Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tương lai mới đang định hình

Nguyễn Triều| 01/08/2011 06:59

(HNM) - Mới đó đã 3 năm. 3 năm từ ngày chúng ta có Thủ đô mới. Thủ đô rộng lớn nhất, hiện đại nhất từ thuở các vua Hùng dựng nước. Thủ đô của chúng ta hôm nay mới không chỉ vì nó là bộ mặt mới của một nước Việt Nam hàng nghìn năm văn hiến ngày càng rất mới.


Nó mới không chỉ vì kể từ buổi cha ông mang gươm đi dựng nước đến hôm nay chúng ta mới có đủ nguồn nhân tài, vật lực để thực hiện những dự án tầm cỡ mang khát vọng lịch sử của dân tộc. Nó mới không chỉ vì diện tích mới, số dân mới, những dự án lớn lao mới...

Kỷ niệm 3 năm hợp nhất, Thủ đô đã công bố Quy hoạch chung xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch thể hiện rõ những quan điểm mới, nhận thức mới, cách tiếp cận mới, thực hiện mới những tư tưởng triết học về vũ trụ, con người; về quan hệ giao hòa Trời - Người - Đất; những giá trị tinh thần và vật chất của dân tộc Việt Nam và thể hiện rất rõ bản tính, bản sắc con người Việt Nam.

Thủ đô quy hoạch và đang hình thành của chúng ta đặt trọng tâm không nặng nề về mạng giao thông đường trên trời, đường dưới đất; những nhà chọc trời những kính, những thép, những bê tông. Hà Nội sẽ là một thành phố "Xanh, Văn hiến, Văn minh, Hiện đại". Một Thủ đô điển hình như một làng Việt truyền thống yên bình; một Thủ đô như ước mơ ngàn đời của các thế hệ qua bao máu lửa chiến tranh:

Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển
Xanh trời xanh của những ước mơ...


Những ước mơ sơ khởi các vua Hùng. Những ước mơ soi đường cho Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền... Nguyễn Ái Quốc đưa dân tộc tới độc lập, tự do. Những ước mơ chắp cánh cho những thế hệ Nguyễn Trãi, Lương Thế Vinh, Tuệ Tĩnh, Hồ Nguyên Trừng, Trương Vĩnh Ký, Đặng Thái Sơn, Ngô Bảo Châu... bay lên cùng loài người. Những ước mơ như những bia đá ghi nhớ công lao của những tài năng dựng nước và những hy sinh của những anh hùng giữ nước...


Núi Tản uy linh,  Sông Đà hùng vĩ cuồn cuộn sức mạnh, ăm áp truyền kỳ. Ảnh: Bá Hoạt


Hà Nội, Thủ đô của chúng ta, của dân tộc Việt Nam, sẽ thật tuyệt. Đó sẽ là một hệ mặt trời thu nhỏ với trung tâm mặt trời ở giữa và 5 vệ tinh Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ xoay quanh. Năm đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn) không một vệ tinh nào ở phía Đông. Tôi không biết các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, quy hoạch có chủ ý như vậy không, nhưng tôi tin chắc đó là phán quyết của lịch sử, của tạo hóa, con người không thể can thiệp - phía ấy, phía Đông, là biển, là cửa mở tạo hóa dành cho chúng ta để ra với thế giới nên nó phải thoáng rộng, như biển vậy, như khát vọng của chúng ta vậy. Đó là nơi mỗi sáng Mặt trời lên, Mặt trời rực sáng bầu trời Việt và rực sáng trống đồng những đêm lễ hội.

Thăng Long - Hà Nội là vùng đất diệu kỳ, không chỉ là tựa núi hướng biển. Hà Nội là vùng đất trời sinh, đất mở, người sáng tạo. Từ vùng đất thiêng Phong Châu trời sinh cha ông hướng ra biển, gặp vùng châu thổ màu mỡ đất mở trước mặt và họ đã gây dựng, xây đắp nên một trong những nền văn minh cổ đại nổi tiếng - văn minh lúa nước sông Hồng. Chưa cần xem bản đồ, chưa cần bay lên từ độ cao Rồng thiêng nhìn xuống, chỉ hình dung thôi, đã thấy được vẻ đẹp hùng vĩ của vùng thánh địa này. Hai bên Đông Tây là hai dãy núi uy linh trong mây gió - Tam Đảo, Ba Vì. Từ thượng nguồn là 3 dòng sông. Sông Hồng, sông Mẹ, mang phù sa bồi đắp cho những cánh đồng phì nhiêu. Sông Đà, sông Đen, mạnh mẽ, dữ dội cuồn cuộn sức mạnh giúp tỏa sáng bao cuộc đời. Sông Đáy trong xanh, hiền hòa chảy quanh những bãi bờ tươi tốt, những xóm làng yên bình sinh ra bao nhiêu tài năng kiệt xuất.

Ba Vì 3 ngọn, Tam Đảo 3 đỉnh, 3 dòng sông và 1 Thăng Long - Hà Nội địa linh nhân kiệt nên cha ông ta mới coi số 9 là số linh thiêng.

Hà Nội của chúng ta sẽ không trọn vẹn giá trị Thủ đô của mình nếu trong quá trình phát triển mới chỉ biết tận dụng những lợi thế trời sinh, đất mở.

Một trong những quyết định khó khăn nhất mà lãnh đạo phải đưa ra để phát triển Thủ đô mới là giữ hay bỏ hơn 700 dự án đã được phê duyệt trước hoặc sau khi hợp nhất. Và nữa, hệ thống dịch vụ hạ tầng ở những khu đô thị đã hoặc đang xây sẽ phải thay đổi. Những quyết định đó khó khăn không vì tiền. Tiền chúng ta không nhiều nhưng có. Từ nay đến năm 2015, để thực hiện quy hoạch, mỗi năm Hà Nội cần 1.400 - 1.500 nghìn tỷ đồng. Những con số khổng lồ. Lớn thật nhưng chúng ta có. Vấn đề là sử dụng thế nào cho hiệu quả. Và một phần vì vậy mà cần xem xét và điều chỉnh hơn 700 dự án cũng như giải quyết hệ thống hạ tầng ở những khu đô thị. Xóa bỏ để xây dựng vì con người, một trong ba yếu tố nền tảng của một Thủ đô, một cuộc sống yên bình, no đủ, hạnh phúc: Trời - Người - Đất.

Tương lai của Thủ đô Hà Nội, tương lai của đất nước, tương lai của chúng ta đang định hình như vậy. Một tương lai xanh. Văn hiến. Văn minh. Hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tương lai mới đang định hình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.