(HNM) - Vụ sập dàn khoan Deepwater Horizon tại vịnh Mexico, ngoài khơi bang Louisiana của Mỹ vào ngày 20-4 vừa qua đã gây ra những hậu quả ngoài sức tưởng tượng đối với Bristish Petroleum (BP).
Dầu tràn đe dọa môi trường tại nhiều bãi biển miền Đông nước Mỹ. |
Tính đến nay, sau hơn một tháng nổ ra thảm họa, BP đã phải tiêu tốn tới 3,5 tỷ USD để khắc phục sự cố, trong đó, 207 triệu USD đền bù cho một số cá nhân. Tuy nhiên, đây chỉ là sự khởi đầu khi số tiền phải chi để đối phó thảm họa tràn dầu nghiêm trọng nhất lịch sử nước Mỹ ước tính có thể còn gấp 10 lần con số trên. Theo Ngân hàng Credit Suisse, Mỹ chi phí dọn dẹp dầu loang có khả năng lên tới 23 tỷ USD. Phần còn lại là tiền bồi thường cho ngư dân và ngành du lịch tại Vịnh Mexico nhằm trấn an cơn giận dữ của dân chúng. Nhận định này có cơ sở khi BP mới đền bù được cho 67.500 trường hợp trong 116.000 đơn khiếu nại đã được gửi đi và mức độ thiệt hại trên thực tế vẫn chưa thể xác định.
Mặc dù vậy, con số khổng lồ đó có vẻ cũng không nhiều hơn tổn thất mà BP phải trả cho việc niềm tin của nhà đầu tư đã giảm sút nghiêm trọng. Sau thảm họa, giá cổ phiếu của tập đoàn danh giá này bị mất 40% giá trị, khiến BP phải đối mặt với nguy cơ bị các đối thủ như Sell và Exxon Mobil thâu tóm. Bên cạnh đó, sự sống còn của BP cũng bị đe dọa nếu như cú sốc tài chính đang gây sóng gió cho một trong những tập đoàn năng lượng lớn nhất thế giới chạm mốc 100 tỷ USD, điều mà một số nhà phân tích cho là không thể loại trừ nếu hãng dầu nước Anh bị nhận bản án của tòa án Mỹ với các "tội danh" như gây hại cho kinh tế bang Louisiana, kéo theo nạn thất nghiệp…
Trước gánh nặng tài chính khổng lồ, BP thậm chí đã phải tuyên bố bán một số tài sản trên toàn thế giới để trang trải cho khoản đền bù lên tới 20 tỷ mà hãng cam kết theo yêu cầu của Nhà Trắng. Thương vụ đầu tiên với tập đoàn Apache chuyên mua lại các mỏ dầu cũ của Mỹ đã mang lại cho gã khổng lồ gặp khó 7 tỷ USD. Những tài sản được "sang tay" gồm các mỏ dầu và khí tự nhiên, cùng với nhà máy chế biến dầu khí thuộc các bang Texas, bang New Mexico của Mỹ, vùng phía tây Canada và quyền thăm dò và khai thác dầu khí ở Ai Cập. Nhằm huy động thêm tiền mặt, BP cũng tuyên bố sẽ bán thêm các giếng khí đốt và đường ống dẫn khí đốt tại Pakistan và Việt Nam trong thời gian tới để thu về khoảng 1,7 tỷ USD. Các lựa chọn khác cũng đã được tính đến như đấu thầu công ty con Pan American Energy, phát hành trái phiếu và cả vay nợ. Nhà giàu gặp khó, BP vừa tuyên bố ngừng trả cổ tức quý I, II và III của năm nay cho cổ đông để tập trung cho việc giải quyết sự cố tràn dầu.
Rõ ràng, đại gia dầu mỏ Anh chưa qua cơn choáng váng sau cú đòn trời giáng. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng kịch bản phá sản có tiên lượng khá thấp do tiềm lực rất lớn của BP. Không chỉ Chính phủ Anh lên tiếng sẽ cứu "đứa con cưng" nếu lâm nguy mà cả Mỹ cũng không mong muốn điều này xảy ra. Với vị thế là hãng sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất tại Hoa Kỳ với sản lượng khoảng 1 triệu thùng một ngày, sự sụp đổ của BP hẳn không phải là tín hiệu tốt lành đối với ngành dầu mỏ của "người anh em" Mỹ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.