(HNM) - Ngày mai, 15-7, là hạn cuối cùng các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn Hà Nội nhận hồ sơ của học sinh (HS) đăng ký xét tuyển vào các lớp đầu cấp năm học 2016-2017. Ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã cho thấy, đến thời điểm này, công tác tuyển sinh (TS) đã hoàn thành, đạt mục tiêu đáp ứng
Công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2016 - 2017 đã được triển khai bài bản, tạo thuận lợi cho phụ huynh học sinh. |
Tuyển sinh trực tuyến còn nhiều bất cập
Như mọi năm, thời gian TS vào các lớp mầm non, lớp 1, lớp 6 của các trường học trên địa bàn thành phố kéo dài tới 15 ngày (từ ngày 1 đến hết ngày 15-7), nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các gia đình có con trong độ tuổi đi học. Năm nay, việc mở rộng hình thức đăng ký xét tuyển bằng cách đăng ký trực tuyến qua mạng internet đã giúp phụ huynh HS không phải đi lại vất vả, có thể đăng ký xét tuyển cho con ngay cả khi đang đi công tác dài ngày.
Thống kê sơ bộ từ các đơn vị cho thấy, tỷ lệ hồ sơ của HS đăng ký trực tuyến so với tổng số chỉ tiêu HS, đạt 85% ở lứa tuổi mầm non 5 tuổi; đạt hơn 50% tỷ lệ tuyển vào lớp 1 và lớp 6. Một số đơn vị có tỷ lệ đăng ký trực tuyến cao như Mỹ Đức: 93%; Ba Vì: 85%, Phú Xuyên: 80%, Thạch Thất: 80%... Tuy nhiên, tại các quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng… tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến chỉ đạt chưa đầy 30%. Một số trường học tại các huyện: Chương Mỹ, Hoài Đức, Mê Linh, Ứng Hòa… có tỷ lệ đăng ký trực tuyến rất thấp, thậm chí không có hồ sơ đăng ký trực tuyến nào.
Lý giải về tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến tại một số quận ở mức thấp, dù điều kiện kinh tế - xã hội tại các khu vực này có nhiều thuận lợi, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Văn Đại cho biết: Do đặc thù của một số quận có nhiều khu nhà cao tầng mới xây, nhiều hộ dân sinh sống nhưng chưa có hộ khẩu, nên hầu hết đều chọn cách an toàn là đến trường nộp hồ sơ trực tiếp. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa các trường trong khu vực nội thành ngắn, nhiều gia đình HS ở gần trường nên phụ huynh muốn đến trường để tìm hiểu thêm về các điều kiện giáo dục trước khi gửi con.
Tìm hiểu thực tế cho thấy, việc triển khai đăng ký TS trực tuyến tại một số trường còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân là hạ tầng công nghệ thông tin lạc hậu, quy trình đăng ký TS chưa thực sự thuận tiện. Anh Lê Tuấn Anh, phụ huynh có con vào lớp 1 Trường Tiểu học Thạch Bàn A (quận Long Biên) cho biết: "Do nhà ở gần trường nên dù được phát mã số đăng ký nhưng vẫn chọn cách đến trường vào ngày 1-7 để nộp hồ sơ trực tiếp. Tuy nhiên, khi tôi đến trường vẫn phải qua quy trình nhập mã số đăng ký trực tuyến trước khi nộp hồ sơ".
Tại nhiều nơi, sau khi đã hoàn thành việc đăng ký trực tuyến, phụ huynh vẫn được yêu cầu phải in đơn ra để nộp trực tiếp. Nhiều ý kiến cho rằng, quy trình của việc đăng ký TS trực tuyến hiện nay chưa giảm bớt sự vất vả cho phụ huynh, bởi sau khi đăng ký trên mạng internet, phụ huynh vẫn phải đến trường để nộp và đối chiếu các giấy tờ cần thiết như giấy khai sinh, hộ khẩu…
Phân tuyến hợp lý,bảo đảm chỗ học
Bảo đảm cho mọi HS cư trú trên địa bàn thành phố đều có chỗ học là mục tiêu được Hà Nội kiên trì thực hiện nhiều năm qua, vừa nhằm bảo đảm quyền lợi học tập cho HS, vừa nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học. Để đạt mục tiêu này, năm nay, công tác điều tra số lượng HS trong độ tuổi được các đơn vị đặc biệt lưu tâm, nhằm tạo căn cứ để các trường chủ động chuẩn bị điều kiện đáp ứng (phòng học, trang thiết bị dạy học, giáo viên…). Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, các đơn vị đã triển khai công tác điều tra chu đáo, tình trạng vênh nhau về số lượng HS giữa các kênh điều tra giảm hẳn, các nhà trường không còn bị động, lúng túng trong quá trình tiếp nhận HS như nhiều năm trước.
Đây là năm thứ tư Hà Nội duy trì việc công khai kế hoạch TS vào các lớp đầu cấp của tất cả các trường mầm non, tiểu học và THCS trên cổng thông tin điện tử của quận, huyện, thị xã, trên website của ngành và niêm yết tại từng trường học. “4 rõ” trong kế hoạch TS đều phải được công khai, gồm: Rõ thời gian tuyển, rõ tuyến, rõ chỉ tiêu và rõ phương thức. Với cách thức này, trước thời điểm TS 1 tháng, phụ huynh đã có thể tra cứu để biết con em mình được phân tuyến theo học trường nào, thủ tục đăng ký xét tuyển ra sao…
Một trong những giải pháp nhằm bảo đảm chỗ học cho HS, tránh tình trạng nơi này quá đông HS, nơi kia quá vắng là phân tuyến TS. Các quận, huyện, thị xã được giao quyền chủ động trong việc tổ chức phân tuyến sao cho hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho HS. Việc điều chỉnh tuyến TS căn cứ vào số lượng HS từng năm và điều kiện thực tế của các trường. Ví dụ, tại quận Ba Đình, do phường Liễu Giai chưa có trường tiểu học nên HS ở phường này được phân bổ sang các trường tiểu học ở các phường khác như: Ba Đình, Vạn Phúc, Nguyễn Bá Ngọc. Tương tự, năm nay, HS vào lớp 6 của phường Điện Biên được phân tuyến sang một số trường gần đó do phường này thiếu trường THCS…
Đây cũng là năm học Hà Nội tiếp tục kiên trì chủ trương "3 giảm" trong TS, gồm giảm số HS trái tuyến, giảm số HS trong một lớp học và giảm số lớp đối với những trường có số lớp quá đông. Việc để các đơn vị chủ động trong phân tuyến và điều chỉnh tuyến TS hằng năm của ngành Giáo dục cũng là nhằm hạn chế những bất cập trong TS, giảm tình trạng học sinh phải học trái tuyến một cách vô lý (khi nhà ở ngay cạnh trường của phường A nhưng lại phải đi học tại trường của phường B do quy định về hộ khẩu). Việc giải quyết từng trường hợp HS xin học trái tuyến được xem xét nghiêm ngặt với sự giám sát, phê duyệt của lãnh đạo quận, huyện, thị xã và chỉ được tiếp nhận sau ngày 15-7, khi nhà trường đã tiếp nhận hết số HS trong tuyến TS và vẫn còn thừa chỉ tiêu. Trước ngày khai giảng, Sở GD-ĐT sẽ kiểm tra việc tổ chức TS tại các trường học, nếu phát hiện TS sai quy định sẽ xử lý nghiêm khắc và phạt hành chính theo Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22-10-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Với sự quyết liệt trong chỉ đạo tổ chức TS của lãnh đạo ngành, có thể thấy rõ trên phạm vi toàn thành phố không phát sinh "điểm nóng" về TS. Công tác TS của các trường học đã đi vào nền nếp, ổn định, cơ bản nhận được sự đồng thuận của xã hội.
Với những nỗ lực ấy, theo khẳng định của ông Phạm Văn Đại, các trường học đã bảo đảm điều kiện cho mọi HS có chỗ học, trong đó, trẻ mẫu giáo 5 tuổi, HS vào lớp 1, lớp 6 đều có quyền được học tại các trường công lập trên địa bàn thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.