Theo dõi Báo Hànộimới trên

TV không chuẩn DVB-T2, rẻ cũng không nên mua

Theo Trọng Cầm| 14/04/2014 16:07

Các chuyên gia và nhà sản xuất đều khuyến cáo người dùng nên hạn chế mua TV không tích hợp chuẩn DVB-T2 hoặc đầu thu theo chuẩn cũ là DVB-T, dù cho giá thành của những sản phẩm này trên thị trường có thể rẻ hơn.

Theo lộ trình Số hóa truyền hình đã được Chính phủ phê duyệt, từ nay đến năm 2020, toàn bộ các đài truyền hình trên cả nước sẽ chuyển từ phát sóng analog sang phát sóng số. Lộ trình này chia làm 5 giai đoạn, bắt đầu từ 5 Thành phố lớn trước khi mở rộng dần sang các tỉnh, thành có mặt bằng thu nhập người dân thấp hơn.

Người dùng nên hỏi rõ người bán về việc TV có được tích hợp sẵn DVB-T2 hay không trước khi mua. Ảnh: Trọng Cầm



Theo khảo sát nhanh của PV tại một số siêu thị điện máy lớn trên địa bàn Hà Nội, rất nhiều dòng TV không tích hợp DVB-T2 với kích cỡ 32-inch đang được bán với giá khuyến mại khá mạnh. Một số sản phẩm có giá chỉ khoảng trên dưới 4 triệu đồng, dù thuộc những thương hiệu lớn. Trong khi đó, số lượng các dòng TV tích hợp sẵn DVB-T2 chưa được bày nhiều, tương đối ít lựa chọn cho người dùng.

Mặc dù vậy, "việc số hóa đã là xu hướng tất yếu nên người dân không nên đi ngược lại xu hướng. Nếu lỡ sắm phải TV không hỗ trợ DVB-T2 thì dù lúc này tưởng là tiết kiệm được tiền, nhưng trước sau gì họ cũng vẫn phải mua thêm đầu thu thì mới xem được truyền hình kỹ thuật số, bởi truyền hình analog chuẩn bị ngừng phát sóng", một chuyên gia phân tích.

Nếu mua cả TV lẫn đầu thu thì rõ ràng, chi phí sẽ bị đội lên, gây tốn kém hơn so với việc chỉ mua một chiếc TV đã tích hợp sẵn khả năng thu tín hiệu số DVB-T2.

Đối với những trường hợp người dùng không chủ định tiết kiệm nhưng do không nắm rõ thông tin, không phân biệt được đâu là TV cũ và đâu là TV đã được tích hợp DVB-T2, Bộ Thông tin & Truyền thông đã có nhiều quy định áp dụng cho nhà sản xuất và các đại lý điện máy để hỗ trợ người dân. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc từ ngày 1/4, toàn bộ TV 32-inch sản xuất mới và nhập khẩu vào VN đều phải tích hợp DVB-T2, còn sau đó một tháng, kể từ ngày 1/5, tất cả các TV, đầu thu (set-top box) DVB-T2 đều sẽ phải dán nhãn hợp quy, gắn kèm logo biểu trưng của số hóa truyền hình mới được phép lưu hành trên thị trường, không có trường hợp ngoại lệ.

Do đó, khi mua hàng tại các cửa hàng điện máy hoặc showroom của các hãng, người dùng cần hỏi kỹ người bán về những sản phẩm đã được tích hợp DVB-T2, đồng thời tìm kiếm nhãn hợp quy và logo số hóa truyền hình được dán trên sản phẩm để tránh mua nhầm phải TV đời cũ (sau ngày 1/5).

Hiện tại, các thương hiệu TV lớn như LG, Sony, Samsung đều đã xác nhận công khai về việc tuân thủ quy định của Bộ TT&TT, đồng thời sẽ không tăng giá bán TV tích hợp DVB-T2 bán ra thị trường để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với truyền hình số một cách dễ dàng. Một số hãng như Sony thậm chí đã bắt đầu quảng bá thông tin về DVB-T2 thông qua áp phích, tờ rơi tại các cửa hàng, dù thời điểm bắt buộc phải dán nhãn vẫn chưa đến.

Đại diện một siêu thị điện máy lớn tại Hà Nội cho biết, TV tích hợp DVB-T2 không chỉ tuân thủ quy định của Bộ mà còn mang lại lợi ích thực sự cho người xem về trải nghiệm hình ảnh, âm thanh. So với tín hiệu analog cũ thì tín hiệu số ổn định hơn, hạn chế nhiễu, cho hình ảnh chất lượng cao hơn nên cũng đòi hỏi cấu hình, màn hình TV, loa phải thuộc "đời mới" để có thể phản ánh trung thực. Hơn nữa, cách sử dụng TV tích hợp DVB-T2 cũng rất đơn giản, không khác nhiều so với các TV đời cũ.

Hiện tại, việc triển khai truyền hình số mặt đất vẫn đang trong quá trình thử nghiệm nên người dùng chỉ có thể bắt được những kênh miễn phí tại các thành phố lớn. Trong thời gian tới, khi các đài lần lượt chuyển đổi từ phát sóng analog sang phát sóng số, số lượng kênh chương trình sẽ phong phú, đa dạng hơn. Một ưu điểm nữa của truyền hình số là nhiều thông tin về phụ đề/thuyết minh, chất lượng hình ảnh nét hơn, tỉ lệ khung hình phù hợp với chuẩn mới của các đài quốc tế (16:9), hỗ trợ độ phân giải HD, công nghệ 3D.

Tất nhiên, những chiếc TV LCD đời cũ không tích hợp DVB-T2 vẫn có thể xem được truyền hình số nhưng khi ấy, người dùng bắt buộc phải mua đầu thu set-top box rời. Các TV không phải màn hình phẳng đời cũ cũng có thể xem được truyền hình số với đầu thu rời, nhưng sẽ chỉ hỗ trợ chuẩn định dạng SD (tỉ lệ khung hình 4:3 truyền thông thay vì 16:9 của HD).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TV không chuẩn DVB-T2, rẻ cũng không nên mua

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.