(HNMO) - So với năm 2017, tỷ lệ người lao động cho biết thu nhập so với chi tiêu “có dư dật, tích lũy” tăng 1,3%; số người lao động gặp khó khăn, không đủ sống phải làm thêm giờ chỉ tăng nhẹ...
Tại hội nghị, Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn Vũ Quang Thọ cho biết, về tiền lương cơ bản, hằng tháng, người lao động nhận được trung bình 4,67 triệu đồng, tăng 4,24% so với kết quả khảo sát năm 2017. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người lao động nhận được mức lương cơ bản thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Ngoài tiền lương cơ bản, người lao động còn nhận được tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ doanh nghiệp; nhưng khoản này không được tính vào mức đóng bảo hiểm. Tổng thu nhập trung bình của người lao động (không bao gồm ăn ca) đạt gần 5,53 triệu đồng/tháng, tăng 1,4% so với kết quả khảo sát năm 2017.
Cũng so với năm 2017, tỷ lệ người lao động cho biết thu nhập so với chi tiêu “có dư dật, tích lũy” tăng 1,3%; số người lao động gặp khó khăn, không đủ sống phải làm thêm giờ chỉ tăng nhẹ; nhưng tỷ lệ người lao động phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ tăng 5,8%.
.Về điều chỉnh lương tối thiểu vùng, các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương cho biết, khoảng 90% doanh nghiệp đã điều chỉnh với 88,4% người lao động. Nhiều doanh nghiệp điều chỉnh cho tất cả người lao động; một số doanh nghiệp chỉ điều chỉnh cho bộ phận thấp hơn lương tối thiểu để đóng bảo hiểm mà không điều chỉnh đơn giá sản phẩm nên tiền lương thực tế không tăng.
Về tác động của việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng đến các đối tượng liên quan, kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết doanh nghiệp cho biết việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng đã làm tăng quỹ tiền lương, tăng các khoản đóng góp theo lương và phải điều chỉnh bảng lương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.