Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tuyên chiến với tiêu cực trong kiểm soát tải trọng xe

Tuấn Lương| 02/08/2014 06:12

(HNM) - Tình trạng

Nhức nhối nạn bảo kê, cò mồi…

Kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) là chủ trương lớn nhằm bảo vệ các công trình hạ tầng giao thông và hạn chế tai nạn giao thông. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ GTVT, bên cạnh những địa phương triển khai tích cực, xe quá tải giảm nhiều thì vẫn còn những địa phương chưa làm tốt, ngoài việc tổ chức cân xe chưa tốt mà còn có xuất hiện cả tiêu cực. Một số nơi còn có tình trạng người dân và lái xe có những hành vi trái quy định. Nhiều lái xe không chấp hành, thậm chí cố tình phá hoại, gây hư hỏng thiết bị trạm cân. Nhiều nơi, hàng đoàn xe quá tải vẫn "rồng rắn" qua trạm…

Kiểm tra tải trọng xe trên quốc lộ 1A tại địa bàn tỉnh Phú Yên. Ảnh: Doãn Công


Theo ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT, qua theo dõi, kiểm tra thấy nổi lên 4 loại tiêu cực, tồn tại. Thứ nhất, ở cơ quan quản lý địa phương vẫn có suy nghĩ nếu địa phương làm gắt gao về tải trọng sẽ gây ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế của tỉnh. Thứ hai, giám đốc doanh nghiệp (DN) bốc hàng, vận chuyển hàng nhận thức không tốt, vì lợi ích kinh tế đã chỉ đạo lái xe chở quá tải. Thứ ba, các nhóm lợi ích khác có liên quan như cò mồi, dẫn khách (thu lợi qua việc môi giới chở quá tải, dẫn xe qua trạm). Thứ tư, lực lượng thi hành công vụ thực hiện không đủ thời gian quy định theo công điện của Thủ tướng Chính phủ phải làm 24/24h và 7/7 ngày. Ví dụ, ở Bình Thuận là 83% số giờ, Hà Tĩnh 78%. Bên cạnh đó, cũng có việc lực lượng kiểm tra thấy xe mà không dừng hay nghiệp vụ non không phát hiện vi phạm, biết xe vi phạm mà làm ngơ, không xử lý đầy đủ các chủ thể vi phạm.

Một số ý kiến cho rằng, tại một số địa phương, lực lượng chức năng chỉ tập trung kiểm tra, xử phạt xe của các DN vận tải làm ăn nghiêm túc, chở quá tải không đáng kể mà bỏ qua cho các xe vi phạm lớn. Tình trạng bảo kê cho xe vi phạm vẫn đang là nỗi nhức nhối. Chính vì tiêu cực còn tồn tại nhiều trong công tác KSTTX nên mới có nhiều xe quá tải chạy quãng đường rất dài suốt từ Nam ra Bắc (hoặc ngược lại) mà không bị lực lượng chức năng xử lý.

Lý giải về việc khó bắt được tiêu cực trong cân xe, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, hầu như địa phương nào cũng có một đoàn xe "vua", được các cấp thẩm quyền ở địa phương bảo lãnh. Có sự hình thành những nhóm lợi ích tìm mọi cách đối phó với chủ trương siết chặt xe quá tải. Để hạn chế tình trạng này cần gắn các trạm cân gần các trạm thu phí, có thể xử phạt "nóng" ngay, cũng có thể xử phạt "nguội"; có thể phạt theo quãng đường mà đoàn xe quá tải chạy, phạt thật nặng thay vì mức 3 triệu đồng để có tính răn đe. Ông Thanh cũng kiến nghị phạt thật nặng những đơn vị kiểm tra xử lý. Không thể nói là lực lượng chức năng nghiệp vụ kém rồi cứ để cho xe qua được.

Phải truy tận gốc xe quá tải

Ngày 31-7, tại trạm cân số 15 huyện Diễn Châu (Nghệ An), qua kiểm tra tải trọng xe, lực lượng chức năng đã phát hiện 5 xe tải (loại xe Howo) chở đá xây dựng với kích thước thùng vượt quá nhiều lần quy định. Ngay tại hiện trường, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã yêu cầu lực lượng chức năng lập biên bản và cắt thùng của xe BKS 37C-034.88 vì tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe từ 1,5m lên 1,8m dưới sự giám sát của lãnh đạo Sở GTVT Nghệ An.

Tại sao xe quá tải vẫn "lọt" trạm KSTTX, đại diện Bộ GTVT nhận định, yếu kém trong khâu tổ chức ở một số địa phương, đặc biệt là sự phối hợp giữa hai lực lượng thanh tra GTVT và CSGT chưa hiệu quả là nguyên nhân chính. Trách nhiệm phối hợp, thực thi công vụ của các lực lượng tại trạm cân cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Có tình trạng lập trạm cân nhưng không duy trì 24/24h, 7 ngày trong tuần, dẫn đến cò mồi lợi dụng thời điểm không có trạm cân để cho xe quá tải vượt trạm. Có những thời điểm việc kiểm tra, kiểm soát tại các trạm còn rất lơ là. Bộ GTVT đã yêu cầu siết chặt và nâng cao hơn việc KSTTX, quyết không để xe quá tải lộng hành, "lọt" trạm, phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cao.

Công khai, công bằng trong xử lý xe quá tải là yêu cầu của các DN vận tải làm ăn chân chính và cũng là một đòi hỏi khách quan trong công tác quản lý nhà nước. Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết đã đề nghị lực lượng công an và thanh tra GTVT công khai đường dây nóng. Để xảy ra ở trạm nào, có nghi vấn tiêu cực thì phải có kết nối để giải quyết ngay, tránh trường hợp không dám công khai tiêu cực. Làm tốt việc này chắc chắn sẽ hạn chế được tiêu cực.

Phải truy tận gốc trách nhiệm để xe quá tải vượt trạm là yêu cầu được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đưa ra đối với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Thanh tra Bộ GTVT. Bộ trưởng đặt câu hỏi: Vì sao xe quá tải đi từ Bắc vào Nam qua bao nhiêu tỉnh mà không bị phát hiện, xe vẫn "lọt" mà thanh tra không biết? Ban ngày cả trăm xe quá tải nằm "phục" trước trạm cân, chỉ qua một đêm không còn xe nào, các xe tự bốc hơi hay sao? Tại sao không kiểm tra cả mấy ông thanh tra? Phải bắt được vài trường hợp nhận hối lộ, ăn đút lót để xe qua, rồi đem khởi tố thì mới hạn chế được tình trạng này. Không thể để tình trạng xe quá tải nghênh ngang trên đường, ai cũng biết, mỗi thanh tra không biết.

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 305/TB-VPCP thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý tình trạng tiêu cực tại các trạm cân và hiện tượng "xã hội đen" thao túng, bảo kê hoạt động xe quá tải, quá khổ trên một số tuyến đường bộ. Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ rõ hiện tượng tiêu cực, bảo kê tại các trạm KSTTX vẫn còn tồn tại do một bộ phận cán bộ, chiến sĩ CSGT và thanh tra GTVT có hành vi tiêu cực, tham nhũng, móc nối trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Nhiều trung tâm đăng kiểm xe ô tô ở các địa phương chưa làm đúng chức năng nhiệm vụ, tiêu cực, móc ngoặc với các chủ phương tiện... Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành chức năng và các địa phương cương quyết lập lại trật tự kỷ cương trong công tác KSTTX; xử lý nghiêm các đối tượng "xã hội đen" thao túng, bảo kê hoạt động của xe quá tải, quá khổ. Bộ Công an điều tra, xác minh và xử lý nghiêm các hành vi thao túng, bảo kê hoạt động xe quá khổ, quá tải trên một số tuyến đường bộ. Đặc biệt, Phó Thủ tướng giao chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng, các vấn đề tiêu cực nêu trên.

Tai nạn giao thông tiếp tục giảm trên cả 3 tiêu chí

(HNM) - Ngày 1-8, tại Hà Nội, Ủy ban ATGT quốc gia đã họp đánh giá kết quả công tác bảo đảm trật tự ATGT tháng 7-2014. Theo đại diện Ủy ban ATGT quốc gia, trong tháng 7-2014, toàn quốc xảy ra 1.910 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 699 người, bị thương 1.497 người. So với cùng kỳ năm 2013 giảm 449 vụ (giảm 19,03%), giảm 23 người chết (giảm 3,19%), giảm 650 người bị thương (giảm 30,27%). Theo đánh giá của Ủy ban ATGT quốc gia, tình hình TNGT trong tháng 7-2014 có nhiều chuyển biến, các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng, xe chở container được kiềm chế, qua đó góp phần giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, tai nạn liên quan đến mô tô, xe gắn máy có xu hướng tăng và diễn biến phức tạp, đòi hỏi thời gian tới cần có sự cố gắng hơn nữa của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Lương Ninh Giang

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tuyên chiến với tiêu cực trong kiểm soát tải trọng xe

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.