Theo dõi Báo Hànộimới trên

UBTVQH thảo luận, chỉnh lý dự án Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo

chinhphu.vn| 23/08/2011 16:09

Tiếp tục phiên họp thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, sáng 23/8, các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến về việc chỉnh lý dự án Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo.


Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XII đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo 2 Luật này. Về cơ bản, các đại biểu đều tán thành nhiều nội dung của dự thảo, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề lớn cần tiếp tục làm rõ.

Dự thảo Luật Tố cáo bổ sung nhiều hình thức tố cáo

Đối với dự thảo Luật Tố cáo, điểm đáng chú ý của dự thảo lần này là việc bổ sung các hình thức tố cáo bằng thư điện tử, fax, tố cáo bằng lời qua điện thoại.

Nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật vì thực chất đây chỉ là các hình thức khác nhau để chuyển tải nội dung thông tin tố cáo đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc mở rộng các hình thức tố cáo là phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ thông tin hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân thực hiện quyền tố cáo.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đại biểu còn băn khoăn với hình thức này và cho rằng trong điều kiện hiện nay của nước ta, cơ chế nguồn lực, phương tiện kỹ thuật để quản lý, kiểm tra các thông tin tiếp nhận bằng các hình thức trên còn nhiều hạn chế, do đó chưa nên quy định tố cáo bằng các hình thức này trong Luật .

Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đặt vấn đề từ một câu chuyện ông cho rằng có thật: một người có trách nhiệm đến tố cáo với một lãnh đạo về hành vi của một lãnh đạo khác bằng miệng, vậy vị thủ trưởng đó sẽ căn cứ vào đâu để triển khai việc này và trường hợp này đưa vào Luật như thế nào?

Cũng vấn đề trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cần cân nhắc tính khả thi của quy định hình thức tiếp nhận thông tin tố cáo bằng fax, email, điện thoại. Chẳng hạn, với hình thức nhận thông tin qua điện thoại, cần 15 ngày đi xác minh thì sẽ không đủ nguồn lực và quỹ thời gian để thực hiện.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, đây là thông tin tố cáo, khi tiếp nhận theo bất cứ hình thức nào, cơ quan cơ thẩm quyền đều phải tiến hành việc xem xét, đánh giá bước đầu các thông tin về người tố cáo và nội dung tố cáo. Nếu thông tin chính xác và có căn cứ để kiểm tra, xác minh thì mới tiến hành thụ lý giải quyết, do đó không nên loại bỏ hình thức này ra khỏi Luật.

Ngoài ra, một số vấn đề về bảo vệ người tố cáo, về người có quyền tố cáo cũng được thảo luận. Trong đó, các đại biểu tán thành việc bổ sung thêm 1 chương về bảo vệ người tố cáo, cho đây là một bước tiến dài, tạo sự yên tâm cho người tố cáo.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, cần rà soát và nghiên cứu lại các quy định cụ thể của chương này để giải quyết mâu thuẫn giữa nguyên tắc bí mật đối với người tố cáo với yêu cầu bảo vệ người tố cáo, bởi đã bí mật thì không thể biết được để bảo vệ.

Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị dự thảo Luật nên quy định việc giữ mối liên hệ giữa cơ quan thẩm quyền với người tố cáo chưa “bị lộ” để có biện pháp bảo vệ.

Vấn đề khiếu nại đông người cần nghiên cứu kỹ

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật Khiếu nại. Được đưa ra thảo luận từ chiều 22/8, dự án Luật Khiếu nại vẫn còn nhiều ý kiến về vấn đề khiếu nại đông người, về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại.

Nhiều ý kiến cho rằng nên quy định vấn đề khiếu nại đông người vào Luật để làm căn cứ giao Chính phủ quy định cụ thể. Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn nếu quy định cho phép khiếu nại đông người vào Luật sẽ dẫn tới các vấn đề phức tạp khác.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, vấn đề khiếu nại đông người thực tế đã diễn ra ở nhiều nơi, không thể không xem xét dưới phương diện luật pháp. Vấn đề là cần xem xét ở hình thức văn bản gì, giải quyết theo trình tự ra sao để đảm bảo trật tự, an ninh và không biến khiếu nại thành biểu tình trái pháp luật. Do đó, cần có các điều khoản quy định chặt chẽ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, vấn đề khiếu kiện đông người đã nảy sinh trong thực tế, luật pháp phải giải quyết bởi liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Do đó, việc quy định trong Luật và quy định trong Nghị định ở mức độ như thế nào cần có nghiên cứu kỹ càng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
UBTVQH thảo luận, chỉnh lý dự án Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.