(HNMO) - Ngày 3-11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bệnh viện K trung ương tổ chức hội nghị quốc tế “Kiểm soát ung thư: thực trạng và giải pháp”.
Hội nghị quốc tế “Kiểm soát ung thư: thực trạng và giải pháp” ngày 3-11. |
Theo Bộ Y tế, bệnh ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước nghèo, các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, ước tính, mỗi năm có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người chết vì ung thư. Tỷ lệ tử vong do bệnh ung thư cao gấp 9 lần số người chết do tai nạn giao thông.
PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K trung ương cho biết, bệnh ung thư phát hiện càng sớm việc điều trị càng đơn giản. Tuy nhiên, hơn 70% bệnh nhân ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém. Đây chính là lý do khiến tỷ lệ chữa khỏi ung thư tại nước ta thấp, không bằng các nước phát triển. “Hiện nay, chi phí sàng lọc, phát hiện sớm ung thư chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Thời gian tới, bảo hiểm y tế có thể chi trả phí tầm soát một số bệnh ung thư như: Ung thư vú, cổ tử cung, gan, đường tiêu hóa… Việc tầm soát giúp nâng tỷ lệ phát hiện sớm và chữa khỏi bệnh ung thư”, PGS.TS Trần Văn Thuấn nói.
Tại hội nghị, Bệnh viện K trung ương đã cùng với một số chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ung thư của thế giới tổ chức được 4 khóa đào tạo về các lĩnh vực: Phân tích cấu phần trong xác định yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm và ung thư; ứng dụng ngân hàng sinh học trong nghiên cứu và kiểm soát ung thư; chẩn đoán sớm, điều trị phẫu thuật và tiên lượng ung thư dạ dày; chăm bệnh nhân ung thư.
Dịp này, Viện Ung thư quốc gia-Trường Cao học Khoa học và Chính sách ung thư, Trung tâm Ung thư quốc gia Hàn Quốc-Viện Y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực kiểm soát và phòng chống ung thư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.