Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tuyển sinh đại học, cao đẳng: Không gây xáo trộn mới là phương án tốt?

Khánh Vũ| 28/10/2014 06:32

(HNM) - Về cơ bản, hàng trăm phương án mà các trường ĐH, CĐ công bố trong thời gian gần đây đều có cách thức tuyển sinh giống nhau, dựa trên kết quả kỳ thi chung và học bạ THPT. Trong bối cảnh đó, một vài trường có phương án riêng hoàn toàn, hoặc ít nhiều có sự khác biệt như ĐH Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội,

Ít nhiều có sự khác biệt

Trong số trường có điểm khác biệt về phương án tuyển sinh so với đa số trường còn lại, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá khá cao phương án của ĐHQG Hà Nội, coi đó là phương án mang tính đột phá. Từ năm 2015 trở đi, ĐHQG Hà Nội sẽ sử dụng bài thi tích hợp để đánh giá năng lực của thí sinh. Trường sẽ tổ chức 2 đợt thi, đợt thứ nhất diễn ra vào tháng 5 hằng năm - trước kỳ thi chung do Bộ GD - ĐT tổ chức. Đợt thi thứ hai diễn ra vào tháng 7, sau khi thí sinh đã có kết quả từ kỳ thi chung. Ngoài ra, theo một thông tin vừa được công bố, học sinh của trường THPT chuyên thuộc ĐH này sẽ được tuyển thẳng vào bậc ĐH khi đáp ứng một trong các tiêu chí như: Đoạt giải chính thức trong các kỳ thi Olympic hoặc các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật khu vực, quốc tế; là thành viên chính thức của đội tuyển dự thi Olympic hoặc các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật khu vực, quốc tế; đoạt giải chính thức trong kỳ thi chọn học sinh giỏi bậc THPT cấp ĐHQG Hà Nội, đạt danh hiệu học sinh giỏi trong cả 3 năm THPT... Ngoài ra, học sinh được tuyển thẳng phải đỗ tốt nghiệp và có hạnh kiểm ở 3 năm học THPT đạt loại tốt; học sinh chỉ đạt tiêu chí 3 năm học sinh giỏi THPT thì phải đỗ tốt nghiệp THPT loại giỏi trở lên. Học sinh của một số trường THPT chuyên không thuộc ĐHQG Hà Nội nhưng có trong danh sách các trường được ĐHQG Hà Nội phân bổ chỉ tiêu tuyển thẳng cũng được tham gia xét tuyển thẳng vào bậc ĐH ở các đơn vị đào tạo của ĐHQG Hà Nội, nếu đáp ứng các tiêu chí kể trên. Học sinh THPT chuyên đạt thành tích ở môn học, lĩnh vực nào thì được ưu tiên xét tuyển thẳng vào học chương trình đào tạo ĐH ngành đó.

Làm thủ tục trước khi vào phòng thi cho các thí sinh tại kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2014. Ảnh: Viết Thành



Còn ĐHQG TP Hồ Chí Minh, ngoài việc sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia để xét tuyển thì còn dành một tỷ lệ nhỏ chỉ tiêu để xét tuyển thẳng đối với học sinh xuất sắc của một số trường THPT chuyên hàng đầu trong cả nước. Năm 2015, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tiếp tục sơ tuyển, nhưng bổ sung thêm điều kiện như: Thí sinh đăng ký xét tuyển phải có tổng điểm trung bình của các môn học thuộc tổ hợp 3 môn thi xét tuyển từ 20 điểm trở lên (6 học kỳ); điều kiện này không áp dụng cho thí sinh thuộc diện tuyển thẳng và thí sinh thi liên thông từ hệ CĐ. Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết với nhóm ngành báo chí, học viện quy định môn thi thứ ba của nhóm ngành này là năng khiếu báo chí. Bài kiểm tra năng khiếu báo chí gồm hai phần: Kiểm tra trắc nghiệm kiến thức một số môn học và bài thi tự luận. Bài kiểm tra năng khiếu do học viện ra đề và tổ chức chấm thi. Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh cũng dự kiến bổ sung bài kiểm tra năng lực, khả năng tư duy, kiến thức chính trị, xã hội để lựa chọn thí sinh phù hợp với yêu cầu đào tạo của ngành.

Ngại ngần trước sự mới mẻ

Đa số trường kể trên chỉ đặt ra một số điều kiện với mục đích nâng cao chất lượng đầu vào và tuyển được thí sinh phù hợp, ĐHQG Hà Nội là trường duy nhất có phương án tuyển sinh hoàn toàn khác biệt. Giám đốc ĐHQG Hà Nội Phùng Xuân Nhạ đề xuất việc hình thành một nhóm trường tốp trên cùng tổ chức và sử dụng chung kết quả kỳ thi theo phương án của ĐH này để tuyển sinh. Tuy nhiên, sự mới mẻ từ phương án của ĐHQG Hà Nội khiến nhiều người băn khoăn. Hầu hết lãnh đạo các trường đều đánh giá cao tính tích cực của phương án này; thế nhưng, ở thời điểm hiện nay, chưa có trường nào khẳng định sẽ đáp lại "lời hiệu triệu" nói trên và nhiều khả năng ĐHQG Hà Nội sẽ "một mình một ngựa" trong kỳ tuyển sinh sắp tới. Vấn đề nhận được nhiều thắc mắc nhất là liệu đề thi tích hợp của ĐHQG Hà Nội có đủ chất lượng để đánh giá năng lực học sinh hay cũng chỉ ở mức kiểm tra kiến thức như thông thường. Công tác bảo mật đề thi sẽ ra sao với ngân hàng 4.500 câu hỏi trắc nghiệm?

Các chuyên gia cho rằng, lý do quan trọng khiến các trường không dám mạo hiểm là bởi với phương án nói trên, nguồn tuyển sẽ hạn hẹp hơn. Thí sinh không thể chắc chắn trường nào sẽ chấp nhận kết quả từ kỳ thi này nên để yên tâm, họ sẽ vẫn chọn tham dự kỳ thi quốc gia. Hơn nữa, theo phương án của ĐHQG Hà Nội, dù trường sẽ tổ chức 2 đợt thi song đợt thứ nhất diễn ra vào tháng 5 - thời điểm thí sinh bận rộn với việc ôn thi. Còn đợt thứ hai vào tháng 7, nhiều khả năng nguồn tuyển chỉ còn số thí sinh thi trượt từ kỳ thi quốc gia, tất nhiên sẽ có sự hạn chế về chất lượng.

Như vậy, có lẽ kỳ thi riêng của ĐHQG Hà Nội chủ yếu dành cho các thí sinh có nguyện vọng học tại ĐH này. Trước sự băn khoăn của các trường khác đối với phương án của ĐHQG Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã nêu quan điểm: Bộ đánh giá cao phương án tuyển sinh của ĐHQG, song trong bối cảnh hiện nay, phương án nào bảo đảm không gây xáo trộn mới là phương án tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyển sinh đại học, cao đẳng: Không gây xáo trộn mới là phương án tốt?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.