(HNM) - Sau gần 2 năm lưu lạc, cô gái vừa câm vừa điếc nhưng xinh đẹp có tiếng ở thị trấn Thanh Hà (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) đã tìm lại tổ ấm của mình. Nhưng rồi, sau hai tuần đoàn tụ, nước mắt người mẹ một lần nữa lại rơi bởi sự mất tích của con gái chị vẫn còn là ẩn số, cần được cơ quan chức năng làm rõ.
Hành trình đẫm nước mắt tìm con
Huyện Lạc Thủy trong buổi chiều đông lạnh giá. Ở cái thị trấn Thanh Hà bé nhỏ, vụ cô gái câm điếc nhưng xinh xắn nhất khu Đồng Tâm vừa trở về sau 2 năm mất tích vẫn là câu chuyện thời sự nóng hổi. Chúng tôi tìm vào nhà Nguyễn Thị Nhung, cô gái bị mất tích. Mẹ Nhung, dáng khắc khổ đang hì hụi bê chậu cám lợn từ trong bếp ra. Thấy khách, chị đặt nồi cám xuống, giọng dò xét: "Các bác hỏi cháu Nhung có việc gì?". Nghe hết lời giới thiệu, bà mẹ mới yên tâm đánh tiếng gọi chồng: "Anh Quang ơi, có nhà báo đến gặp cái Nhung".
Phải mất hơn một giờ làm công tác tư tưởng, chị Hồng rơm rớm nước mắt nói: "Cháu Nhung về nhà rồi nhưng chúng tôi gửi gia đình bên ngoại, cách đây hơn hai chục cây số. Các bác thông cảm, giờ tôi như con thú bị thương nên làm gì cũng đề phòng. Khổ thân con bé, hồng nhan bạc phận, các cụ nói chẳng sai tẹo nào. Các bác ngồi chơi, lát tôi sẽ nhờ người đi đón cháu". Và rồi, câu chuyện về hoàn cảnh éo le, về sự mất tích đầy bí ẩn và ngày đoàn tụ giống như truyện "cổ tích" của con gái anh chị dần hé mở.
Ôm con ngày đoàn tụ, nét mặt người mẹ vẫn lo lắng, buồn rầu. |
Anh Nguyễn Ngọc Quang và chị Nguyễn Thị Hồng sinh được ba người con, một trai, hai gái. Vốn là lính pháo cao xạ thuộc Sư đoàn 673 (Quân đoàn 2), anh Quang từng chiến đấu tại chiến trường Bình Trị Thiên, rồi bị nhiễm chất độc hóa học. Bị ảnh hưởng từ bố, hai cô con gái bị câm điếc bẩm sinh, hằng tháng hưởng chế độ phụ cấp chất độc da cam - điôxin. Tạo hóa trêu ngươi, con gái út của anh chị là Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 1990) tuy câm điếc nhưng trời phú cho dáng vẻ khá xinh xắn. Vì tàn tật, Nhung không thể đến trường cùng bạn. Hằng ngày, em quanh quẩn trong xóm, ngoài làng giúp bố mẹ chăn bò. Ở tuổi 18, sắc đẹp, hình thể của cô gái câm điếc chẳng thua kém bất cứ hoa khôi nào trong vùng. Có quá nhiều người để ý trong khi khả năng tự vệ của con gái lại rất kém, chị Hồng đành bán đàn bò, giữ con ở nhà. Chẳng được bao lâu, tai họa ập xuống.
Sáng 25-3-2009, dọn bữa sáng ra không thấy con về ăn, chị Hồng bổ đi tìm nhưng không thấy. Từ bé đến lớn Nhung chưa đi xa bao giờ, có đi đâu cũng xin phép bố mẹ. Linh tính người mẹ mách có chuyện chẳng lành. Đoán chắc có kẻ bắt cóc con gái, gia đình chị Hồng làm đơn gửi Công an huyện Lạc Thủy.
Gần 700 ngày không có Nhung là ngần ấy thời gian chị Hồng đẫm trong nước mắt. Hành trình tìm con của anh chị có thể viết thành một cuốn tiểu thuyết. Bán đàn bò được hơn một trăm triệu, anh chị ngược xuôi hết tỉnh nọ sang tỉnh kia. Là người chất phác, anh chị đâu có thể biết và cũng không dám vào những tụ điểm ăn chơi thác loạn. Nhờ được "tay chơi" một thời "chọc trời khuấy nước", anh chị đầu tư tiền để người này la cà quán hát, tụ điểm mại dâm. Yêu cầu đặt ra là tập trung vào các cô gái vừa câm, vừa điếc. Đằng đẵng cả năm trời, tiền của trong nhà lần lượt "đội nón ra đi" mà bóng dáng cô con gái vẫn biệt tích. Lấy ảnh của con, anh chị phô tô rồi rải khắp các tỉnh, thành. Một buổi tối, cả nhà đang ngủ thì chuông điện thoại đổ dồn. Chị Hồng bật dậy. Đầu dây bên kia là người xưng tên Vương Văn Dương, nhà ở huyện Mỹ Đức. Dương đòi 40 triệu đồng để đưa con chị Hồng về. Chẳng chút đắn đo, chị Hồng đồng ý. Sáng hôm sau, chị xuống Mỹ Đức tìm Dương. Người đàn ông đưa cho chị xem bức ảnh Nhung đang rửa bát tại một nhà hàng ở thành phố Thái Nguyên. Nhận ra con, chị Hồng mừng rơi nước mắt, đặt cọc 4 triệu đồng để Dương đi đón Nhung về. Nhưng nhận tiền rồi mà Dương vẫn quanh co, chị Hồng báo cơ quan chức năng. Tại Công an huyện Mỹ Đức, bộ mặt lừa đảo của Dương và đồng bọn bị lật tẩy. Chúng khai đã dùng ảnh của Nhung in trên tờ rơi, sau đó dùng kỹ thuật photoshop cắt dán với ảnh một cô gái đang rửa bát để lừa gia đình chị Hồng. Việc tìm kiếm con lại rơi vào bế tắc.
Ngày đoàn tụ
Hôm ấy là ngày 1-12-2010, chị Hồng nhận được điện thoại của anh Lê Ngọc Bản, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Hà. Anh Bản nói có người cho biết cháu Nhung từng được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 4 và đang theo học tại Trường Trung cấp Kinh tế du lịch Hoa Sữa (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Không kịp nghĩ thêm gì nữa, cả gia đình chị thuê xe về Hà Nội. Gặp lại con, cả gia đình ôm nhau khóc. Cô bé chăn bò câm điếc ngày nào nay đã cao lớn, trắng trẻo và xinh xắn hơn xưa. Vừa mừng vừa tủi, chị Hồng chỉ biết nói lời cảm tạ, rồi xin phép đưa Nhung về nhà ít bữa. Cũng trong ngày hôm đó, Công an huyện Lạc Thủy cử cán bộ xuống Trường Hoa Sữa để xác minh, hoàn tất hồ sơ vụ việc cô bé câm điếc bị mất tích cách đó 2 năm. Trung tá Bùi Hồng Tân, Phó trưởng Công an huyện Lạc Thủy cho biết: Đáng lẽ vụ án có thể kết thúc từ lâu, nhưng do Nhung bị câm điếc bẩm sinh, lại không biết chữ nên rất khó tìm ra. Theo hồ sơ của cơ quan công an thì Nhung bị lạc xuống Hà Nội. Ngày 25-3-2009, Công an xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) gặp cô gái vừa câm vừa điếc đang đi lang thang nên đưa về trụ sở UBND xã, lập biên bản. Vì không biết quê quán gốc tích nên Công an xã Tứ Hiệp đưa Nhung về Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1 (Sở LĐ,TB&XH). Sau 20 ngày, trung tâm này chuyển Nhung về Trung tâm Bảo trợ xã hội số 4. Thấy Nhung xinh xắn, khỏe mạnh, tiếp thu tốt nên cán bộ trung tâm gửi em đến Trường Hoa Sữa, cho học nghề may.
Cuộc hội ngộ cảm động tới mức nhiều người ví sự trở về của Nhung là "sự kết thúc có hậu của câu chuyện cổ tích thế kỷ XXI". Ai ngờ, sau 2 tuần đoàn tụ, lắng nghe cơ thể con, nói chuyện với con bằng ngôn ngữ của người câm, chị Hồng đã bật khóc. Hóa ra, đằng sau hành trình lưu lạc của con gái chị là vô số câu hỏi chưa có lời giải.
Uẩn khúc cần làm rõ
Hai mươi năm chắt chiu nuôi dạy hai cô bé câm điếc, chị Hồng có thể nói chuyện với con bằng ngôn ngữ của người câm. Theo chị, Nhung không lạc đường mà bị bắt cóc. Ngay sau khi đón Nhung về, chị đã kiểm tra người con và phát hiện hai vết sẹo (1 vết ở cổ tay, 1 vết phía sau đầu). Nhung "kể" bị một người đàn ông bắt cóc, sau đó dùng dây điện trói vào thành ghế, bịt mồm, dùng chân đạp vào mặt, đầu Nhung va vào thành ghế, chảy máu. Vết sẹo trên tay là do sợi dây điện cứa vào.
Để kiểm chứng khả năng nhận thức, phóng viên Hànộimới đưa cho Nhung một sợi dây thừng, em lắc đầu nhưng khi đưa ra sợi dây điện, Nhung gật đầu và trỏ vào sợi dây nguồn của chiếc ti vi trong nhà. Bà Hồng đau xót: "Tôi biết chắc cháu bị xâm hại". Nhiều lần ngồi cùng con xem bộ phim kể về một cô gái bị hãm hiếp, bà Hồng hỏi con có bị giống như thế không, Nhung gật đầu, khóc lóc thảm thiết. Người mẹ nghi ngờ còn là bởi Nhung có rất nhiều quần áo đẹp, cả váy ngắn hàng hiệu. Với người câm điếc, phải sống nhờ vào sự trợ giúp của cộng đồng, Nhung lấy đâu ra thứ quần áo thời trang đắt tiền đó?
Trong biên bản "Giao nhận người lang thang" do Trung tâm BTXH số 1 lập ngày 25-3-2009 mà phóng viên Hànộimới thu thập được thì tài sản mang theo người Nhung còn có 628 nghìn đồng tiền Việt Nam. Nhung lấy đâu ra số tiền đó? Dấu hiệu việc em Nhung bị xâm hại là có thật.
Anh Nguyễn Ngọc Quang, bố Nhung chua xót nói: "Gia đình chúng tôi hiểu những gì đã xảy ra với cháu trong thời gian lưu lạc. Tổn thất này không có gì bù đắp được". Nếu cơ quan công an không làm rõ được nguyên nhân dẫn đến việc con gái anh mất tích, cái ác có cơ hội tồn tại.
Cũng vì quá lo cho con, anh chị đã bàn bạc, có thể sẽ không cho Nhung quay lại Trường Trung cấp Kinh tế du lịch Hoa Sữa để học nghề nữa.
Phóng viên Hànộimới rời thị trấn Thanh Hà khi màn đêm xuống. Đi trong cái lạnh tê tái, chúng tôi có cảm giác vui buồn lẫn lộn. Vui, bởi bông hoa xứ Mường đã trở về với vòng tay ấm áp của gia đình, người thân, buồn vì những uẩn khúc về sự mất tích và trở về của Nhung vẫn còn là ẩn số.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.