Sáng 14.3, tại cầu cảng Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Đà Nẵng MRCC), Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa giai đoạn 1984 - 1988 tổ chức lễ tưởng niệm, tri ân 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi bảo vệ Gạc Ma, quần đảo Trường Sa trước mũi súng Trung Quốc.
Khoảng 50 cựu chiến binh từng làm nhiệm vụ ở Trường Sa, thành viên Ban liên lạc, cán bộ, chiến sĩ đã và đang công tác tại Trung đoàn 83 (nay là Lữ đoàn 83 công binh Hải quân) đã dâng hương, thả vòng hoa và mặc niệm.
Sau đó, thượng tá Hoàng Văn Hoan, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó chỉ huy chính trị Trung đoàn 83, thay mặt Ban liên lạc nhắc lại sự kiện ngày 14.3.1988 nhằm tưởng nhớ 64 anh hùng liệt sĩ.
Cựu binh Dương Văn Dũng (bên trái), người sống sót và bị Trung Quốc bắt trong trận cưỡng chiếm của Trung Quốc ngày 14.3.1988, dự buổi tưởng niệm những đồng đội - Ảnh: Nguyễn Tú |
Thượng tá Hoàng Văn Hoan kể lại: Sau 29 tiếng hành quân từ đảo Đá Đông, lúc 5 giờ ngày 14.3.1988 tàu hải quân 605 Lữ đoàn 125 đến đóng giữ đảo Len Đao sớm 1 tiếng so với lệnh chỉ huy và cắm cờ Việt Nam lên giữ đảo san hô này. Trước đó, 9 giờ ngày 13.3.1988 tàu HQ 604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và HQ 505 của thuyền trưởng Vũ Duy Lễ nhận lệnh từ đảo Đá Lớn tiến về Gạc Ma, Cô Lin mang theo 2 phân đội (70 chiến sĩ) Trung đoàn 83 và 4 tổ chiến đấu (22 đồng chí) Lữ đoàn 146 do Phó lữ đoàn trưởng Trần Đức Thông chỉ huy cùng 4 chiến sĩ đo đạc biên vẽ hải đồ (Bộ tham mưu Quân chủng Hải quân)...
Ngày 14.3.1988, 4 tàu lớn của Trung Quốc bắt đầu nổ súng cưỡng chiếm Gạc Ma, trước sự kiên cường của Hải quân Việt Nam, 2 chiến hạm Trung Quốc bắn pháo 100 mm vào HQ 604 gây hỏng nặng.
“Khi tàu Trung Quốc xông vào, đồng chí Phi Trừ chỉ huy tàu dùng súng AK, trung liên RPD và B40-41 đánh trả quyết liệt nhưng bị tàu Trung Quốc tiếp tục nã pháo khiến tàu 604 bị cháy và chìm dần, đồng chí Vũ Phi Trừ, Trần Đức Thông cùng các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh cùng con tàu, lúc này trên đảo có thiếu úy Trần Văn Phương chỉ huy đồng đội chiến đấu bảo vệ bằng được lá cờ Tổ quốc”, thượng tá Hoan xúc động.
Theo thượng tá Hoan, sự hy sinh của 64 anh hùng liệt sĩ Gạc Ma đã nhắc nhở thế hệ trẻ về chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm, để tiếp nối truyền thống kiên quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, nhắc nhở mỗi người tích cực góp sức xây dựng đất nước và hành động thiết thực hướng về biển đảo, để Việt Nam mãi trường tồn.
Sau khi thả vòng hoa trên biển, Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa giai đoạn 1984 - 1988 tiếp tục đi thăm các gia đình liệt sĩ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.