(HNM) - Ở tuổi 74, GS-TSKH Phạm Thị Trân Châu (Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam) rất trăn trở với những khó khăn mà phụ nữ làm khoa học gặp phải.
Quy định tuổi nghỉ hưu cần lưu ý đặc thù lao động của phụ nữ. Ảnh: Trung Kiên
Thế nhưng, tỷ lệ nữ ngày càng giảm tương ứng với trình độ càng cao. GS-TSKH Phạm Thị Trân Châu cho biết, trong các lớp học bà tham gia giảng dạy, rất nhiều học viên bụng chửa vượt mặt phải chạy đua với chương trình học tập, nghiên cứu và cả sự sắp xếp, chuẩn bị cho đứa con sắp chào đời. Điều này có căn nguyên sâu xa từ quy định tuổi bồi dưỡng, đào tạo để bổ nhiệm của phụ nữ phải dưới 45 (nam giới là dưới 50). Đến khi phụ nữ đạt được học hàm GS, PGS, học vị TS thì phần lớn cũng đã ở tuổi trên dưới 50. Nếu quy định chị em phải nghỉ hưu ở tuổi 55 là sự lãng phí lớn về chất xám, kinh phí đào tạo.
Không chỉ vậy, quy định tuổi nghỉ hưu (TNH) hiện nay còn gián tiếp ảnh hưởng đến suy nghĩ của phụ nữ trẻ, khiến họ nhụt chí, không muốn tiếp tục phấn đấu học tập, rèn luyện. Cũng theo GS-TSKH Phạm Thị Trân Châu, sự nghiệp xây dựng CNH, HĐH đất nước rất cần sự đóng góp của nhiều lực lượng, trong đó có các nữ trí thức, nhất là những nữ trí thức đã chín muồi kinh nghiệm, có nguyện vọng được cống hiến nhiều hơn. Vì thế, rất cần tạo điều kiện nâng cao TNH để nữ trí thức được cống hiến theo chuyên môn.
Xuất phát từ TNH của phụ nữ là 55 dẫn đến quy định tuổi bồi dưỡng, đào tạo, bổ nhiệm phụ nữ thấp hơn 5 tuổi so với nam (dưới 45 tuổi); chưa kể đến trong giai đoạn dưới 45 tuổi, chị em còn phải thực hiện thiên chức của người phụ nữ. Vì vậy, trong chủ trương, chính sách đều nói đến ưu tiên cán bộ nữ nhưng thực tế, chị em phải chịu rất nhiều thiệt thòi, ít có cơ hội được đào tạo, đào tạo lại; đồng nghĩa với ít có cơ hội thăng tiến hơn so với nam giới. Bên cạnh đó, nữ và nam cùng bắt đầu đi học ở tuổi như nhau, tốt nghiệp và hưởng lương khởi điểm ở tuổi như nhau, thời hạn tăng lương giống nhau; mức lương cuối cùng người phụ nữ được nhận sẽ thấp hơn so với mức lương cuối cùng của nam giới được nhận (do nam giới có hơn 5 năm công tác). Đây lại là cơ sở tính lương hưu cho người lao động...
Theo tính toán của nhiều chuyên gia, Việt Nam chạm ngưỡng dân số già năm 2017 với 10% số dân là người cao tuổi. Khi đó, số người hưởng lương hưu so với người đóng bảo hiểm sẽ tăng dần. Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) Nguyễn Hùng Cường cho biết, đến năm 2037, nếu không có chính sách hiệu quả tăng thu, giảm chi; thì số thu bảo hiểm trong năm và số tồn tích bắt đầu không đủ khả năng chi trả. Từ các năm sau, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu trong năm. Theo ông Nguyễn Hùng Cường, tình trạng mất cân đối quỹ này có nhiều nguyên nhân, trong đó có quy định TNH thấp. Trong khi đó, tuổi thọ người Việt Nam ngày càng tăng, khiến số năm hưởng lương hưu trong đời người kéo dài ra. Bên cạnh đó, còn có các quy định giảm TNH để giải quyết các chính sách (người bị ảnh hưởng sức khỏe 61% trở lên, quân nhân, lao động một số ngành độc hại…) nhưng không quy định số tiền phải đóng bù vào tiền đóng BHXH, khiến gánh nặng chi trả của BHXH ngày một lớn dần.
Đứng về khía cạnh bảo vệ sức khỏe, rõ ràng, với quy định TNH của phụ nữ ít hơn nam giới 5 năm là sự ưu ái của Nhà nước với lao động nữ. Nhưng với tuổi thọ trung bình của nữ (77 tuổi) cao hơn nam (72 tuổi) hiện nay, thêm sức ép của tình trạng già hóa dân số, điều này đã trở thành bất cập. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi khẳng định: TNH là quyền của người lao động nên phải bình đẳng giữa nam và nữ. Tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII (vào tháng 5 tới), dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi (bao gồm vấn đề TNH nữ) sẽ được bàn thảo. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội nội dung: TNH cho lao động nữ được giữ nguyên như hiện nay (55 tuổi) và điều chỉnh với hai nhóm lao động (tăng với nhóm lao động trình độ KHKT cao, cán bộ quản lý và giảm với nhóm lao động trực tiếp, độc hại…).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.