Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tùng Dương đủ “chín” khi làm “Li ti”

Hoàng Lân| 30/12/2010 13:07

(HNMO) - Vẫn trung thành với dòng nhạc Electronica (nhạc điện tử), nhưng với “Li ti”, album dự định phát hành từ nửa năm trước giờ mới ra mắt được với công chúng, Tùng Dương đang chứng minh một điều rằng, sự kiên trì, bền bỉ của mình đã ra trái ngọt.

Tùng Dương tỉ mẩn với sản phẩm âm nhạc mới


* Hứa hẹn rất nhiều lần nhưng giờ Tùng Dương mới cho ra mắt sản phẩm âm nhạc mới, nhiều người đã cho rằng anh mải chạy “sô” nên quên làm việc lớn?

- Với sản phẩm này tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Vì tôi chưa thật sự hài lòng về sản phẩm của mình nên muốn làm cho đến khi thấy bản thân vừa ý thì thôi. Tôi không muốn làm lặp lại những gì là của mình trước đây, và cũng không muốn khán giả khi nghe Tùng Dương ở sản phẩm mới vẫn thấy tôi chẳng có gì thay đổi. Lẽ ra theo đúng kế hoạch tôi sẽ ra mắt album vào tháng 6/2010, cuối cùng bị chậm lại. Công chúng hãy khoan trách móc mà nghe sản phẩm mới của tôi thì sẽ hiểu tôi đã tỉ mẩn thế nào khi làm ra nó.

* Thật sự thì công chúng hiện nay không phải ai cũng thích và hiểu được thể loại nhạc anh theo đuổi. Dấn thân vào con đường mới, chông gai và thử thách, những người đi tiên phong như anh chắc chắn sẽ chịu thiệt, anh không nghĩ đến điều đó?

- Tôi không thấy mình bị thiệt, 6 năm đi hát tôi được nhiều hơn là mất. Những luồng ý kiến xung quanh thể loại âm nhạc tôi theo đuổi cũng nhiều lắm. Người quen nghe nhạc kiểu truyền thống thì thấy tôi kỳ quái, còn người hiện đại, thích khám phá cái mới lại thích cách thể hiện của tôi. Bản thân tôi cũng thấy thoải mái, say mê thể loại mình theo đuổi. Tôi xác định rằng, Electronica sẽ là dòng nhạc mà tôi sẽ theo đến cùng bởi đây mới thật sự là con người tôi.


Hơn nữa, Electronica cũng có nhiều thể loại, mà tôi cũng không phải người đầu tiên ở Việt Nam theo đuổi dòng nhạc này. Nhạc sỹ Quốc Trung theo đuổi dòng world music, ca sỹ Trần Thu Hà thì theo electro-pop. Ngày trước tôi và anh Đỗ Bảo cùng làm CD “Những ô màu khối lập phương” với dòng new-age, giờ tôi hơi khác một chút, đó là chọn electro-pop kết hợp với giao hưởng. Sản phẩm “Li ti” là sự thể hiện mới của tôi.

* Nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy Tùng Dương hát nhạc xưa của các nhạc sỹ Ngô Thuỵ Miên, Đoàn Chuẩn - Từ Linh... Có mâu thuẫn gì không với con đường âm nhạc mà Tùng Dương theo đuổi và hình ảnh Dương xuất hiện trên sân khấu?

- Khi theo đuổi một dòng nhạc mới không có nghĩa là mình tuyệt giao với những thể loại khác. Thỉnh thoảng tôi vẫn hát nhạc tiền chiến, nhạc trữ tình bởi vì tôi vẫn thấy thích dòng nhạc mà ngày trước tôi từng hát. Công chúng khi nghe tôi hát nhạc trữ tình vẫn vỗ tay hưởng ứng, thì tại sao tôi lại không tiếp tục hát.

Cách đây 1 tháng, tôi và chị Thanh Lam đã làm liveshow “Yêu” chuyên dòng nhạc trữ tình, giữa tháng 1/2011, chúng tôi sẽ mang liveshow này vào Nam để trình diễn. Tôi không thấy có sự mâu thuẫn nào trong việc xác định con đường âm nhạc của mình. Electronica là bộ mặt âm nhạc của tôi, còn nhạc trữ tình, tiền chiến là những giai điệu mà tôi vẫn thích mỗi khi thể hiện.

* Nói một chút về sản phẩm mới, anh đã mang “Li ti” ra nước ngoài để làm, khó khăn lớn nhất anh gặp phải khi thực hiện cùng êkip đã quen phong cách làm việc chuyên nghiệp là gì?

- Tôi rất may mắn là lần này được cộng tác làm việc với nhạc sỹ Vincent Nguyễn (Nguyễn Công Phương Nam) cùng êkip sản xuất âm nhạc của anh tại Touch The Sky Production (Đức). Chúng tôi làm việc khá ăn ý và hiệu quả. Êkip của anh Nguyễn Công Phương Nam làm việc rất chuyên nghiệp và đòi hỏi rất cao ý thức làm việc của ca sỹ.

Chúng tôi dường như không để bất cứ sơ suất nào trong khi làm đĩa, chẳng hạn như không quá trình thu âm, chỉ một tiếng động nhỏ phát ra từ phòng thu hay từ chiếc vòng tay của tôi thôi là cũng phải thu lại. Nhưng đó không phải là khó khăn lớn mà tôi gặp phải, lo lắng nhất của tôi vẫn là kinh phí. Mỗi một giờ làm việc của êkip nước ngoài tôi phải trả 100 euro, như vậy tính ra sản phẩm này tôi cũng mất trên 30.000 euro.


Hình ảnh mới của Tùng Dương trong album "Li ti"


* Khi nghe sản phẩm mới của anh, nhiều người nhận xét rằng phải đến sản phẩm này thì Tùng Dương mới đủ độ “chín” vì anh đã biết cách “kìm” giọng hát của mình chứ không phô diễn hết sức lực. Anh có chạnh lòng khi nghe nói vậy?

- Ở album vẫn trên nền nhạc điện từ nhưng tôi hát bớt gai góc hơn. Tôi tiếp thu những nhận xét của mọi người. Ngày trước, khi tôi hát “Con cò” trên sân khấu Bài hát Việt, tôi thăng hoa theo kiểu khác, quằn quại và mãnh liệt. Còn bây giờ khi thực hiện “Con cò” trên nền nhạc điện tử, tôi học cách tiết chế giọng hát, kìm mình lại để cho âm nhạc cùng hoà trộn với giọng hát. Nhiều người nghe “Con cò” mới của tôi đều chia sẻ rằng họ thích hơn rất nhiều khi nghe bản cũ. Với tôi, như thế là thành công.

* Còn ý kiến về việc Tùng Dương ra CD vào dịp này nhằm mục đích giành giải Cống hiến?

- Tôi làm CD không phải vì giải Cống hiến hay vì bất cứ giải thưởng nào, mà vì công chúng của tôi. Giải thưởng là phần thưởng mà người yêu nhạc dành cho mình nếu họ thấy mình xứng đáng. Thành công lớn nhất của người làm nghệ thuật không phải vì giải thưởng mà vì sản phẩm âm nhạc của mình có tồn tại được trong đời sống hay không.

Album “Li ti” gồm 8 bản nhạc, trong đó có 6 ca khúc và 2 bản hoà tấu. Trong 6 bài hát, có những bài đã được Tùng Dương thể hiện trước đây như “Con cò”, “Sáng nay”, “Li ti”, “Đồng hồ treo tường” và hai bài hát mới là “Trời cho”, “Giăng tơ”. Đây là lần đầu tiên những ca khúc này được thu âm chính thức. Hai bản hoà tấu là “Giao diện mở” và “Hoài vọng” do Nguyễn Công Phương Nam và Sebastian Parche sáng tác.

Album có sự kết hợp khéo léo giữa các âm thanh điện tử với dàn nhạc giao hưởng và một chút màu sắc âm nhạc dân gian châu Á đưa người nghe tới một không gian âm nhạc đa chiều. Phần âm thanh giao hưởng được các nghệ sỹ đến từ Dàn nhạc Beethoven của thành phố Bonn (Đức) thể hiện.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tùng Dương đủ “chín” khi làm “Li ti”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.