xã tăng khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; cùng các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố chủ động thực hiện nhiệm vụ liên quan đến kinh tế hợp tác, hợp tác xã, nhất là trong chuyển đổi số. Hiện, nhiều địa phương đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số tại các hợp tác xã.
Về phía địa phương, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Nội Nguyễn Trung Thành cho biết, để hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận công nghệ số, Hà Nội tập trung vào các hợp tác xã kiểu mới, liên minh hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, kinh phí...
Nhìn chung, để hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận công nghệ số, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động xây dựng, triển khai chiến lược phát triển, áp dụng kỹ thuật số; tạo căn cứ pháp lý, nguồn lực tài chính để xây dựng hạ tầng kỹ thuật kết hợp đào tạo, cung cấp lực lượng lao động có chuyên môn, kỹ năng tốt, đáp ứng yêu cầu phát triển, áp dụng kỹ thuật số... Về phía các hợp tác xã, cần chủ động điều chỉnh phương thức hoạt động sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số mạnh mẽ để phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.