(HNM) - Ứng dụng CNTT như thế nào, hiệu quả ra sao là những thông tin không phải lúc nào cũng được đề cập.
Đó cũng là những chia sẻ của các chuyên gia trong buổi tọa đàm "Đưa ứng dụng CNTT - viễn thông vào đời sống" do Câu lạc bộ Nhà báo CNTT vừa tổ chức.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, ngân hàng BIDV đã triển khai hệ thống "văn phòng điện tử" do Viettel cung cấp trên toàn hệ thống với 18.000 cán bộ nhân viên cả trong và ngoài nước. Dự án này xuất phát từ yêu cầu cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi công việc văn phòng, quản trị, hành chính… từ chỗ dùng văn bản giấy tờ sang sử dụng điện tử. Nếu như trước đây, khi có vấn đề phải trình cấp trên phê duyệt, chỉ đạo, nếu lãnh đạo đi công tác thì phải chờ, nhưng khi áp dụng giải pháp này, công việc hàng ngày vẫn bình thường thông qua các phương tiện, giải pháp di động. Cách làm này không chỉ rút ngắn thời gian, mà còn giảm văn bản trình ký. Ước tính trước đây mỗi năm BIDV chi khoảng 120 tỷ đồng cho việc sử dụng giấy tờ, trao đổi giữa các đơn vị thành viên ở trong và ngoài nước thì khi ứng dụng giải pháp "văn phòng điện tử", ngân hàng đặt mục tiêu giảm chi phí khoảng 20%/năm (khoảng 24 tỷ đồng/năm).
Tập đoàn FPT phối hợp với ngành đường sắt thực hiện bán vé tàu qua mạng. |
Một dự án đã được triển khai trong thời gian qua thu hút sự chú ý của dư luận đó là Tập đoàn FPT thực hiện bán vé tàu qua mạng cho ngành đường sắt. Trước khi chưa triển khai dự án, vào dịp cao điểm lễ, tết nhân viên ngành đường sắt không có thời gian nghỉ để bán vé, thậm chí do chưa ứng dụng CNTT nên nhiều lúc không nắm rõ việc hiện còn bao nhiêu vé chưa bán. Ngành đường sắt cũng đã triển khai việc bán vé qua mạng, nhưng cũng đã xảy ra sự cố sập mạng… Tuy nhiên, khi FPT vào cuộc với thế mạnh là nhà cung cấp giải pháp hàng đầu về CNTT nên việc bán vé tàu điện tử khá suôn sẻ. Đến nay, đã có 12.000 khách hàng mua vé tàu đi lại vào dịp Tết Nguyên đán này. Tại ga TP Hồ Chí Minh có tới 60% khách hàng đăng ký mua vé qua mạng… Việc một tập đoàn công nghệ tham gia cùng kinh doanh vé tàu với ngành đường sắt - lĩnh vực được coi là chậm đổi mới nhất trong ngành giao thông - vận tải cho thấy đây không chỉ là sự thay đổi lớn của ngành đường sắt mà còn cho thấy sức mạnh của CNTT - viễn thông đã có những ảnh hưởng quan trọng tới đời sống.
Qua những thông tin trên có thể thấy việc ứng dụng CNTT đã đem lại những hiệu quả tích cực cho DN. Có những dự án triển khai như bán vé tàu qua mạng thì lợi ích không chỉ cho hai bên FPT và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam mà còn cho chính khách hàng đi tàu. Vậy, việc ứng dụng CNTT tại các cơ quan nhà nước được các DN thực hiện như thế nào? Có thể thấy trong thời gian gần đây, Tập đoàn VNPT đã liên tiếp ký thỏa thuận hợp tác cung cấp giải pháp CNTT với một loạt địa phương, bộ, ngành (hiện đã ký được với hơn 30 tỉnh, thành phố).
Theo VNPT, việc ứng dụng CNTT trong khối cơ quan nhà nước còn thấp, kho lưu trữ hồ sơ văn bản, giải quyết thủ tục hành chính chậm vì phải tìm hồ sơ... Từ kinh nghiệm VNPT thành công khi triển khai dự án điều hành cho Văn phòng Quốc hội, đã nhân rộng mô hình này trong triển khai ứng dụng tại các tỉnh, thành phố. Được biết, tại 30 tỉnh, thành phố mà VNPT đang triển khai ứng dụng CNTT, người dân đi làm các thủ tục hành chính chỉ cần gửi tin nhắn hoặc vào mạng tra cứu là biết hồ sơ của mình đang xử lý thế nào, lãnh đạo các cơ quan nhà nước địa phương, sở, ngành cũng có thể biết được tình hình xử lý hồ sơ, còn bao nhiêu hồ sơ tồn đọng.
Như vậy có thể thấy, việc ứng dụng CNTT đã được các DN, cơ quan đơn vị trong cả nước chú trọng. CNTT có thể buộc phải thay đổi quy trình làm việc của con người, nhưng ngược lại đây chỉ là công cụ hỗ trợ. Việc ứng dụng CNTT chỉ hiệu quả nếu như người thực hiện quyết tâm đổi mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.