(HNM) - Cuối tuần qua, Bộ GD-ĐT đã chính thức quyết định đưa khối A1 (toán, vật lý, tiếng Anh) vào kỳ thi ĐH, CĐ năm 2012. Điều này hứa hẹn mang thêm cơ hội trúng tuyển và tuyển sinh cho các trường và thí sinh (TS). Song các chuyên gia tuyển sinh vẫn lưu ý TS cần cân nhắc trước khi chọn khối thi này.
Sau năm 2015 mới tích hợp môn thi
Ban đầu, Bộ GD-ĐT đưa ra 2 phương án: Thứ nhất, khối A1 được tổ chức thi cùng đợt với khối A, môn thứ 3 của mỗi khối là tiếng Anh và hóa sẽ có đề thi riêng. Phương án thứ hai là cho phép các trường tổ hợp các môn thi ở các khối khác nhau để xét tuyển. Như vậy, nếu TS thi cả khối A và khối D có thể lấy điểm toán, vật lý của khối A kết hợp với điểm tiếng Anh của khối D để xét tuyển khối A1. Nếu vậy, TS dự thi hai khối A, D sẽ có thêm cơ hội đăng ký nguyện vọng khối A1 theo kết quả thi các môn ở khối A khối D. Phương án thứ nhất, tức hai khối thi cùng đợt, đã được lựa chọn. Đồng thời, nhằm bảo vệ quyền lợi cho TS, bên cạnh việc khuyến khích các trường bổ sung khối A1, Bộ cũng lưu ý các trường không được thay thế hoàn toàn khối A bằng khối A1.
Các thí sinh tìm hiểu thông tin khối A tại Trường Đại học Xây dựng năm 2011. Ảnh: Phương An |
Nhiều người tỏ ra tiếc nuối về việc không áp dụng phương thức tích hợp môn thi giữa các khối. Song theo giải thích của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Việc tích hợp môn thi là một phương án hay, song phải sau năm 2015 mới được áp dụng. Để thực hiện phương thức này, cần phải báo trước cho TS ít nhất ba năm để khi các em bắt đầu học THPT có thể định hướng việc học tập. Hơn nữa, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga: "Nếu thực hiện sẽ phải áp dụng với tất cả các môn thi chứ không chỉ tổ hợp ba môn toán, vật lý, tiếng Anh từ các môn thi sẵn có của khối A, D. Vì làm vậy sẽ thiếu công bằng đối với những TS dự thi khối thi khác".
Mỗi trường một cách
Các trường được Bộ GD-ĐT giao việc chủ động xác định chỉ tiêu cho mỗi khối A và A1 trong khuôn khổ chỉ tiêu chung đã đăng ký. Hiệu trưởng được quyền quyết định điểm xét tuyển cũng như ngành nào sẽ tuyển ưu tiên khối A hay A1 (tối thiểu trên điểm sàn). Điều này giúp các trường chủ động hơn, song lại khiến TS lúng túng bởi có thể mỗi trường có cách làm khác nhau. Có trường chỉ xác định một điểm trúng tuyển chung cho cả 2 khối theo từng ngành và nhóm ngành. Có trường xác định điểm trúng tuyển cho từng khối riêng rẽ. Cũng có trường chỉ bổ sung xét tuyển khối A1 trong trường hợp có xét tuyển đợt 2. Hoặc như Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, nhà trường không tổ chức thi tuyển đối với khối A1 nhưng sẽ xét tuyển qua kết quả thi khối A1 với TS thi ở các trường khác. Sự khác nhau này đòi hỏi TS phải tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của từng trường trước khi đăng ký.
Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Trần Văn Nghĩa, đặc biệt lưu ý TS: "Kết quả thi khối A1 chỉ được sử dụng để xét tuyển vào các trường, ngành có tuyển sinh khối A1. Trong khi đó, không phải trường nào năm nay cũng bổ sung khối này. TS khối A1 nên tìm hiểu ngành mình thi có trường nào khác tuyển khối A1 không để dự phòng". Như vậy, cũng có nghĩa TS khối A1 không trúng tuyển sẽ ít "cửa" hơn khi tìm trường để xét tuyển đợt hai.
Mặc dù các trường còn chưa chính thức đưa ra thông tin tuyển sinh, song rõ ràng là đã khá gấp để các trường thay đổi và chuẩn bị các vấn đề kỹ thuật cho việc bổ sung khối thi, hay để TS chuẩn bị cho việc ôn thi. Vì là năm đầu tiên có khối A1, công tác dự báo tỷ lệ TS dự thi gặp nhiều khó khăn, nên các trường đều lo sẽ lúng túng với việc ước lượng số TS ảo, số lượng đề cần in sao... Việc chấm thi cũng là vấn đề phát sinh cần được chuẩn bị chu đáo khi nhiều trường phải tổ chức chấm thi thêm môn tiếng Anh.
Đến thời điểm này, đa phần các trường thông báo tuyển sinh khối A1 đều cho các ngành kinh tế và công nghệ thông tin. Tuy nhiên, có trường thuộc khối kinh tế như ĐH Thương mại, Học viện Ngân hàng... chưa đưa khối thi này vào trong năm nay, hầu hết bởi lý do thời gian quá gấp. Mặt khác, không ít chuyên gia tuyển sinh khối trường kinh tế khẳng định: Môn ngoại ngữ rất cần cho ngành kinh tế, song không nhất thiết phải thi đầu vào với môn này. Với những thí sinh học tốt khối A, tức là có khả năng tư duy tốt, hoàn toàn có thể bổ sung kiến thức trong quá trình đào tạo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.