Thái Lan đề nghị Uber dừng hoạt động chỉ một ngày ngay sau khi hãng bị cấm tại Ấn Độ vì nghi án tài xế cưỡng bức hành khách.
Cục Giao thông đường bộ Thái Lan cho biết các lái xe tham gia Uber không đăng ký hoạt động và không mua bảo hiểm cho phương tiện vận hành. Hệ thống thanh toán bằng thẻ tín dụng của Uber cũng không tuân thủ đúng quy định.
"Họ phải dừng hoạt động ngay lập tức", Reuters trích lời Cục trưởng Cục giao thông đường bộ - Thiraphong Rodprasert, sau cuộc họp của giới chức Thái Lan với đại diện Uber, GrabTaxi và EasyTaxi về dịch vụ này. Đại diện Uber cho biết tôn trọng quyết định trên và sẽ tiếp tục trao đổi với cơ quan này để dịch vụ phù hợp với luật pháp Thái Lan.
Uber đang gặp rắc rối tại nhiều nước. Ảnh: Marshable |
Hôm qua, một tòa án của Tây Ban Nha cũng đã ra lệnh cấm tạm thời dịch vụ này, sau đơn kiện của Hiệp hội Taxi Madrid. Trước đó, nhiều vụ biểu tình của các hiệp hội taxi trong nước đã diễn ra vì hoạt động Uber. Quan tòa cho rằng các tài xế tham gia Uber không được chính quyền chấp thuận và dịch vụ này "cạnh tranh không công bằng".
Dù vậy, người phát ngôn của Uber tại đây cho biết công ty "vẫn đang hoạt động" ở Tây Ban Nha. "UberPop là giải pháp chia sẻ hành trình và chi phí đi xe cho mọi người. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động. Phán quyết này bất đồng với quan điểm của Tây Ban Nha và Liên minh châu Âu về lợi ích của các dịch vụ chia sẻ. Uber sẽ vẫn tuân theo luật pháp Tây Ban Nha và đang cân nhắc các động thái pháp lý sau sự việc này", người này cho biết trên BBC.
Hôm qua, công tố viên hai thành phố San Francisco và Los Angeles (Mỹ) cũng đã nộp đơn kiện Uber vì không làm tốt việc bảo vệ hành khách. Ông George Gascon - công tố viên San Francisco và đồng nghiệp Jackie Lacey từ Los Angeles cho rằng Uber đã "cam kết sai hoặc gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, đồng thời tham gia cung cấp dịch vụ trái với quy định bang California", theo Los Angeles Times.
Dù Uber khẳng định có quy trình kiểm tra lý lịch "hàng đầu ngành công nghiệp", Gascon cho rằng hoạt động này "hoàn toàn vô ích" do Uber không dùng dấu vân tay các tài xế. Đầu tuần này, Uber còn bị thành phố Portland (bang Oregon) kiện vì vi phạm luật của bang. Còn thành phố Rio de Janeiro (Brazil) cũng khẳng định dịch vụ này là bất hợp pháp.
Trước đó, Tòa án Công thương Hà Lan cũng đã phán quyết Uber phải dừng dịch vụ UberPop, do "các tài xế chở khách có thu phí mà không được cấp phép hành nghề là trái pháp luật". Trong khi đó, Uber cho biết "sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ", bất chấp lời đe dọa phạt tiền tới 100.000 euro với hãng và 40.000 euro với các tài xế.
Uber được thành lập năm 2009. Ứng dụng cho phép người dùng đăng ký hành trình và thuê xe qua smartphone, gần như có thể thay thế các hãng taxi. Hiện nay, Uber đã được sử dụng tại hơn 250 thành phố ở 45 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Uber Ấn Độ hoạt động từ tháng 9 năm ngoái và hiện có mặt tại 11 thành phố nước này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.