(HNM) - Xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai có 7 thôn thì cả 7 thôn đều có dân sống ngoài đê với khoảng 40% số hộ. Chủ tịch UBND xã Tuyết Nghĩa Nguyễn Xuân Đức cho biết, do nằm ven sông Tích, hằng năm vào mùa mưa, nước thượng nguồn đổ về lớn nên thường xuyên bị ngập úng.
Nỗ lực hạn chế thất thoát thủy sản tại xã Tuyết Nghĩa (huyện Quốc Oai). |
Tuy nhiên, trận ngập úng năm nay quá nặng nề khiến tuyến đê bao sông Tích, đoạn chạy từ thôn Muôn đến Trường THPT Minh Khai (dài 700m) cũng bị tràn nước và sạt trượt nghiêm trọng. Theo người dân địa phương, đây là trận ngập lụt nặng nhất trong hàng chục năm qua. Sau khi nước rút, nhiều căn nhà đã bị lún, nứt; những vườn cây ăn quả như: Đu đủ, bưởi, sấu... héo rũ. Đến thời điểm này, các cánh đồng vẫn còn ngập úng, chưa thể phục hồi sản xuất.
Theo Chủ tịch UBND xã Tuyết Nghĩa Nguyễn Xuân Đức, trong đợt ngập úng vừa qua, thiệt hại nặng nề nhất là 50 gia đình nuôi trồng thủy sản. Toàn bộ diện tích 16ha ao nuôi bị tràn bờ, cá tôm theo dòng nước đi hết. Chủ tịch Hội Nông dân xã Tuyết Nghĩa Dương Minh Tuyên - cũng là một chủ nuôi trồng thủy sản ở thôn Liên Trì bị thiệt hại lớn nhất xã. 5ha nuôi cá đã đến kỳ thu hoạch bị mất trắng, trong đó có các loại cá giá trị thương phẩm cao như: Trắm giòn, nheo, chép… Ông Tuyên cho biết: “Trận úng ngập vừa qua, đã khiến gia đình mất 7-8 tấn cá, trị giá khoảng 400 triệu đồng".
Thôn Muôn, xã Tuyết Nghĩa có 270 hộ dân thì 200 hộ nằm ngoài đê bị ngập nặng. Trưởng thôn Nguyễn Văn Lương cho hay, thôn có 6 trang trại nuôi gà, quy mô 3.000 con/trang trại. Khi nước tràn tới thôn, người dân chỉ kịp chuyển gà, lợn lên tầng trên hoặc gửi những gia đình nằm ở phía trong đê; còn lại, diện tích vườn cây ăn quả bị ngập úng. Ông Nguyễn Xuân Ích, một trong 13 hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nghiêm trọng của thôn, ngậm ngùi cho biết: "Gia đình tôi có 2,5 mẫu ao thả cá, dự kiến thu hoạch dịp Tết 2018, nhưng bị mất trắng do nước tràn bờ". Tương tự, hộ ông Nguyễn Văn An có 2,4 mẫu ao nuôi cá cũng bị trôi hết theo dòng lũ. Ông cho biết, theo kinh nghiệm “sâu ao, cao bờ”, gia đình ông đã thuê máy xúc đắp bờ ao cao tương đương với bờ đê nhưng không ngờ nước tràn đê nên ao cá cũng bị mất trắng...
Hiện nay, nước đang rút. Tuy mất mát nặng nề, khó khăn chồng chất nhưng các hộ dân xã Tuyết Nghĩa không nản lòng và đang dồn sức khôi phục sản xuất. Người dân trong xã mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, các ngành chức năng, đặc biệt là về vốn vay từ các nguồn vốn ưu đãi để tiếp tục đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, với đặc thù thường xuyên xảy ra ngập úng, chính quyền địa phương cũng cần nghiên cứu, hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Thay vì trồng cây dài ngày, nên khuyến khích bà con chuyển sang trồng các loại rau màu ngắn ngày; đồng thời, trong nuôi trồng thủy sản, cần tính toán thời gian thu hoạch trước mùa mưa bão để giảm tối đa thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Mong rằng, với sự nỗ lực của người dân cùng sự "giúp sức" từ nhiều phía, bà con xã Tuyết Nghĩa sẽ sớm khôi phục sản xuất và ổn định đời sống...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.