Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tỷ giá ổn định nhưng chưa thể chủ quan

Theo VGP News| 31/07/2011 19:24

Tỷ giá đã chuyển từ biến động mạnh sang cơ bản ổn định trong thời gian tương đối dài. Tuy nhiên, tỷ giá đang đứng trước một số yếu tố có thể dẫn tới rủi ro.


Tỷ giá ổn định

Tỷ giá VND/USD có sự biến động khá mạnh trong các năm từ 2008 - 2010 (năm 2008 tăng 6,31%, năm 2009 tăng 10,7%, năm 2010 tăng 9,68%). Bước sang năm 2011, nhất là sau động thái tăng vào ngày 11/2, tỷ giá VND/USD đã cơ bản ổn định. Điều này thể hiện ở một số điểm sau:

Biểu hiện rõ nhất ở tốc độ tăng giá USD trong 7 tháng qua thấp.

Trong 7 tháng có tới 5 tháng giá USD giảm và sau 7 tháng (tức là tháng 7/2011 so với tháng 12/2010) chỉ tăng 0,06%. Đó là diễn biến hiếm thấy trong nhiều năm trước đó và được coi là kết quả thành công của các giải pháp thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Thứ 2, thị trường ngoại tệ tự do đã bị thu hẹp. Tỷ giá trên thị trường này đã giảm khá mạnh từ 22.500 VND/USD vào tháng 2 xuống còn khoảng 20.600 VND/USD hiện nay, giảm tới trên 8%, chênh lệch tỷ giá trên thị trường tự do và thị trường chính thức đã giảm thiểu, thậm chí có nơi, có lúc tỷ giá trên thị trường tự do còn thấp hơn trên thị trường chính thức. Tỷ giá trên thị trường chính thức trong nhiều thời gian thấp hơn cả tỷ giá liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố. Ngay cả khi giá vàng trong nước liên tục đạt đỉnh mới theo giá thế giới, nhưng tỷ giá VND/USD vẫn ổn định. Điều này đã góp phần làm cho giá vàng ở trong nước thấp hơn giá vàng thế giới, góp phần hạn chế tác động tiêu cực đối với tâm lý lạm phát khi giá vàng tăng cao.

Thứ 3, Ngân hàng Nhà nước đã tranh thủ sự ổn định của tỷ giá để mua được hơn 4 tỷ USD, góp phần tăng dự trữ ngoại tệ của quốc gia, nhưng tỷ giá trên thị trường vẫn cơ bản ổn định. Đây cũng là trạng thái hiếm thấy so với động thái tương tự trong năm 2008.

Thứ 4, Sự điều hành để ổn định tỷ giá VND/USD diễn ra trong điều kiện lạm phát của Việt Nam cao gấp nhiều lần của nước Mỹ; diễn ra khi có không ít ý kiến, kể cả của một số chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã định giá cao đối với đồng nội tệ,… lại càng có ý nghĩa.

Thứ 5, sự ổn định của tỷ giá đã góp phần chống đô la hóa, ổn định tâm lý lo sợ lạm phát,…

Cảnh báo rủi ro tỷ giá

Tuy đang ổn định nhưng tỷ giá đang đứng trước một số yếu tố có thể dẫn tới rủi ro.

Yếu tố quan trọng tạo sức ép đối với tỷ giá bắt nguồn từ sự đáo hạn của các khoản vay ngoại tệ tăng với tốc độ khá cao trong thời gian qua. Tăng trưởng dư nợ tín dụng 6 tháng của ngoại tệ lên đến 23%, gấp nhiều lần tốc độ tăng 3% của nội tệ.

Với lãi suất huy động nội tệ được khống chế ở mức trần 14%/năm (nhưng thực tế đối với những khoản tiền lớn, khách hàng quen thì lãi suất thỏa thuận cao hơn nhiều), thì lãi suất huy động USD ở mức thấp và đã 2 lần giảm trần (lần 1 vào đầu tháng 4 đối với tổ chức còn 1%, đối với cá nhân còn 3%; lần 2 vào đầu tháng 6 giảm tương ứng còn 0,5% và 2%) đã làm cho người gửi tiền bán USD chuyển sang gửi tiền đồng. Trong khi lãi suất vay USD vào khoảng 6- 7,5%/năm, nếu kể cả trượt giá USD, thì cũng thấp hơn lãi suất vay nội tệ ở mức trên 20%/năm (tùy lĩnh vực), thì vay ngoại tệ sẽ có lợi hơn so với vay nội tệ.

Đến kỳ đáo hạn, nhu cầu mua USD để trả nợ ngân hàng tăng, tạo sức ép tăng tỷ giá VND/USD. Điều này thường diễn ra vào đầu năm và cuối năm, dẫn đến việc điều chỉnh tỷ giá với chu kỳ được lặp lại trong vài năm qua là 6 tháng 1 lần (lần trước nữa là 11/8/2010, lần vừa rồi là 11/8/2011,…).

Một yếu tố khác là quan hệ cung - cầu ngoại tệ giữa ngoài nước và trong nước. Nguồn ngoại tệ từ nước ngoài vào Việt Nam năm nay không tăng nhiều so với năm 2010, thậm chí có loại có thể còn bị giảm. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng ước đạt 6,3 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ, khả năng cả năm khó đạt được mức 11 tỷ USD của năm trước. Nguồn vốn hỗ trợ chính thức khả năng thực hiện cao hơn, nhưng phần không hoàn lại ít hơn, trong khi phần trả nợ nước ngoài thực hiện nghiêm chỉnh.

Tuy nhiên, lợi thế của năm nay là cán cân thanh toán có số dư, dự trữ ngoại tệ tăng, chủ yếu do huy động được USD từ nguồn trong nước, bao gồm từ các doanh nghiệp và từ dân cư.

Đề xuất giải pháp

Để ổn định tỷ giá, các giải pháp cần tập trung vào các nguyên nhân làm rủi ro tỷ giá như đã nói trên.

Một, tiếp tục phối hợp kiểm tra, thanh tra, xử lý các đại lý thu đổi ngoại tệ, các giao dịch thanh toán trực tiếp bằng USD.

Hai, rà soát việc cung ứng ngoại tệ để giảm thiểu, đi đến loại trừ tình trạng vay USD, đổi ra VND rồi gửi ngược lại ngân hàng hưởng chênh lệch lãi suất, khi đáo hạn mua USD trên thị trường trả nợ ngân hàng.

Ba, làm quyết liệt hơn nữa việc kiềm chế nhập siêu bằng nhiều giải pháp. Về lâu dài và cơ bản là nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, đổi mới cơ cấu sản xuất, xuất khẩu, tập trung vào việc phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cần có thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn đối với những mặt hàng cần hạn chế nhập khẩu. Đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Không ham rẻ để nhập khẩu thiết bị - công nghệ thấp đang bị thải loại trong quá trình chuyển giao từ công nghệ thấp lên công nghệ cao, công nghệ nguồn, vì nó ảnh hưởng lâu dài đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam,…

Bốn, nhất quán, đồng bộ, quyết liệt hơn để chống đô la hóa, để hút USD đang tồn đọng ở trong nước của các doanh nghiệp, cá nhân nhằm tăng cung (chính yếu tố này thời gian qua đã góp phần ổn định tỷ giá ở trong nước).

Năm, rà soát lại trần lãi suất huy động USD, lãi suất cho vay USD để giảm chênh lệch hiện quá lớn giữa đồng nội tệ và ngoại tệ- một yếu tố quan trọng gây rủi ro tỷ giá.

Sáu, đẩy mạnh việc thu hút ngoại tệ từ các nguồn.

Cuối cùng là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao lòng tin của doanh nghiệp, người dân vào đồng tiền quốc gia, vào các biện pháp chống lạm phát của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tỷ giá ổn định nhưng chưa thể chủ quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.