Nhiều người cho rằng sử dụng thuốc Đông y là vô hại vì thuốc chế biến từ cây cỏ, hoa trái hoặc động vật có trong tự nhiên. Có người lại uống thuốc theo sự mách bảo của người khác hoặc có khi chẳng bị bệnh gì cũng đi cắt vài thang thuốc uống để
Tai biến da do tự ý đắp thuốc
Vừa qua, Viện Da liễu quốc gia đã tiếp nhận bệnh nhân nam, 50 tuổi, đến từ Phú Thọ, do dùng thuốc từ cỏ cây đắp lên vùng da bị ngứa. Sau khi bệnh nhân đắp loại bột này lên vùng da ngực, vùng da đã bị sưng tấy, lở loét dẫn tới hoại tử da... sau thời gian điều trị 3 tháng bệnh nhân mới hồi phục.
Một bệnh nhân ở Đắc Lắc mắc bệnh vẩy nến ở đùi, không ảnh hưởng sức khoẻ, nhưng đã dùng lá anh đào, lá xoan (có chất gây co mạch, làm mạch máu thắt lại) bôi lên vết thương, bệnh nhân bị co mạch dẫn tới phù nề, tấy đỏ và hoại tử, cả một mảng da thâm đen và chảy dịch.
Cũng do sự tuỳ tiện sử dụng các bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian, một bệnh nhân nam 28 tuổi quê Thái Nguyên đã suýt làm biến dạng "con giống" của mình khi bôi cồn pha với kiến khoang giã nhỏ, đắp lên tổn thương do nấm ở vùng bẹn. Chỉ sau 2 giờ đồng hồ, toàn bộ vùng bẹn, bìu của bệnh nhân này bỏng rát như kiến đốt, kim châm và sau đó phù nề, tấy đỏ, vỡ bọng nước do chất axit có trong kiến khoang phải cấp cứu tại Viện Da liễu quốc gia. Sau 2 tuần điều trị bệnh nhân mới được xuất viện.
Có thể bị suy gan, thận do thuốc uống
Mới đây nhất, Viện Da liễu quốc gia vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam, 47 tuổi, quê ở Hải Phòng. Sau khi dùng thuốc bắc khoảng 1 tháng chữa bệnh khớp thì phát bệnh. Các bác sĩ cho biết: khi sờ đến đâu da bệnh nhân tuột đến đấy, có những nơi nhìn thì thấy như da lành, nhưng sờ vào là tuột da ra ngay và bốc mùi thối do da hoại bị tử. Sau 20 ngày điều trị, da mới khô ráo dần nhưng bệnh nhân đã bị suy gan, thận nặng phải chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai để lọc thận xong bệnh nhân đã tử vong.
Theo các bác sĩ, các bệnh nhân sử dụng tuỳ tiện thuốc nam, thuốc bắc dẫn đến suy thận, suy gan, nhiễm độc toàn thân thường khó cứu chữa nhất. Những tai biến thường gặp là dị ứng, bệnh nhân gần như bị bỏng toàn thân, sốt cao, toàn thân phù nề, đỏ ửng và nổi bọng nước khắp người...
Rượu bổ... cũng gây độc
Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm có khoảng 10 - 15 ca ngộ độc rượu (rượu ngâm thuốc bắc, thuốc nam) vào cấp cứu và điều trị tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân nhẹ thì mất kiểm soát, dẫn tới rối loạn hành vi. Nặng hơn thì bị hôn mê sâu, trụy mạch với nhiều biến chứng nguy hiểm như hạ đường máu, nhiễm toan, rối loạn nước điện giải, viêm gan, viêm thận thậm chí tử vong.
Trong y học cổ truyền, có rất nhiều các cây, con như: ong đất, bìm bịp, tắc kè, rắn, ba kích, nhục dung, dâm dương hoắc... được ngâm rượu làm thuốc bồi bổ cơ thể. Nhưng hiện nay, có không ít các loại rượu thuốc được bán tràn lan mà không rõ nguồn gốc, chế biến không đúng quy cách, hướng dẫn sử dụng không đầy đủ..., thậm chí có thứ được trộn cả tân dược nên đã gây ra những hậu quả không đáng có cho người sử dụng.
Ý kiến chuyên gia
Theo thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, về mặt nguyên tắc, đã gọi là thuốc, bất kể tân dược (thuốc tây) hay đông dược (thuốc ta), thì đều có thể xảy ra những tác dụng không mong muốn, thậm chí có thể ngộ độc mà dẫn đến hậu quả chết người. Đông dược có thể dẫn tới ngộ độc vì một số lý do sau đây:
+ Bệnh nhân bị dị ứng một hoặc nhiều chất có trong thành phần của thuốc do yếu tố cơ địa. Điều này xảy ra tương tự như đối với tân dược, tuy nhiên vì đông dược thường là một hỗn hợp gồm rất nhiều chất khác nhau nên rất khó xác định dị nguyên cụ thể.
+ Bệnh nhân dùng quá liều (do tự ý hoặc do thầy thuốc chỉ định) loại đông dược mà trong thành phần có một hoặc nhiều vị có độc như bán hạ, phụ tử, mã tiền, hoàng nàn...
+ Do trình độ hoặc do khám xét không kỹ, thầy thuốc đã kê đơn cho bệnh nhân dùng loại đông dược mà lẽ ra là phải chỉ định đối với người bệnh.
+ Do chất lượng thuốc không đảm bảo vì trồng trọt chăm bón quá nhiều hoá chất có hại, bảo quản không tốt (dùng quá nhiều lưu huỳnh...), bào chế sai quy cách hoặc vì bị nhiễm vi sinh vật có hại, đặc biệt là các loại nấm mốc dễ gây dị ứng.
+ Do nhầm lẫn dược liệu khi thu hái, mua bán và sử dụng. Điều này có thể do người bệnh tự dùng, do nhân viên y tế cân thuốc cẩu thả hoặc do gian thương cố tình đánh tráo để trục lợi (ví như dùng thương lục để làm giả nhân sâm).
+ Do bệnh nhân không tuân thủ đúng hướng dẫn của thầy thuốc về cách sắc, cách uống, liều lượng và quy trình điều trị.
+ Do người bệnh được dùng phối hợp quá nhiều loại thuốc, trong đó có cả tân dược và đông dược, nên dẫn đến sự tương tác và sản sinh những chất có hại cho cơ thể. Đây là một vấn đề rất phức tạp mà người thầy thuốc dễ bỏ qua và người bệnh cũng dễ tự ý dùng thêm với mong muốn bệnh tình nhanh thuyên giảm...
Để ngăn ngừa những tai biến do dùng đông dược: (1) Với bệnh nhân cần phải tuân thủ triệt để hướng dẫn của thầy thuốc, không tuỳ tiện sử dụng đông dược khi không có chỉ định, không tự ý nâng liều và kéo dài ngày dùng. Một số vị thuốc và bài thuốc đơn giản theo kinh nghiệm dân gian có thể tự dùng, nhưng tốt nhất vẫn nên có sự tư vấn đầy đủ của thầy thuốc có chuyên khoa. Khi sử dụng, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì phải ngừng thuốc ngay và báo lại cho thầy thuốc biết để xử trí kịp thời. (2) Với thầy thuốc, phải khám xét tỉ mỉ, nắm được tiền sử dị ứng của bệnh nhân, trọng dụng các xét nghiệm hiện đại cần thiết để biết được tình trạng của các cơ quan quan trọng và tiên lượng được kết quả khi dùng thuốc, hết sức thận trọng trong việc kê đơn những vị thuốc có độc, hướng dẫn bệnh nhân chu đáo cách thức dùng thuốc, không phối hợp thuốc tây và thuốc ta một cách cẩu thả, kiểm tra kỹ chất lượng thuốc trước khi cân đơn cho người bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.