Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từng phút ngóng tin các anh trở về

Theo Lao động| 22/06/2016 10:43

Cho đến cuối ngày 21.6, dù lực lượng chức năng nỗ lực tìm kiếm, nhưng chưa có tin mới về 9 người trên máy bay...


Đại tá - phi công Lê Kiêm Toàn (thứ tư từ trái sang) cùng kíp bay CASA-212. Ảnh: A.TOÀN


Cố giấu tin đại tá mất tích

Đại tá Lê Kiêm Toàn - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn không quân 918 là một phi công giỏi về chuyên môn và có bề dày kinh nghiệm huấn luyện bay chiến đấu. PV Báo Lao Động tìm về thôn Hưng Giáo, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội - quê hương anh, thấy hết tấm lòng của bà con nơi đây dành cho người lính không quân đầy quả cảm này.

Bà Nguyễn Thị Bích (50 tuổi) - người cùng thôn kể với PV trong khóe mắt đượm buồn: “Ai chứ anh Toàn thì người trong làng này không ai lạ gì, chú ấy sống biết trên biết dưới, khiêm nhường lắm, ai cũng quý. Chú ấy cả năm mới về quê một vài lần do bận công tác, chúng tôi chưa bao giờ thấy một cử chỉ nào mang tính “quan cách” của chú ấy cả. Bà con trong làng ngoài họ ai cũng quý mến chú”.

Ông Quảng - người trong họ của đại tá Lê Kiêm Toàn cho biết: “Do cả gia đình anh Toàn thoát ly và sống trên Hà Nội nhiều năm, rồi ở trên đó công tác, nên anh em cũng không có nhiều thời gian gặp mặt. Thế nhưng, không chỉ là người trong họ mà cả bà con dân làng, không ai là không quý chú ấy bởi bản tính thật thà, hòa nhã, sống biết điều chứ không hề quan cách khi về làng cả. Nhà có 4 anh em, Toàn là con trai thứ hai, là người duy nhất nối nghiệp cha làm lính không quân từ hồi còn trẻ đến bây giờ. Toàn là người rất có tâm và sống tình cảm với anh em, họ hàng lắm. Vợ chú ấy cũng công tác bên ngành biên phòng. Cuộc sống gia đình cùng hai cô con gái rất đầm ấm. Hôm 1.5 vừa rồi chú ấy cũng về và gặp tôi nói chuyện rất vui vẻ. Thế mà giờ thì người vẫn còn ở nơi đầu sóng Biển Đông...”.

“Kể từ hôm 16.6, lúc TV phát sóng lên truyền hình về thông tin anh Toàn và 8 đồng đội khác mất tích cùng chiếc máy bay trong khi đi tìm kiếm máy bay Su-30 MK2 tại vùng biển gần đảo Bạch Long Vĩ ở Hải Phòng, anh em trong họ và bà con chòm xóm ai ai cũng lo lắng, bàng hoàng trước tin này. Anh Toàn vốn là một phi công giỏi, có năng lực bay tìm kiếm cùng với đội hình của Lữ đoàn 918 trong lần bay phối hợp tìm kiếm máy bay MH-370 của Malaysia hồi mấy năm trước. Anh ấy là người có uy tín, được anh em trong cơ quan rất tín nhiệm”, ông Điền - người trong họ nói.

Ông Lê Tiến Công - Phó Chủ tịch xã Tam Hưng cho hay, dù gia đình anh Lê Kiêm Toàn không sống thường xuyên ở địa phương và hiện đang ở bên quận Long Biên, gần sân bay Gia Lâm cùng với bố mẹ già và vợ con, nhưng mỗi khi địa phương hay dòng họ có việc gì là anh Toàn cũng hay về góp sức đóng góp cho quê hương. Gia đình đại tá Lê Kiêm Toàn vốn có truyền thống cách mạng, sống hiếu nghĩa nên rất được người dân quý mến. Bản thân anh Toàn cũng là một người con hiếu thảo, khi bất chấp khó khăn từ nhỏ để quyết theo nghiệp phi công giống cha mình rồi thành công như ngày hôm nay.

Cha mẹ đại tá, phi công Lê Kiêm Toàn đều đã hơn 80 tuổi, sức khỏe không còn được tốt. Tới giờ, họ vẫn chưa biết thông tin anh Toàn mất tích. Mọi người trong gia đình sợ các cụ không chịu được khi nghe tin dữ nên tìm mọi cách để giấu đi, cố kéo dài thời gian càng lâu càng tốt.

Bà Nguyễn Thị Bích - hàng xóm của Đại tá Lê Kiêm Toàn xót xa khi nói về người hàng xóm tốt tính.


Mong điều kỳ diệu

Những ngày này, căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Hoàng Hằng (74 tuổi, anh trai ruột duy nhất còn lại trong một gia đình 5 anh em mà thượng tá Nguyễn Đức Hảo là người em út) bên con đê làng ở Cụm 4, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì trở nên đông người thăm hỏi, chia sẻ động viên cùng gia đình về câu chuyện của phi công Hảo.

Gia đình, người thân của thượng tá Nguyễn Đức Hảo từng giờ, từng ngày mong ngóng thông tin, liên tục truy cập các tin tức từ báo chí, truyền hình về những chiến sĩ trên máy bay CASA 212. Trò chuyện với anh trai thượng tá Hảo, chúng tôi càng thêm thấu hiểu về gia đình, hoàn cảnh của anh. Ông Hằng cho biết, gia đình có 5 người anh em thì cả 5 người đều phục vụ cho lực lượng vũ trang. Trong đó người em trai út tên Nguyễn Đức Hảo là một trong những thành viên xuất sắc của gia đình. “Chú Hảo khi còn là thanh niên được tuyển chọn đi bộ đội, sau đó được đơn vị cử sang Liên Xô đi học. Khi về nước chú Hảo làm việc trong thành phố Hồ Chí Minh một khoảng thời gian dài. Mới khoảng 4 năm trở lại đây chú ấy mới bắt đầu ra Bắc, thực hiện nhiệm vụ làm Cảnh sát biển thuộc Lữ đoàn 918, đóng quân tại sân bay Gia Lâm. Hiện nay cả 2 đứa con trai của chú ấy cũng đang theo nghiệp bố, học tập, rèn luyện trong quân ngũ, một đứa con trai đầu cũng đang theo học lái máy bay”.

Lấy tay gạt đi những giọt nước mắt, ông Hằng tâm sự: “Mới ngày 28.5 (tức ngày 22.4 âm lịch) vừa rồi chú ấy còn về quê, tham dự làm giỗ cho ông cụ (người sinh ra bố của anh Hảo). Mấy anh em vẫn thường hay tâm sự, chia sẻ với nhau những câu chuyện về gia đình, về các con, cháu rồi cả những câu chuyện thăng trầm của cuộc đời binh nghiệp. Nhà chú Hảo ở trong thành phố Hồ Chí Minh còn chú ấy thì công tác ở ngoài này, bay ở trên trời suốt nên thời gian về nhà, về quê cũng rất ít”.

Theo ông Hằng, vợ thượng tá Hảo (chị Ngô Thị Dung - PV) cũng từ thành phố Hồ Chí Minh bay ra Hà Nội từ hôm 16.6 để ngóng trông tin chồng. Từ ngày biết tin chồng mình gặp nạn trên chiếc máy bay đến nay vẫn chưa có tin tức gì thêm chị Dung không kìm được lòng mình, mỗi khi nghĩ đến chồng, đến những người đồng đội của anh trên chuyến bay định mệnh đó chị lại không giấu được nước mắt. Mới có mấy hôm mà chị Dung trở nên gầy guộc, xanh xao hẳn đi, cũng đôi ba lần ngất lên ngất xuống vì nhớ thương chồng.

Căn nhà bố mẹ trung úy Nguyễn Văn Thái tại thôn 4, xã Quỳnh Giang mấy ngày nay cũng tấp nập khách đến thăm hỏi. Đại diện chính quyền, các tổ chức đoàn thể, bà con liên tục đến để động viên gia đình và hỏi tin tức của anh. Anh Thái là con thứ trong gia đình 5 anh chị em (3 trai, 2 gái). Bố anh Thái là thương binh Nguyễn Văn Sơn, đã qua đời cách đây 4 - 5 năm. Mẹ anh là bà Hồ Thị Hồng, ở nhà làm nông. Ông xóm trưởng xóm 4 Lê Xuân Hảo cho biết: “Học xong phổ thông, anh Thái đi bộ đội, rồi chuyển sang cảnh sát biển. 4 anh chị em anh Thái đều là cảnh sát biển. Anh Thái lấy vợ người Hà Tây, cũng là cảnh sát biển. Hai vợ chồng ở chung cư cảnh sát biển (Hà Đông, Hà Nội). Anh chị có hai con, bé lớn 4 tuổi, bé thứ hai chưa đầy 2 tuổi, nên mẹ anh Thái cũng ra Hà Nội trông cháu cho vợ chồng đi làm”.

“Anh Thái là người có đạo đức, tư cách rất tốt, rất hiền lành, chan hòa với mọi người. Khi anh ấy đã lập gia đình ở Hà Nội, thỉnh thoảng có về quê, sống rất tình cảm với anh em, họ hàng, xóm giềng - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Giang Lê Xuân Trạch nói - anh Thái nhập ngũ đã 10 năm. Anh là người có đạo đức và phẩm chất rất tốt. Gia đình anh có truyền thống cách mạng, nhiều người tham gia quân đội. Mong rằng anh sẽ bình yên trở về”.

Hiện nay, các anh chị của anh Thái đã tập trung ra Hà Nội để ngóng chờ tin tức và động viên vợ trung úy Nguyễn Văn Thái. Một người thân trong gia đình anh hy vọng: “Anh Thái mất tích cùng với máy bay, chúng tôi vô cùng lo lắng. Gia đình đang chờ tin anh từng giây, từng phút. Mong rằng điều kỳ diệu sẽ đến với anh và đồng đội!”.

Danh sách 9 chiến sĩ trên máy bay CASA gặp nạn:

1. Lê Kiêm Toàn - đại tá Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918 (Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội).

2. Nguyễn Đức Hảo - thượng tá, Phi đội trưởng Lữ đoàn 918 (Sơn Đà, Ba Vì, Hà Nội).

3. Nguyễn Văn Chính - thiếu tá, Chính trị viên phi đội phi công cấp 3 Lữ đoàn 918 (Mỹ Hà, Bình Lục, Hà Nam).

4. Nguyễn Ngọc Chu - thiếu tá, phi công kiêm dẫn đường Lữ đoàn 918 (Thanh Hồng, Thanh Hà, Hải Dương).

5. Lê Văn Đình - đại úy, nhân viên tuần thám trên không Lữ đoàn 918 (Hoành Bồ, Hạ Long, Quảng Ninh).

6. Đỗ Văn Mạnh - thượng úy Phó Đại đội trưởng kỹ thuật hàng không 918 (Bồ Sao, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).

7. Lê Đức Lam - trung úy, CN cơ giới trên không Lữ đoàn 918 (Vân Hội, Ninh Giang, Hải Dương).

8. Nguyễn Văn Thái - trung úy, CN nhân viên tuần thám trên không Lữ đoàn 918 (Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu, Nghệ An).

9. Nguyễn Bá Thế - trung úy CN, nhân viên tuần thám trên không Lữ đoàn 918 (Quỳnh Thọ, Quỳnh Phụ, Thái Bình).
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Từng phút ngóng tin các anh trở về

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.