Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tuyến đường sắt đô thị ga Hà Nội - Hoàng Mai: Cần rà soát thủ tục, tiến độ bảo đảm tính khả thi

Đoàn Nam| 27/08/2021 08:58

(HNMO) - Việc triển khai tuyến đường sắt đô thị đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai (tuyến 3.2) sẽ hoàn thành toàn tuyến theo quy hoạch, nối khu vực phía Tây qua trung tâm thành phố với khu vực phía Nam. Hà Nội cần rà soát trình tự, thủ tục, các mốc tiến độ để bảo đảm tính khả thi.

 Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đang được triển khai xây dựng.

Các bộ: Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn gửi UBND thành phố Hà Nội góp ý thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án hạ tầng kỹ thuật “Chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai (tuyến 3.2) và hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị” sử dụng vốn ODA không hoàn lại của các nhà tài trợ nước ngoài kết hợp vốn đối ứng của thành phố.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai) nằm trong quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31-3-2016.

Hiện nay, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (tuyến 3.1 dài 12,5km) đang được triển khai xây dựng, việc nghiên cứu triển khai đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai (tuyến 3.2) sẽ hoàn thành toàn tuyến theo quy hoạch, nối khu vực phía Tây qua trung tâm thành phố với khu vực phía Nam.

Trong bối cảnh nguồn lực trong nước khó khăn, việc huy động các nguồn vốn (nhất là các nguồn viện trợ không hoàn lại của các nhà tài trợ quốc tế) để thực hiện nghiên cứu chuẩn bị đầu tư là phù hợp.

Dự án hỗ trợ kỹ thuật bao gồm 4 hợp phần liên quan đến 2 nội dung chính. Thứ nhất là hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án tuyến 3.2. Thứ hai là hỗ trợ xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp do dự án đường sắt đô thị.

Do tiến độ, nhiệm vụ thực hiện 2 nội dung nêu trên cơ bản là độc lập, vì vậy đề nghị, UBND thành phố Hà Nội cân nhắc, xem xét tách thành 2 dự án hỗ trợ kỹ thuật để vận hành độc lập, không ảnh hưởng đến tiến độ lẫn nhau.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cũng lưu ý, dự kiến, hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị đầu tư tuyến 3.2 sẽ thực hiện cho đến khi hoàn thành trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, tiến độ dự kiến của dự án là từ năm 2021-2023. Bộ đề nghị thành phố Hà Nội rà soát trình tự, thủ tục thực hiện, các mốc tiến độ bảo đảm tính khả thi. 

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị UBND thành phố Hà Nội bổ sung các báo cáo, điều chỉnh tờ trình để hoàn thiện hồ sơ trình duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư theo quy định tại Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25-5-2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; bổ sung các thông tin về tổng mức đầu tư; xác định cơ chế tài chính phù hợp và nêu rõ khả năng cân đối của thành phố đối với nguồn vốn nước ngoài và vốn đối ứng cho dự án.

Về hợp phần 4, hỗ trợ xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp do dự án đường sắt đô thị, đề nghị UBND thành phố Hà Nội làm rõ nội dung hoạt động của hợp phần này, trong đó cần đặc biệt làm rõ việc xây dựng khung kỹ thuật cho các dự án đường sắt đô thị.

Trên địa bàn Hà Nội đang triển khai xây dựng nhiều tuyến đường sắt đô thị. Cụ thể là: Tuyến Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn vay Trung Quốc; tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sử dụng vốn vay Nhật Bản; tuyến Nhổn - ga Hà Nội sử dụng vốn vay Pháp. Các tuyến đường sắt đô thị đang triển khai còn áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật riêng theo công nghệ của từng nhà tài trợ, chưa mang tính kết nối, liên thông giữa các tuyến.

Do đó, để bảo đảm tính thống nhất khung tiêu chuẩn kỹ thuật cho các dự án đường sắt đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND thành phố Hà Nội trao đổi với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải về việc xây dựng khung tiêu chuẩn cho các dự án đường sắt đô thị của thành phố, bảo đảm không trùng lắp nội dung đang triển khai của Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng khung tiêu chuẩn kỹ thuật cho các công trình hạ tầng sử dụng công nghệ của nước ngoài.

Theo báo cáo đề xuất của UBND thành phố Hà Nội, tuyến 3.2 (ga Hà Nội - Hoàng Mai) dài hơn 8,7km, đi ngầm 8,13km theo hành lang Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Nguyễn Tam Trinh qua các quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai. Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ 1,75 tỷ USD. Dự án dự kiến sẽ chạy thử vào cuối năm 2027 và vận hành từ tháng 1-2028. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tuyến đường sắt đô thị ga Hà Nội - Hoàng Mai: Cần rà soát thủ tục, tiến độ bảo đảm tính khả thi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.