Theo dõi Báo Hànộimới trên

Uber cù nhầy, chủ xe bối rối

Theo Tuổi trẻ| 03/09/2016 11:00

Việc Uber không đáp ứng các yêu cầu của quản lý nhà nước, một mặt làm Nhà nước thất thu thuế và một mặt làm cho người kinh doanh xe và cả khách hàng đi Uber phải đối mặt nhiều rủi ro.


Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa yêu cầu Sở GTVT Hà Nội và TP.HCM tăng cường quản lý xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng các ứng dụng mạng trong kinh doanh, trong đó quan trọng là nộp thuế. Hiện hãng taxi Vinasun và Grab taxi đã đăng ký kinh doanh và làm nghĩa vụ thuế, chỉ có Uber là chưa.

Không đăng ký 
kinh doanh, 
cũng chẳng nộp thuế

Ông Lê Hoàng Minh - phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM - cho biết trong hai năm qua, sở đã gửi nhiều văn bản đến Uber Hà Lan (chủ sở hữu ứng dụng Uber) thông qua Uber tại Việt Nam đề nghị họ xây dựng đề án thực hiện hợp đồng điện tử về vận chuyển hành khách nhưng đến thời điểm này họ vẫn chưa thực hiện.

Như vậy, xe Uber đang hoạt động theo hợp đồng điện tử là chưa thực hiện theo đúng pháp luật Việt Nam về điều kiện kinh doanh vận tải. Trong đó, phải đăng ký kinh doanh, xe phải có phù hiệu, thiết bị giám sát hành trình...

Về mặt quản lý, theo ông Minh, đến nay Sở GTVT không kiểm soát được đội ngũ lái xe Uber, trong khi đơn vị Uber cũng không chịu trách nhiệm về các hành vi lái xe của họ.

Đơn cử: hôm 29-8 tại TP.HCM, một tài xế Uber đã dùng dao khống chế một nữ hành khách cướp tài sản nhưng chủ sử dụng ứng dụng này gần như vô can, không có trách nhiệm.

Ở cấp cao hơn, Bộ GTVT cũng nhiều lần yêu cầu Uber thực hiện đúng quy định về hoạt động kinh doanh vận tải nhưng họ không đáp ứng.

Hiện nay, điều “lăn tăn” trong hoạt động Uber tại Việt Nam là họ cho rằng họ làm marketing cung ứng dịch vụ phần mềm, không kinh doanh vận tải.

Do đó, họ không chịu đăng ký kinh doanh vận tải tại Việt Nam. Trong thực tế Uber điều hành kinh doanh về vận tải khi đưa ra giá cả, chính sách hỗ trợ, thu tiền...

Rủi ro cho chủ xe 
và khách hàng

Chính vì Uber không đăng ký kinh doanh tại Việt Nam nên họ không có trách nhiệm với đối tác (người có xe đưa vào kinh doanh) và cả khách hàng.

Một tài xế Uber chở khách tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH


Theo ông Minh, chẳng hạn những người thấy dịch vụ Uber là cơ hội làm ăn nên đầu tư nhiều xe, nhưng việc đầu tư này không có bất kỳ cam kết nào với nhà cung ứng dịch vụ.

Giả sử đến khi nào đó chính sách của Nhà nước Việt Nam hoặc của chính Uber thay đổi, gây bất lợi cho người kinh doanh thì chủ xe lãnh đủ.

Chị Thanh Nhàn - chủ một số xe chạy ứng dụng Uber - cho biết hiện chị kinh doanh xe Uber cũng có “đồng ra đồng vào” nhưng chưa nghe Uber nói gì về thuế. “Nếu thời gian tới phải nộp thuế chắc tôi và nhiều chủ xe khác sẽ gặp khó khăn hơn” - chị nói.

Vẫn theo ông Minh, gần như tất cả xe Uber đều không có đăng ký kinh doanh như Vinasun hay Grab taxi nên không có thiết bị giám sát hành trình, do vậy khi “có chuyện” việc xử lý sự việc rất khó khăn, như các vụ cướp, uy hiếp khách... Đây là những nguy cơ tiềm ẩn rủi ro cho khách đi xe.

Cước Uber 
không rẻ hơn, nếu...

Uber trên thực tế có ứng dụng hiện đại và giá cước rẻ nên trong hai năm hoạt động thử nghiệm là đối thủ cạnh tranh đáng gờm của các hãng taxi truyền thống.

Ông Đỗ Văn Thắng - tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh - đặt vấn đề: liệu nếu Uber phải đóng thuế và phải tuân thủ các quy định đối với ngành nghề kinh doanh taxi thì giá cước Uber có thấp hơn taxi truyền thống? Câu trả lời là không.

Do không bị ràng buộc về điều kiện kê khai giá cước như taxi truyền thống nên Uber có thể tự do điều chỉnh giá cước theo giờ. Trên thực tế vào các giờ cao điểm, giá cước Uber tăng rất cao.

Ngoài ra, vì không đăng ký kinh doanh, không đóng thuế và không phải chịu các chi phí như không mua bảo hiểm phương tiện kinh doanh, không mua bảo hiểm cho lái xe, không phải đầu tư chi phí trang bị đồng hồ tính tiền, máy in hóa đơn và hệ thống điều hành tổng đài, không mất chi phí lập trình điều chỉnh đồng hồ tính cước khi giá xăng lên, xuống... nên giá thành vận chuyển của Uber không cao.

Điều này tạo ra bất bình đẳng về giá và cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp cung cấp cùng loại dịch vụ.

Liệu có giải pháp nào để quản lý Uber, thu thuế cho Nhà nước và đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp taxi?

Trả lời câu hỏi này, ông Thắng cho rằng với Uber ở Hà Lan, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xác định tổng số tiền Uber đã chuyển ra nước ngoài qua hệ thống ngân hàng (20% doanh thu của hoạt động Uber tại Việt Nam) và truy thu thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu này.

Với nhà đầu tư Uber ở Việt Nam, để quản lý và thu thuế đội ngũ lái xe Uber thì nên làm như cách của Mỹ: lái xe phải đăng ký với Sở GTVT để được cấp số ID và bảng tên.

Lái xe cũng phải khám sức khỏe định kỳ và mua bảo hiểm xe kinh doanh. Đồng thời, lấy doanh thu trung bình của một xe taxi tương đương chạy đồng hồ (taxi truyền thống) để làm cơ sở tính thuế và áp thuế khoán đó cho xe Uber.

Nếu phát hiện lái xe Uber không đăng ký, không có ID thì phạt tiền, giam xe, bằng lái...

Theo ông Tạ Long Hỷ - chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, Uber được phép hoạt động cung ứng dịch vụ phần mềm nhưng cần phải tuân thủ luật pháp về kinh doanh vận tải hành khách công cộng; thực hiện các nghĩa vụ về thuế để cùng tạo ra môi trường kinh doanh phục vụ hành khách lành mạnh, không để bát nháo như hiện nay.

Xử phạt xe Uber 884 triệu đồng

Theo ông Lê Hồng Việt - phó thanh tra Sở GTVT TP.HCM, tính từ tháng 8-2015 đến nay sở đã xử phạt 263 xe Uber với số tiền phạt 884 triệu đồng.

Trong đó có 95 xe không đăng ký kinh doanh (ôtô cá nhân), 85 xe không có hợp đồng vận chuyển hành khách, 39 xe không có phù hiệu xe hợp đồng, 24 xe không có thiết bị giám sát hành trình...
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Uber cù nhầy, chủ xe bối rối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.