(HNM) - Trong khi Bộ GD-ĐT đang bàn thảo về những thay đổi trong quy định tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2010 để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh (TS) thì các trường cũng mở nhiều ngành học mới và linh hoạt trong cách thức tuyển sinh, hứa hẹn thêm nhiều cơ hội chọn lựa cho các sĩ tử.
Chỉ tiêu ĐH tăng, CĐ giảm
Trong dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2010, một trong những điểm mới được nhiều người chú ý là việc có thêm học sinh tốt nghiệp trung học nghề và tương đương (học sinh trung cấp nghề, hệ tốt nghiệp THCS, đã học đủ khối lượng kiến thức và thi đạt các môn văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT) được đưa vào đối tượng dự thi. Theo số lượng Tổng cục Dạy nghề cung cấp, hiện cả nước có hơn 100 trường CĐ nghề, khoảng 160 trường trung cấp và hơn 700 trường nghề thì số TS thuộc đối tượng mới này sẽ góp phần làm "tăng nhiệt" cho kỳ thi tuyển sinh. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, sẽ chỉ có sự gia tăng số lượng TS dự thi, còn chất lượng của nguồn tuyển thêm này khó gây được sự xáo trộn lớn.
Năm 2010, Trường ĐH Thủy lợi sẽ dành thêm 300 chỉ tiêu hệ ĐH cho các ngành mới và giảm 50 chỉ tiêu hệ CĐ. Ảnh: TTXVN |
Chất lượng đào tạo cũng được nhiều trường đề cập như là lý do chính của việc không tăng chỉ tiêu (CT). Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, CT tuyển sinh năm nay vẫn như năm 2009, tức là 6.370 sinh viên. Tuy nhiên, trường sẽ tăng 20% CT hệ ĐH và giảm CT hệ CĐ. Như vậy, năm 2010 sẽ có hơn 5.000 sinh viên mới được tuyển vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Còn Trường ĐH Thủy lợi cũng dành thêm 300 CT hệ ĐH cho các ngành mới tại cơ sở Hà Nội, thành 2.600/2.900 CT, còn hệ CĐ giảm 50 CT so với năm trước.
Tuy năm nay ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ giảm CT tuyển sinh xuống còn 5.500 so với 5.710 CT của năm 2009, trong đó CT hệ ĐH cũng giảm để tỷ lệ đào tạo sau ĐH tăng thêm 25%, nhưng thí sinh lại rộng đường lựa chọn hơn vì ĐH Quốc gia Hà Nội mở thêm 4 ngành mới là kế toán, hóa dược, kinh doanh quốc tế và Việt Nam học. Học viện Ngoại giao cũng cho biết sẽ mở thêm ngành truyền thông quốc tế, vẫn giữ nguyên 450 CT vào ĐH và 100 CT vào CĐ.
Kinh tế - hết "nóng" nhưng vẫn thêm ngành
Các ngành kinh tế năm nay có vẻ đã bão hòa khi không còn được các trường tiếp tục mở ra rầm rộ như vài năm trước. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện và thế mạnh của mình và để đáp ứng nhu cầu xã hội, một số trường vẫn mở thêm các ngành mới. Trường ĐH Thương mại năm nay cũng không tăng CT nhưng mở thêm 3 chuyên ngành, gồm quản trị thương hiệu, thương mại dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, quản trị kinh doanh tổng hợp. Trong số 4 ngành mới mở của ĐH Quốc gia Hà Nội như đã nói ở trên cũng có 2 ngành thuộc khối kinh tế là kế toán và kinh doanh quốc tế.
Năm nay, ngoài chuyên ngành quản trị du lịch và khách sạn thuộc ngành quản trị kinh doanh, Trường ĐH Ngoại thương dự kiến sẽ có thêm 2 ngành mới là kinh tế quốc tế và kinh doanh quốc tế. Đặc biệt, năm nay sẽ có thêm nhiều SV được vào trường ĐH nổi tiếng là "cao giá" này bởi CT tuyển sinh của trường là 3.000, tăng 200 so với năm trước. Trường ĐH Kinh tế quốc dân vẫn có 4.000 CT và chỉ mở thêm chuyên ngành kế toán theo chương trình tiên tiến và một số ngành đào tạo chất lượng cao.
Thí sinh rộng đường lựa chọn
Năm nay, ngành y vốn có "đầu vào" khắt khe sẽ mở rộng cửa hơn cho TS. Trường ĐH Y Hà Nội mở thêm hệ cử nhân điều dưỡng liên thông vừa làm vừa học với 250 CT, điều dưỡng trung cấp vừa làm vừa học để thành cử nhân, trong đó có 50 CT học tại Quảng Ninh. Một hệ khác của ĐH Y Hà Nội là cử nhân y tế công cộng định hướng dân số, đào tạo liên thông dành cho những người đã có bằng trung cấp y và dược. Ở phía Nam, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh (tuyển sinh toàn quốc) cũng mở thêm khoa y tuyển 100 CT trong năm 2010. Ngoài ra ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh còn dự kiến có thêm nhiều ngành học mới là ngữ văn Tây Ban Nha, Nhật Bản học, Hàn Quốc học, du lịch, đều là các ngành mà xã hội đang có nhu cầu lớn.
Cơ cấu ngành nghề đào tạo cũng đa dạng hơn với sự gia tăng của các ngành khối nông lâm. Ông Phạm Văn Điển, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Lâm nghiệp cho biết, năm nay trường dự kiến mở thêm 2 ngành là kỹ thuật cơ điện và thiết kế cảnh quan, mỗi ngành khoảng 50 CT, đồng thời tăng CT cho các ngành khoa học môi trường, lâm học, kinh doanh, kế toán, quản lý đất đai, kỹ thuật xây dựng. Tổng số CT tăng thêm là 400 so với năm 2009. Trường ĐH Nông - Lâm cũng thông báo có 5 chuyên ngành mới, gồm thiết kế đồ gỗ nội thất (thi khối A); kỹ thuật thông tin lâm nghiệp (thi khối A, B); kinh tế - quản lý nuôi trồng thủy sản (tuyển sinh 2 khối A, B); công nghệ sinh học môi trường (tuyển sinh 2 khối A, B); hệ thống thông tin môi trường (tuyển sinh 2 khối A, D1). CT cho mỗi ngành mới này là 60.
Bên cạnh việc mở thêm các ngành hút thí sinh, việc các trường linh hoạt tuyển một ngành học với nhiều khối thi cũng sẽ giúp cho các thí sinh năm nay có thêm nhiều cơ hội lựa chọn cho tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.