(HNM) - Thực trạng tật khúc xạ (TKX) học đường đã được báo động từ nhiều năm nay. Kết quả nghiên cứu tại các trường trên địa bàn thành phố năm 2010 do Bệnh viện Mắt Hà Nội thực hiện cho thấy, tỷ lệ học sinh bị cận... vẫn đang tăng theo cấp học với tỷ lệ học sinh mắc TKX là 32,5%, trong đó cận thị chiếm đến 30,19%.
Khám, điều trị mắt cho học sinh mắc tật khúc xạ. |
Số trẻ mắc TKX vẫn tăng
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới thì các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, đang có tỷ lệ người mắc TKX cao nhất thế giới. TKX là một trong 5 nguyên nhân dẫn đến mù lòa nếu không được phát hiện và điều chỉnh kính kịp thời. Tuy nhiên, do nhận thức cũng như hiểu biết của người dân còn hạn chế nên TKX, đặc biệt là ở trẻ em, vẫn gia tăng nhanh chóng, nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Tỷ lệ trẻ ở nội thành mắc TKX cao hơn ở ngoại thành (từ 25% đến 35% so với từ 8% đến 15%); ở trường chuyên, lớp chọn cao hơn lớp thường. Theo thống kê từ nghiên cứu trên, ở một số trường của Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, có lớp gần 70% học sinh bị cận thị.
Nên khám mắt định kỳ cho trẻ 6 tháng một lần hoặc đi khám mắt ngay tại các cơ sở chuyên khoa khi thấy trẻ có những dấu hiệu sau: nhìn xa không rõ, thấy chữ viết hoặc hình vẽ trên bảng mờ mờ, hay quay hoặc nghiêng đầu, nheo mắt, che một mắt để nhìn, cúi đầu sát xuống cuốn sách hay bàn học khi đọc hoặc viết, chớp hay dụi mắt một cách không bình thường. |
Bác sỹ Trịnh Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Mắt Hà Nội cho biết, nếu như năm 1980, tỷ lệ TKX học đường của Hà Nội mới là 12%, năm 1998 là 24,4%, năm 2001 là 29,9% thì đến nay tỷ lệ này đã lên mức 32,5%, trong đó trẻ bị cận thị chiếm 30,19%. Đặc biệt, tỷ lệ TKX học đường tăng nhanh theo cấp học: bậc tiểu học 18%, THCS 25% và THPT là 50%. Còn theo kết quả điều tra của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trên 2.250 học sinh tại 3 tỉnh Đà Nẵng, Hà Tĩnh và Hải Phòng thì có tới 26,14% học sinh mắc các TKX, trong đó tỷ lệ học sinh bị cận thị chiếm 79,53%. Số học sinh nữ mắc TKX là 29% cao hơn so với học sinh nam là 23%.
Mắc TKX, thị lực của trẻ giảm sút, nhìn mờ, có các biểu hiện khác như mỏi mắt, nhức đầu, chóng mặt… và trẻ càng bị TKX sớm thì khả năng tiến triển càng nhanh và nặng, có thể dẫn đến lác mắt, cong vẹo cột sống… Điều này không những làm ảnh hưởng nhiều đến việc học tập (chép nhầm bài, đọc nhầm chữ…), sinh hoạt mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ của trẻ, bố mẹ thì tốn chi phí khám, mua kính cho con.
Nguyên nhân dẫn đến TKX học đường thường là do di truyền và các yếu tố nguy cơ như tư thế ngồi học sai; điều kiện ánh sáng, bàn ghế không phù hợp; thói quen đọc sách, chơi điện tử, xem TV, sử dụng máy vi tính nhiều khiến mắt làm việc quá sức…
Giảm bằng sàng lọc sớm
Tuy số học sinh bị TKX cao, nhưng tỷ lệ mang kính vẫn hạn chế. Ở nước ta hiện nay có gần 3 triệu trẻ em mắc TKX cần được đeo kính. Điều đáng lo hơn là trong số trẻ đã dùng kính vẫn còn rất nhiều trường hợp mang kính không đúng với thị lực, làm cho mắt tăng độ nhanh. TKX chỉ có thể phát hiện khi được bác sỹ chuyên khoa khám, kiểm tra thị lực, nhưng nhiều trường hợp trẻ không đến cơ sở y tế mà đo thị lực tại các điểm bán kính dẫn tới chẩn đoán nhầm, rất nguy hiểm. Theo bác sỹ Vũ Bích Thủy (BV Mắt TƯ), có nhiều trường hợp trẻ đeo kính trong tình trạng mắt kính quá sát, kính lệch tâm trục thị giác, thậm chí có trường hợp "cận thị giả" nhưng vẫn được kê đơn kính thuốc. Để đo kính cận thị hay loạn thị chính xác nếu chỉ đọc bảng chữ, kiểm tra bằng máy đo khúc xạ thì chưa đủ, mà trẻ cần phải được nhỏ thuốc liệt điều tiết mắt. Việc nhỏ thuốc mất thời gian chờ đợi nên nhiều hiệu kính thuốc mặc dù đã được cấp phép đủ các điều kiện vẫn bỏ qua công đoạn thăm khám này. Hậu quả, có những trẻ khi đo bên ngoài, được kê đơn kính thuốc bị cận thị nhưng khi đến BV khám đúng quy trình thì lại không cận thị (chuyên môn gọi là "cận thị giả"), không phải đeo kính, chỉ cần có chế độ dùng thuốc, chăm sóc đúng, mắt sẽ được hồi phục. Điều đáng nói hơn, tại các cửa hàng kính thuốc, người bệnh hầu như không được tư vấn cách chăm sóc mắt như thế nào.
Để phát hiện, phòng ngừa và khắc phục những ảnh hưởng của TKX học đường gây ra, công tác khám sàng lọc của các đơn vị y tế chuyên ngành rất quan trọng. Nhiều năm qua, vào dịp nghỉ hè, BV Mắt Hà Nội đã triển khai chương trình khám sàng lọc các bệnh về mắt cho trẻ tại các trường tiểu học, THCS. Mới đây, các bác sỹ của BV đã khám miễn phí cho 200 trẻ dưới 16 tuổi ở Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình. Thông qua khám sàng lọc, những trường hợp có chỉ định điều trị bằng ngoại khoa đã được phẫu thuật miễn phí. Đối với trường hợp trẻ bị nhược thị, BV đã giảm 15% chi phí tập nhược thị cho một đợt (10 ngày) tại phòng tập của đơn vị. Riêng trong năm 2010, BV đã khám sàng lọc cho học sinh của 265 trường; phát kính cho gần 1.000 trẻ. BV còn trang bị bảng thị lực cho các lớp học; tập huấn cho các giáo viên, cán bộ các trung tâm y tế nâng cao hiểu biết về nguyên nhân, dấu hiệu và các giải pháp phòng ngừa về TKX học đường.
Việc sàng lọc phát hiện sớm TKX cho trẻ sẽ đem lại hiệu quả điều trị cao, giảm tỷ lệ mắc TKX nặng. Vì vậy, rất cần có nhiều chương trình khám sàng lọc như của BV Mắt Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.