(HNMO) - Trong những tuần gần đây, tỷ giá VND/USD biến động mạnh, lên trên 23.300 VND. Việc giữ VND hay USD được nhiều người quan tâm. Theo một số chuyên gia, dù tỷ giá tăng cao nhưng giữ VND vẫn có lợi hơn.
Từ cuối tháng 5 đến nay, tỷ giá VND/USD rục rịch tăng. Đặc biệt, từ ngày 18-6, tỷ giá tăng khá mạnh, đến ngày 2-7, tỷ giá cao hơn khoảng 1,2% so với cuối năm 2017.
1 USD “ăn” 23.320 VND
Vào ngày 2-7, giá USD tại ngân hàng chính thức vượt ngưỡng 23.000 VND. Vietcombank niêm yết ở mức 23.005 VND-23.075 VND (mua vào-bán ra), tăng 85 VND so với ngày 29-6. Tại khối ngân hàng thương mại tư nhân, Eximbank tăng từ 22.920 VND-22.990 VND lên 22.950VND-23.040 VND; ACB niêm yết ở mức 23.000 VND-23.080 VND.
Hai nguyên nhân khiến tỷ giá đi lên là lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng tăng theo xu hướng tăng của lãi suất thế giới trong khi lãi suất liên ngân hàng VND vẫn ở mức thấp; một số yếu tố trong và ngoài nước tác động tới tâm lý thị trường, như thị trường chứng khoán trong nước một số phiên giảm điểm mạnh, USD trên thị trường thế giới tăng giá.
Giữ VND có lợi hơn USD. |
Thị trường chỉ hạ nhiệt, xuống dưới 23.000 VND, giao dịch phổ biến quanh mức 23.040-23.050 VND/USD sau khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp bằng cách niêm yết giá bán ở mức thấp, chỉ là 23.050 VND/USD, giảm tới 244 đồng, tương đương 1% so với mức yết trước đó.
Sau 20 ngày can thiệp thị trường, ngày 23-7, Ngân hàng Nhà nước tăng giá bán tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước từ mức 23.050 VND lên 23.273 VND, tương đương 0,96%.
Lý giải về việc Ngân hàng Nhà nước nâng mạnh giá bán USD, ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, NHNN đã đáp ứng toàn bộ nhu cầu đăng ký mua ngoại tệ của các tổ chức tín dụng (TCTD) có trạng thái ngoại tệ âm để bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường, cùng với các biện pháp, công cụ chính sách tiền tệ khác đã giúp tỷ giá và thị trường ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Việc NHNN sẵn sàng can thiệp ở mức 23.050 VND/USD đã giúp bình ổn tỷ giá và thị trường ngoại tệ.
Trên thực tế, khi thị trường ngoại tệ có thiếu hụt cục bộ về ngoại tệ và chịu áp lực từ yếu tố tâm lý, việc can thiệp của NHNN đã bổ sung một lượng ngoại tệ nhất định cho thị trường, giúp khả năng cung ứng ngoại tệ cho khách hàng của TCTD tốt hơn.
Do đó, NHNN niêm yết tỷ giá bán ngoại tệ ở mức 23.273 VND/USD để tỷ giá thị trường diễn biến phù hợp hơn với tình hình thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời đảm bảo sẵn sàng hỗ trợ thị trường tại mức tỷ giá hợp lý.
Ngay sau NHNN tăng giá bán, các ngân hàng thương mại đã nhanh tay tăng phổ biến 130-160 VND mỗi USD, lên sát mức 23.300 VND. Việc ngân hàng đồng loạt tăng mạnh giá đồng bạc xanh này được nhìn nhận một phần là do yếu tố tâm lý chứ không hẳn do cung cầu thị trường, bởi chênh lệch giữa giá mua và giá bán USD vẫn ở mức rộng, phổ biến 70-80 VND.
Giữ VND có lợi hơn
Sau đó, giá đồng bạc xanh nhanh chóng hạ nhiệt. Tuy nhiên, một số ngày gần đây giá USD lại đi lên. Đến hôm nay (31-7), Vietcombank niêm yết ở mức 23.230 VND-22.310 VND; Vietinbank để là 23.237 VND-23.317 VND; ACB giao dịch là 23.240 VND-23.320 VND; SCB để với giá 23.250 VND-23.330 VND; Eximbank niêm yết ở mức 23.240 VND-23.320 VND.
Với diễn biến trên, việc giữ VND hay USD được nhiều người quan tâm. Theo một số chuyên gia, mặc dù tỷ giá biến động mạnh nhưng giữ VND vẫn có lợi.
Không đưa ra lời khuyên cụ thể nhưng TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, giữ VND có lợi hơn, vì người gửi tiền VND hiện được hưởng lãi suất 7% trong khi đó lãi suất USD là 0%, lạm phát ở mức 4%, tỷ giá VND/USD đã tăng khoảng 2%, tính ra rõ ràng giữ tiền VND vẫn có lợi hơn.
Cùng quan điểm trên, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng độc lập chia sẻ, chênh lệch lãi suất VND và USD hiện ở mức cao, khoảng 7-8%, ngay cả khi tỷ giá tăng thêm 1% thì người giữ VND vẫn có lợi.
Làm một phép tính, với 30.000 USD, gửi tiết kiệm với lãi suất là 0% (theo quy định lãi suất tiết kiệm USD là 0%), sau một năm, giả sử tỷ giá tăng lên mức 23.600 VND, thì so với số tiền ban đầu, từ chênh lệch tỷ giá, người giữ USD có lời 26 triệu đồng.
Tuy nhiên, vẫn với số tiền trên, đổi ra VND, tương đương 682 triệu đồng. Lấy số tiền này gửi tiết kiệm trong thời gian một năm với lãi suất 7% thì số tiền lãi thu về là gần 48 triệu đồng. Như vậy, giữ tiền VND có lợi hơn giữ USD tới hơn 20 triệu đồng.
TS Bùi Quang Tín, giảng viên trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh nhận định, việc găm giữ USD là rất rủi ro bởi năm trước, giá USD cũng có thời điểm tăng mạnh sau đó đã nhanh chóng giảm khiến thị trường dư thừa ngoại tệ, giá USD trên thị trường tự do thậm chí có lúc còn thấp hơn giá tại ngân hàng.
Vì vậy, chuyên gia này khuyến cáo người dân cần thận trọng với diễn biến thị trường. Khi giá tăng cao, NHNN có nguồn dự trữ ngoại hối lớn để can thiệp; ngoài ra, còn có nguồn ngoại tệ từ kiều hối, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.