(HNM) - Công tác tuyển sinh đại học năm 2019 đã cơ bản hoàn tất, với 49% số trường tuyển đủ chỉ tiêu, 61% số trường tuyển đạt 70% chỉ tiêu trở lên… So với năm trước, "bức tranh" tuyển sinh năm nay có nhiều điểm sáng hơn và đặc biệt “nóng” ở một số ngành mới mở. Điều này cho thấy sự chuyển dịch đáng kể của các trường trong định hướng đào tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Có sự phân tầng rõ nét về chất lượng
Kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay đã tác động tích cực đến công tác tuyển sinh đại học. So với năm 2018, điểm chuẩn của hầu hết các ngành, trường đều tăng; công tác tuyển sinh diễn ra gọn nhẹ, thuận tiện.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá: Bức tranh tuyển sinh năm nay sáng hơn, có sự phân tầng rõ nét về chất lượng. Bên cạnh một số trường tốp dưới có mức điểm chuẩn dưới 15, không ít trường có mức điểm chuẩn tăng vọt lên tới 26-27 điểm. Độ chênh về điểm chuẩn giữa các trường không chỉ thể hiện sự phân khúc chất lượng trong hệ thống, mà còn phản ánh uy tín, chất lượng của cơ sở đào tạo đối với người học và xã hội. Điều này là cần thiết, nhằm tạo sự cạnh tranh giữa các trường, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo.
Năm 2019 có lẽ là năm lên ngôi của ngành Công nghệ thông tin. Trong đó, nhóm ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) có mức điểm cao nhất với 25,85 điểm, tăng 2,1 điểm so với năm trước.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có điểm chuẩn cao nhất là 27,42 điểm ở ngành Công nghệ thông tin: Khoa học máy tính. Một số ngành liên quan cũng có mức điểm cao như Công nghệ thông tin: Kỹ thuật máy tính 26,85 điểm (tăng 1,85 điểm), Công nghệ thông tin Việt - Nhật 25,7 điểm (tăng 2,6 điểm)…
Chất lượng đầu vào ở ngành Sư phạm và nhóm ngành Y tế - sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề cũng được cải thiện. Đây là hai ngành phải tuân theo quy định điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không được tự chủ xác định điểm sàn như các cơ sở đào tạo khác trên cả nước.
Năm 2018, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có 3 ngành điểm chuẩn ở mức 16,0 điểm, thì năm nay điểm chuẩn thấp nhất là 18,0 điểm và điểm chuẩn cao nhất là 26,35 điểm (tăng 3,0 điểm so với mức điểm chuẩn cao nhất của năm 2018).
Mặt bằng điểm chuẩn của nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề cũng tăng. Đơn cử, điểm chuẩn cao nhất của Trường Đại học Y Hà Nội năm nay là 26,75 điểm (tăng 2,0 điểm so với năm trước); điểm chuẩn thấp nhất là 19,9 điểm (tăng 1,9 điểm)… Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, kết quả đầu vào của 2 nhóm ngành này cho thấy phần nào chất lượng đáng tin cậy của đội ngũ nhà giáo và thầy thuốc trong tương lai…
Nhiều ngành mới đáp ứng nhu cầu xã hội
Kỳ tuyển sinh năm nay còn đánh dấu sự chuyển dịch đáng kể trong định hướng đào tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Điều đó cho thấy, các đơn vị đã quan tâm đào tạo những ngành mà xã hội cần, chứ không đơn thuần chỉ căn cứ vào những ngành nghề truyền thống.
Trong số 10 ngành mới mở của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Kinh doanh số là ngành lần đầu tiên được đưa vào chương trình đào tạo tại các trường đại học ở Việt Nam. Sự ra đời của các ngành đào tạo mới đã thu hút hơn 41.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường, tăng 30% so với năm 2018.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, ngành này ra đời xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và theo xu hướng đào tạo liên ngành. Dù là năm tuyển sinh đầu tiên, song Kinh doanh số nằm trong nhóm các ngành có điểm chuẩn cao của trường (23,35 điểm).
Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo là ngành vừa được Trường Đại học Bách khoa Hà Nội "khai sinh", nhưng có điểm chuẩn rất cao (27,0 điểm), xếp thứ 2 trong số 55 ngành đào tạo của trường.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, nhà trường đã tìm hiểu nhu cầu thị trường và xu thế đào tạo của các nước, qua đó thấy rõ triển vọng của ngành. Mặc dù chỉ tiêu tuyển sinh chỉ 40 sinh viên, nhưng có tới 900 hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Em Trần Văn Nam, học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, quận Cầu Giấy chia sẻ: "Nhu cầu nhân lực phân tích dữ liệu của các ngành đều lớn và ở Việt Nam cũng đã đào tạo chuyên ngành này, nên em sẽ cố gắng học để đăng ký xét tuyển trong kỳ tuyển sinh năm tới".
Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cũng góp phần làm sáng thêm "bức tranh" tuyển sinh đại học năm nay bằng việc lần đầu tuyển sinh ngành Robot và trí tuệ nhân tạo. Đây là sự kết hợp liên ngành giữa cơ khí, điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin, chế tạo máy, hóa học…
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu nhân lực ở lĩnh vực này rất cao. Ngoài ra, chương trình đào tạo của ngành Robot và trí tuệ nhân tạo còn hướng sinh viên tiếp cận với việc xây dựng ý tưởng trên nền tảng công nghệ, từ đó có thể khởi nghiệp ngay khi chưa tốt nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An cho rằng, sự chủ động, tích cực trong việc nắm bắt nhu cầu thị trường sử dụng lao động để chuyển dịch ngành nghề đào tạo, thu hút sinh viên là dấu hiệu tích cực của chủ trương tự chủ. Đây cũng là cơ hội cho các cơ sở đào tạo phát huy tối đa năng lực để cạnh tranh, từ đó đem đến cho các sinh viên nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, phát triển nghề nghiệp.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến trước 17h ngày 15-8, các thí sinh có tên trong danh sách trúng tuyển đại học, cao đẳng năm 2019 cần thực hiện thủ tục xác nhận nhập học với trường mà mình trúng tuyển và có nguyện vọng học. Nếu quá thời hạn quy định, thí sinh không làm thủ tục xác nhận nhập học sẽ bị coi như đã từ chối nhập học, nhà trường sẽ loại tên thí sinh ra khỏi danh sách trúng tuyển. Thí sinh phải xác nhận nhập học bằng cách nộp giấy chứng nhận kết quả thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 cho nhà trường. Để tránh sai sót, thí sinh cần theo dõi trên trang web của trường để nắm rõ quy định về việc thực hiện thủ tục xác nhận nhập học và tuân thủ đúng quy định.
Minh Đức
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.