(HNM) - Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay liệu có sự chuyển dịch về chất lượng “đầu vào” như kỳ vọng?
Học sinh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp 2018. Ảnh: Hải Anh |
Bớt “tâm lý đám đông”
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố, mặc dù tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay là hơn 455 nghìn, tăng gần 6 nghìn chỉ tiêu so với năm trước, song số hồ sơ đăng ký xét tuyển ở các nhóm ngành có sự chênh lệch khá lớn. Đáng chú ý nhất là sự chuyển dịch về số lượng hồ sơ của các nhóm ngành kinh tế, kinh doanh...
Nếu như những năm trước, khối ngành kinh tế, kinh doanh luôn là lựa chọn hàng đầu của thí sinh bởi nhiều em cho rằng đây là ngành “thời thượng”, có nhiều cơ hội việc làm tốt, tỷ lệ hồ sơ của các nhóm ngành này thường chiếm trên 32% tổng số hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng… thì năm nay, trong tổng số hơn 2,7 triệu hồ sơ đăng ký xét tuyển, tỷ lệ hồ sơ đăng ký xét tuyển nhóm ngành kinh tế là 26%, tỷ lệ này ở nhóm ngành kinh doanh là 30%. Điều này cho thấy xu hướng chọn ngành nghề của thí sinh đã có sự thay đổi, tâm lý chạy theo số đông bớt dần.
Chia sẻ về điều này, ông Kiều Hoàng Minh, phụ huynh học sinh Trường THPT Thạch Thất cho biết: “Ban đầu con trai tôi nhất quyết đăng ký nguyện vọng vào ngành kinh tế trình độ đại học, vì nhóm bạn cùng lớp đều có nguyện vọng như vậy. Gia đình phải mất khá nhiều thời gian vận động, thuyết phục bởi lực học của cháu ở các môn khoa học tự nhiên chưa vững. Sau đó cháu đã đồng ý đăng ký nguyện vọng học cao đẳng nghề. Điều này không chỉ phù hợp với năng lực của cháu mà còn thuận lợi cho công việc sau này khi tốt nghiệp, bởi tại địa phương có khu công nghiệp lớn, nhu cầu tuyển dụng lao động cao...”.
Năm nay, các thí sinh đã cân nhắc kỹ lưỡng về năng lực và các tố chất cần thiết khi đăng ký vào ngành sư phạm. Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, số hồ sơ đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm năm nay là 125 nghìn hồ sơ, giảm 29% so với năm trước.
Khi được hỏi về nguyên nhân không đăng ký nguyện vọng ngành sư phạm, em Nguyễn Khánh Linh, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều cho hay: “Qua trang thông tin của các trường, em thấy hầu hết các trường đều giảm chỉ tiêu, em sợ khó trúng tuyển. Hơn nữa, các trường đào tạo sư phạm năm nay đều đặt ra yêu cầu cao hơn đối với thí sinh đăng ký xét tuyển, bản thân em thấy mình chưa đáp ứng đủ và cũng chưa thực sự phù hợp”.
Cảnh giác với tuyển sinh ẩu
Năm nay, việc giao cho các cơ sở đào tạo được tự chủ trong việc xác định tổ hợp tuyển sinh đại học, cao đẳng đã phát sinh hiện tượng một số cơ sở xây dựng các tổ hợp mà trong đó có môn thành phần không liên quan đến ngành nghề đào tạo. Đơn cử, môn giáo dục công dân thường được xếp vào tổ hợp môn khoa học xã hội để xét tuyển vào các ngành cùng khối này.
Tuy nhiên, có một số cơ sở đã công bố dùng tổ hợp C14 (gồm ngữ văn, toán, giáo dục công dân) để xét tuyển vào các ngành công nghệ thông tin, kế toán; có cơ sở chủ trương dùng tổ hợp C00 (ngữ văn, lịch sử, địa lý), C01 (ngữ văn, toán, vật lý) để xét tuyển ngành quản trị kinh doanh...
Thậm chí, có cơ sở còn dự kiến dùng tổ hợp C00 để tuyển sinh vào các ngành đòi hỏi chuyên môn tính toán như kế toán, tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh, luật kinh tế...
Việc mở rộng cửa vào đại học, cao đẳng là điều đáng mừng với không ít thí sinh, song lại khiến dư luận không khỏi nghi ngại: Chất lượng đào tạo sẽ ra sao khi sinh viên vào trường phải học “trái tay”, không có sở thích, không có năng lực học các môn đáp ứng yêu cầu của ngành nghề đào tạo?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) nhận định, cơ chế tự chủ có nhiều ưu điểm, song cũng có mặt trái. Đây là một mặt trái mới phát sinh mà cơ quan quản lý phải đối mặt và theo sát. Ngay sau khi có thông tin về sự xuất hiện của các “tổ hợp lạ” và sự nghi ngại từ dư luận, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các cơ sở đào tạo dự kiến tuyển sinh theo các tổ hợp này phải giải trình về căn cứ, quy trình đào tạo... Hiện tại, một số cơ sở đã báo cáo dự kiến điều chỉnh các môn trong tổ hợp xét tuyển cho phù hợp hơn với ngành nghề đào tạo.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, đối với các cơ sở thuộc diện này, nếu không đưa ra được căn cứ thuyết phục, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát, giám sát quá trình hoạt động của trường; thanh tra điều kiện bảo đảm chất lượng, việc tuân thủ các quy định về tuyển sinh, chất lượng “đầu ra” và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp...
Những cơ sở cố tình "xé rào" để tuyển sinh, không chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đào tạo và vi phạm quy định về tổ chức, hoạt động sẽ bị xử lý nghiêm khắc, thậm chí sẽ bị yêu cầu dừng tuyển sinh.
Với những động thái kiên quyết và mạnh tay như vậy, liệu có cơ sở đào tạo nào dám tuyển sinh ẩu hay không? Câu trả lời sẽ có khi mùa tuyển sinh diễn ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.