Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tương lai nào cho tay vợt trẻ Lý Hoàng Nam?

HUY HOÀNG| 15/10/2012 06:20

(HNM) - Thành công ở Giải vô địch quần vợt quốc gia Vietravel Cup 2012 mới chỉ là điểm sáng đầu tiên trong chặng đường phát triển rất dài phía trước của tay vợt 15 tuổi Lý Hoàng Nam.

Theo tiết lộ của HLV Trần Đức Quỳnh, mức đầu tư của doanh nghiệp Becamex IDC cho Lý Hoàng Nam ở năm trước đạt khoảng 300-400 triệu đồng. Đến năm nay, con số này đã tăng lên mức xấp xỉ 700 triệu đồng và dự kiến với đà phát triển hiện nay của Hoàng Nam, con số này ở năm tới sẽ không dưới 1 tỷ đồng. Ngoài số tiền đầu tư cho huấn luyện, thi đấu, Hoàng Nam cũng được tăng lương lên mức 30 triệu đồng/tháng sau khi kết thúc Giải vô địch quốc gia năm 2012.


Theo tính toán của các chuyên gia, hiện nay Becamex IDC có thể lo được cho Lý Hoàng Nam, nhưng nếu Nam tiến lên những hạng đấu cao hơn thì một mình doanh nghiệp này rất khó bảo đảm hỗ trợ Hoàng Nam hiệu quả. Thế nên, HLV Trần Đức Quỳnh từng phát biểu rằng: ''Giá như có thêm 10 nhà Mạnh Thường Quân giống như Becamex IDC thì tốt cho quần vợt Việt Nam biết mấy!''.

Trên thực tế, cuộc chơi hướng đến quần vợt chuyên nghiệp đòi hỏi bất cứ tay vợt nào cũng phải có nhà tài trợ hùng hậu đằng sau. Tay vợt số 1 Châu Á hiện nay là Kei Nishikori từng được ông Morita (Giám đốc điều hành của Tập đoàn Sony) bảo trợ để có thể sang tập luyện ở Học viện Bollettieri (bang Florida, Mỹ) từ năm 14 tuổi. Còn cựu tay vợt Paradorn Srichaphan của Thái Lan (từng đứng trong tốp 10 thế giới) lại may mắn nhận được hợp đồng khổng lồ từ nhà tài trợ FILA - lên đến 5 triệu USD trong 5 năm để đầu tư cho sự nghiệp.

Ở tầm mức thấp hơn, gia đình tay vợt Nguyễn Hoàng Thiên đã phải chuẩn bị khoản kinh phí lên tới 2 triệu USD để con mình được thọ giáo nhiều HLV có tên tuổi trên thế giới. Thực tế, mức lương của các HLV quần vợt rất cao. Ngay cả những HLV bình thường mà Hoàng Thiên cộng tác cũng có mức lương lên tới 50.000 USD/năm. Còn sau này, khi Hoàng Thiên tiến lên đẳng cấp cao hơn thì mức lương của các HLV này không dưới 100.000 USD/năm. Chỉ riêng khoản tiền lương này cũng đã gấp ba chi phí mà Lý Hoàng Nam đang được đầu tư hiện nay.

Đưa ra vài ví dụ để thấy con đường hướng đến chuyên nghiệp mà Lý Hoàng Nam đang đeo đuổi gian nan thế nào. Trong điều kiện kinh tế hiện nay và nhất là Việt Nam không có nhiều doanh nghiệp lớn để có thể bỏ ra hàng chục tỷ đồng đầu tư cho một tay vợt trẻ thì chắc chắn sự phát triển của các tay vợt giàu tiềm năng sẽ gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa kể đến việc đầu tư cho một tay vợt trẻ luôn đi kèm với nhiều rủi ro, bởi không ít tay vợt chơi rất hay ở tầm "tuổi teen" nhưng sau đó không thể phát triển tài năng do thiếu đầu tư hoặc bị chấn thương nặng, không thể theo đuổi con đường chuyên nghiệp.

Thông thường ở nhiều nước, Liên đoàn Quần vợt quốc gia sẽ là đầu mối để thu hút các doanh nghiệp tâm huyết đầu tư cho các tay vợt trẻ thông qua các quỹ khác nhau, nhưng Lý Hoàng Nam khó trông chờ vào sự hỗ trợ này bởi ngay cả kinh phí để duy trì hoạt động của Liên đoàn Quần vợt Việt Nam vẫn còn phải nhờ vào ngân sách nhà nước. Thế nên, để có thể giúp học trò phát triển thành tích, HLV Trần Đức Quỳnh đang tìm cách vận động thêm một số nhà tài trợ cho Hoàng Nam thực hiện ước mơ trở thành tay vợt chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tương lai nào cho tay vợt trẻ Lý Hoàng Nam?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.