Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tuổi Hợi, lợn rừng và lợn nhà?

HONGHAI| 15/02/2007 14:10

Buổi săn bắt đầu chín giờ đêm. Từ rất lâu, ông Quản Ngãi, dưới sự chỉ huy của bố tôi đã đào sẵn một cái bẫy. Đó là một cái hố rộng bằng cái sân nhà (ngang dọc sáu và tám mét), dưới đáy cắm chi chít chông nứa nhọn hoắt.

Buổi săn bắt đầu chín giờ đêm. Từ rất lâu, ông Quản Ngãi, dưới sự chỉ huy của bố tôi đã đào sẵn một cái bẫy. Đó là một cái hố rộng bằng cái sân nhà (ngang dọc sáu và tám mét), dưới đáy cắm chi chít chông nứa nhọn hoắt.

Buổi săn đêm

Trên mặt hố người ta gác những cây nứa nhỏ đan thành hàng hẹp rồi trải lên một lớp cỏ tranh. Tất nhiên, cái hố bị hàng rào bịt kín hai bên, trừ một lối đi giữa, dẫn vào một vạt sắn mì lẫn khoai lang rộng mênh mông.

Việc của mấy người săn đêm là rất rõ ràng. Tất cả đều biết rằng đàn lợn rừng rất tinh khôn và có mũi thính. Chúng thừa ranh mãnh để nhận ra cái bẫy và chỉ có những con heo mù mới chạy vào con đường người ta cố tình chừa sẵn đi vào vạt sắn để kiếm ăn.

Ông Quản Ngãi nói với tôi: “Cậu biết không? Lợn lòi còn ranh hơn cả ngựa và chó nhà. Mũi nó thính hơn cả khái” (cọp). Ông chỉ cho tôi thấy những lối đường mòn của đàn lợn đi kiếm ăn trong đám sắn. Chúng đi hàng một, bằng rất nhiều ngã khác nhau, mỗi lần một đường, thường là mới hoàn toàn.

Vậy thì nhiệm vụ của đàn chó và mấy người săn đêm là phải mai phục khá xa đám sắn. Phải ra nằm bụi từ sớm để sương đêm làm bay mất hơi người.

Đàn chó cũng phải được dạy dỗ cẩn thận, không được sủa, không được lồng xích nếu chưa có lệnh chủ. Khi đàn lợn đã vào hết trong đám sắn, bố tôi sẽ nổ một phát súng và các “cánh quân” nhất loạt xông lên, bịt chặt mọi lối ra của chúng, tất nhiên vẫn rộng mở con đường dẫn tới cái hố chết người kia. Bố tôi, có tôi bên cạnh thì nai nịt gọn gàng, phục chỗ thuận lợi nhất để nổ súng mà không thể gây ra tai nạn cho đám thợ săn và đàn chó.

Đêm xuống lặng lẽ cùng rừng và hơi lạnh đầu thu làm bốc lên đám sương mỏng, lên cao dần rồi phủ kín ngọn đồi. Cũng như người đi câu, tất cả chúng tôi đều im lặng, im lặng như người câm, kể cả mấy con chó.

Bỗng phía lưng đồi có tiếng hịc hịch, khụt khịt, như thăm dò, như rủ rê rồi từ trong bụi rậm, những con lợn rừng dài ngoẵng, chân trước cao như chân bò tót cùng mấy con lợn con, kéo nhau vào đám sắn. Chúng bắt đầu húc, gậm, cắn nhau chí chóe. Con lợn đầu đàn thỉnh thoảng ngẩng cao đầu nghếch mũi ngửi.

Đã đến lúc! Bố tôi nổ phát súng đầu tiên vào giữa đám lợn. Như đồng thời, những con chó sủa vang. Đám thợ săn la hét, gõ mõ. Bị bịt kín hầu hết các lối ra, đàn lợn theo con đầu đàn chạy vong mạng trên con đường mòn dẫn tới cái hố.

Và từng con một, tất nhiên không thể tất cả, rơi xuống đám chông. Mọi người chạy tới, dùng lao, dùng chão bắt đầu cuộc tàn sát đàn lợn đáng thương dưới đáy hố.

Còn tôi, tôi rất hào hứng, say mê khi buổi săn bắt đầu nhưng đến phút chót ấy tôi muốn khóc và lặng lẽ lùi xa miệng hố, trở về nhà trại. Tôi mủi lòng vì cầm tinh con lợn hay nghĩ rằng vì cái vía tôi mà đàn lợn bị tàn sát?

Buổi săn ngày

Xin đừng nghĩ rằng mọi việc đều suôn sẻ như tôi mô tả. Rất nhiều đêm, rất nhiều lần, có khi đêm này sang đêm khác, đàn lợn dù ai cũng biết đang chui rúc trong cái thung kín như bưng cách đó trên dưới một cây số, nhưng chúng không hề bén mảng tới đám sắn, nơi có cái hố bẫy. Và thế là bố tôi đành phải quyết định mở những buổi săn ban ngày.

Đây mới thực sự là một cuộc săn! Nó không nham hiểm, ty tiện như khi người ta đào cái hố bẫy để tàn sát bầy lợn, lúc đó con người lấy làm tự hào vì đã thông minh hơn những con lợn rừng hùng dũng.

Những cuộc săn đêm ấy đã từng làm tôi mất nhiều nước mắt. Nhưng vào cuộc săn ban ngày, con người tử tế, đàng hoàng và sòng phẳng hơn.

Mấy người thợ săn và bầy chó gần chục con cùng đi một hướng, bắt đầu nơi dòng suối chảy vào những thửa ruộng lúa hay nương khoai. Người la hét, chó sủa dữ dội, tiếng động hỗn hợp ấy xua bầy lợn rừng đang nấp kín trong thung phải chạy ngược lên phía trên, tìm đường thoát sang bên kia quả đồi.

Đây cũng là lối thâm nhập thường xuyên và quen thuộc của chúng. Nhưng chúng đâu có ngờ nơi đó đã có bố tôi, tay thiện xạ với khẩu calíp 12 với cơ số đạn sung sức.

Những con heo rừng, từng con một hay hai hoặc ba con cùng một lúc chạy lên, vừa phóng nước đại vừa kêu hộc hộc dữ tợn và điên cuồng. Pằng! Pằng! Bố tôi hạ gục từng con một cách chính xác và chỉ khi ông nạp đạn mới may ra có một con chạy thoát.

Bầy chó và những người thợ săn lo phần còn lại. Họ dùng giáo kết liễu những phản ứng cuối cùng của các con mồi rồi cột bốn chân chụm vào nhau khiêng về nhà trại.

Những con chó hãnh diện chạy theo chủ mình, liếm láp một cách khoái trá những giọt máu nóng hổi rơi xuống mặt cỏ. Sau đó là bữa tiệc chia phần. Người ta uống rượu lậu đến mềm người và mỗi người mang về nhà phần thịt của mình, nhiều khi đến cả mấy chục kilô nếu buổi săn gặp may.

Tất nhiên, “phần sư tử” vẫn dành cho khẩu súng và bố tôi. Tôi nhớ có nhiều hôm con ngựa của chúng tôi lặc lè không tải nổi hai bố con vì hôm đó chính tay bố tôi bắn hạ năm con heo rừng, trong đó có một con heo nọc nặng gần tạ rưỡi. Ông được chia phần toàn bộ con heo đó và con ngựa từ chối không chịu chở trên lưng vì quá nặng.

Nhưng không phải bao giờ cái tuổi cầm tinh con heo rừng của tôi cũng đưa lại may mắn cho cuộc săn. Và chuyện bi thảm đã xẩy ra trong lần săn lợn rừng cuối cùng của bố tôi ở trang trại.

Khi ông Quản Ngãi hăng hái và điệu nghệ nhất đám thợ săn xua bầy chó dồn lợn rừng lên đỉnh cho bố tôi bắn hạ, ông đã không may gặp phải một con heo nọc to chưa từng thấy. Con heo kinh nghiệm sống cùng mình nhất định không chịu chạy lên phía trên.

Nó biết rõ trên ấy có “cây gậy khạc ra lửa” và như vậy là chạy vào chỗ chết. Mắt đỏ đọc như lửa, mõm dài với hai chiếc răng nanh dài như răng bừa, con heo rừng to cao gần bằng con bò nực non đã gồng mình lên chống lại bầy chó và những ông chủ của chúng.

Nó cũng coi khinh mũi giáo của bọn người này, kể cả ông Quản Ngãi. Đó là điều bất ngờ tai hại mà cả một người kinh nghiệm săn bắn như ông Quản cũng không lường trước được.

Nó húc cả đàn cho tan tác rồi xông thẳng tới ông Quản. Chỉ hai cái tớp thôi, đôi bắp chân của người đàn ông vạm vỡ nhất bọn đã không còn...

Ông ta gục xuống ngất đi ngay và chỉ được cứu thoát khi bố tôi chạy xuống kịp, quỳ ngắm cách con lợn đang xông thẳng tới khoảng năm mét, ông nổ liên tiếp hai phát súng vào trán nó.

Đó là buổi săn cuối cùng của bố con tôi. Sau đó những biến cố xã hội cuốn mỗi người theo chiều gió khác nhau, bố tôi bỏ trang trại và ông không bao giờ đi săn lợn rừng nữa.

Nhiều năm đã qua sau vụ ông Quản Ngãi bị lợn rình húc... Rừng Ngàn Éo nay chỉ còn những cây non mới trồng. Đàn voi, hổ, báo gấm không bao giờ xuất hiện ở đây nữa. Con thú duy nhất còn lại vẫn là những con heo rừng.

Về thăm lại chốn xưa, tôi nghe người ta bảo heo rừng vẫn thỉnh thoảng về phá ruộng khoai và sắn mì nhưng chúng đã thành tinh, không ai bắn hay bẫy nổi lấy một con.

Họ truyền nhau câu chuyện khá hoang đường nhưng có thật sau đây. Đó là, ngôi mộ ông Quản Ngãi tuy đã được con cháu xây lại bằng gạch nhưng không bao giờ yên.

Đêm đêm có tiếng heo hộc và sáng ra gạch đá ngôi mộ bị heo húc tan tành, xung quanh chi chít dấu chân một con lợn rừng to chưa từng thấy. Cuộc ân oán giang hồ giữa con người và thiên nhiên không biết bao giờ mới kết thúc.

Nhà văn Nguyễn Quang Thân/Theo TP

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Tuổi Hợi, lợn rừng và lợn nhà?

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.