(HNM) - Như
Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh kiểm tra, thu giữ pháo lậu. Ảnh: TTXVN |
Còn "cầu" ắt có "cung"
Theo đánh giá của Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH (Bộ Công an), những năm gần đây, các trường hợp buôn bán, vận chuyển đã được phát hiện, ngăn chặn, thu giữ ngày càng nhiều, việc sử dụng trái phép pháo nổ đã giảm mạnh. Song, vẫn còn một số người ý thức kém và do hám lợi, các đối tượng buôn lậu vẫn tìm mọi cách tuồn loại hàng hóa này vào nội địa. Do đó, các cơ quan chức năng vẫn coi việc ngăn chặn nạn vận chuyển, buôn bán pháo lậu là nhiệm vụ quan trọng. Riêng năm 2013, các lực lượng chức năng cả nước đã bắt giữ hơn 100 vụ việc với gần 130 đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép, thu trên 6.200kg pháo. CA các địa bàn cũng vận động nhân dân giao nộp được hơn 530kg pháo. Có những chuyên án lớn như vụ việc CA tỉnh Quảng Ninh khám phá, bắt 7 đối tượng, thu gần 2.800kg pháo các loại, hay chuyên án được CA Lạng Sơn xác lập đã bắt 2 đối tượng, thu 460kg pháo nổ...
Qua các vụ việc lớn, có thể thấy, pháo lậu chủ yếu được nhập qua biên giới phía bắc, chuyển về Hà Nội và các tỉnh lân cận để tiêu thụ tại chỗ hoặc tiếp tục được xé nhỏ, đưa về các địa phương xa hơn. Đáng nói là trong khi phần lớn người dân đã nhận thức được tác hại của pháo, vẫn còn không ít đối tượng lén lút sử dụng loại hàng nguy hiểm này vào các dịp lễ Tết, chủ yếu tại khu vực nông thôn. Phần lớn việc mua bán pháo lẻ diễn ra âm thầm, rất khó phát hiện do đặc thù thôn xóm, người bán người mua biết nhau mới giao dịch, số lượng pháo bán ra nhỏ lẻ. Đối tượng sử dụng thường là thanh thiếu niên, đốt pháo ở nơi vắng vẻ, lúc đêm tối nên khó bị phát hiện.
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Lợi nhuận do buôn lậu pháo mang lại là không nhỏ. Một bánh pháo nổ mua ở đường biên khi tiêu thụ tại nội địa giá có thể gấp 5 tới 15 lần. Vì vậy, các đối tượng tội phạm tìm mọi cách để buôn bán, vận chuyển dù biết đó là hành vi vi phạm pháp luật. Tại khu vực nội thành Hà Nội, mặc dù tình trạng bán lẻ pháo nổ gần như không còn nhưng việc tàng trữ pháo để trung chuyển đi các địa bàn xa vẫn tiềm ẩn. Một trinh sát chống buôn lậu của CA Hà Nội cho biết, dịp trước Tết, các lực lượng chức năng thường làm mạnh nên hiện nay pháo lậu được vận chuyển dàn trải trong năm, mỗi lần một ít, trà trộn vào các loại hàng hóa khác, tập kết thành mối lớn trước khi tiếp tục xé nhỏ để tiêu thụ…
Tại vùng biên, các đối tượng buôn bán và vận chuyển pháo nổ cũng áp dụng thủ đoạn tinh vi để tránh bị phát hiện, bắt giữ. Do có quy định về việc khởi tố hình sự liên quan đến khối lượng pháo thu giữ, các đối tượng vận chuyển pháo thường bóc tách lượng hàng vận chuyển, thuê người bốc vác là trẻ em, mỗi lần dưới 10kg pháo. Nếu cơ quan chức năng phát hiện thì cũng rất khó xử lý và cũng không dễ truy nguyên chủ hàng. Quá trình vận chuyển từ đường biên về nội địa, các đối tượng buôn lậu thường thuê taxi hoặc xe ôm, cho điện thoại người nhận hàng, khi đến nơi thì gọi điện để giao hàng. Những người vận chuyển khi bị bắt giữ cũng không khai ra được người thuê và cũng không rõ đối tượng nhận hàng…
Tránh bệnh hình thức trong quản lý
Thực trạng trên cho thấy cuộc chiến chống pháo lậu còn có thể kéo dài nếu như không chặn được nguồn "cầu" - người tiêu thụ sử dụng pháo nổ. Để làm được việc này thì vai trò chính thuộc về các cơ quan làm công tác quản lý nhà nước và chính quyền các địa phương. Dịp Tết Quý Tỵ 2013, trong khi các cấp chính quyền tỉnh Hải Dương báo cáo tình hình địa bàn khá ổn định thì thực tế người ta đốt pháo công khai, xác pháo ngập đường. Sự việc đó được khá nhiều cơ quan thông tin đại chúng phản ánh và cuối cùng lãnh đạo địa phương đã phải thừa nhận...
Chuẩn bị đón Tết Giáp Ngọ, công tác tuyên truyền phòng ngừa tình trạng buôn bán, tàng trữ, sử dụng pháo, vũ khí, vật liệu nổ trên địa bàn Hà Nội được tăng cường. Chính quyền các cấp đã tổ chức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh trên 12.000 lượt buổi; treo 1.150 băng rôn, pa nô, áp phích; Phòng Cảnh sát QLHC về TTATXH - CATP đã tổ chức cho người dân ký hơn 1,92 triệu bản cam kết... Tuy nhiên, như thế vẫn là chưa đủ bởi nếu chỉ đẩy mạnh tuyên truyền mà thiếu kiểm tra, giám sát thì dễ sa vào hình thức, tốn kém mà không hiệu quả. Việc kiểm tra, giám sát phải có sự tham gia của nhiều lực lượng, bao gồm các cơ quan chức năng, các đoàn thể và đặc biệt là lực lượng quần chúng nhân dân. Bên cạnh việc yêu cầu UBND quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý địa bàn, UBND TP Hà Nội cũng đề nghị duy trì hoạt động của tất cả các trụ sở tuần tra nhân dân từ ngày 23 tháng Chạp đến mồng 6 tháng Giêng, tăng cường lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng tuần tra để kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan đến ANTT tại cơ sở; đặc biệt là không để xảy ra tình trạng đốt pháo nổ công khai...
Trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra việc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và đốt pháo nổ ở địa phương. Lãnh đạo các tỉnh, thành cũng yêu cầu chính quyền cơ sở chịu trách nhiệm nếu để xảy ra việc đốt pháo...
Nếu chính quyền và các cơ quan chức năng nâng cao trách nhiệm quản lý trong lĩnh vực này, hạn chế tối đa và ngăn chặn có hiệu quả việc buôn bán, sử dụng pháo nổ, hy vọng sẽ có những ngày Tết thực sự bình yên.
Từ đầu năm 2014 đến nay, các cơ quan chức năng cả nước đã bắt giữ 109 vụ buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo các loại. Trong đó có 108 vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo và 1 vụ đốt pháo trái phép. Cơ quan CA đã tạm giữ 146 đối tượng, thu hơn 3.370kg pháo các loại; vận động nhân dân giao nộp hơn 100kg pháo các loại. Riêng tại Hà Nội, từ ngày 16-12-2013 đến nay, các lực lượng CA phát hiện, bắt giữ 14 vụ, thu hơn 400kg pháo nổ; đã khởi tố 8 vụ, đề nghị truy tố 6 vụ… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.