(HNM) - Hôm qua, từ sáng sớm, khoảng 50 nghìn người đã đổ về trung tâm thành phố Hồ Chí Minh tham dự lễ kỷ niệm 35 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2010); kỷ niệm lần thứ 124 Ngày Quốc tế lao động (1/5/1886 - 1/5/2010) và đón nhận Huân chương Sao Vàng lần thứ hai.
Lực lượng vũ trang tham gia diễu binh tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN |
Dự lễ có các đồng chí: nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; UV Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trương Tấn Sang; UV Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng; UV Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; UV Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải… Nhiều đại biểu là quan chức cấp cao các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, LB Nga, Campuchia... đại sứ quán một số nước tại Việt Nam, đại diện gia đình có công với nước, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang... cùng tham dự. Hơn 400 phóng viên đại diện các cơ quan báo, đài trong nước và các hãng thông tấn Anh, Đức, Nga, Pháp... tham gia đưa tin, truyền hình, phát thanh trực tiếp…
Đúng 6h30, lễ mít tinh bắt đầu tại khu lễ đài chính trước dinh Thống Nhất. Mở màn là những tiết mục nghệ thuật tái hiện lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc Việt Nam từ thời các Vua Hùng đến cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, thu giang sơn về một mối. Lúc 7h, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải đọc diễn văn khai mạc lễ diễu hành kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Lễ diễu binh và diễu hành nghệ thuật biểu dương lực lượng và những thành tích xuất sắc của các đơn vị trực thuộc thành phố.
Thanh niên thành phố tham dự lễ mít tinh. Ảnh: Tràng Dương - TTXVN |
Phát huy thắng lợi của Đại thắng mùa Xuân 1975, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, 35 năm qua, Đảng bộ và nhân dân TP Hồ Chí Minh nỗ lực phấn đấu xây dựng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Đến cuối năm 2009, mức thu nhập bình quân của người dân TP đạt hơn 2.600 USD/người, hoàn thành phổ cập bậc THPT, tỷ lệ hộ nghèo (thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm) chỉ còn hơn 7%. Với trách nhiệm cùng cả nước, vì cả nước, TP luôn vững vàng, đoàn kết, năng động sáng tạo, vượt qua những khó khăn, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế… trở thành trung tâm lớn về mọi mặt, là động lực phát triển kinh tế của cả nước.
Nhân dịp kỷ niệm 30-4 năm nay, lần thứ hai TP Hồ Chí Minh vinh dự đón nhận Huân chương Sao Vàng. Đây là một vinh dự lớn của nhân dân thành phố với những cố gắng không ngừng trong quá trình xây dựng và phát triển chung của cả nước.
Tối 30-4, nhân dân cả nước cũng háo hức đón xem chương trình bắn pháo hoa mừng ngày thống nhất tại 7 điểm của TP Hồ Chí Minh.
Hoạt cảnh kết thúc lễ kỷ niệm với chủ đề “Hướng về Thăng Long - Hà Nội” tại lễ mít tinh. Ảnh: Hiếu Hải |
* Tối qua (30-4), Lễ hội "Thống nhất non sông" đã diễn ra trọng thể bên đôi bờ sông Bến Hải và cầu Hiền Lương (Quảng Trị) - nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt đất nước, cũng là nơi quân và dân ta đã đổ nhiều xương máu trong những năm tháng kháng chiến để đi đến ngày toàn thắng mùa Xuân năm 1975. Tham dự lễ hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Tô Huy Rứa; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành chức năng và đông đảo nhân dân. Lần đầu tiên được tổ chức với quy mô cấp quốc gia và là sự kiện hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nên chương trình nghệ thuật chào mừng lễ hội với chủ đề "Bài ca thống nhất" đã diễn ra thật ấn tượng. Qua 3 chương: "Nỗi đau chia cắt", "Đường giải phóng" và "Bài ca thống nhất" do hơn 500 nghệ sĩ, diễn viên biểu diễn kết hợp với những thước phim, phóng sự tư liệu về cuộc sống và chiến đấu ở vùng đất Quảng Trị, bên đôi bờ giới tuyến… nhân dân cả nước một lần nữa được sống lại thời kỳ hoa lửa, khốc liệt, từ đó thêm tin yêu và quý trọng hòa bình.
Điểm nhấn sinh động của chương trình là lễ hòa nước nguồn Pác Bó cùng nước sông Cửu Long vào dòng sông Bến Hải trên cây cầu Hiền Lương lịch sử, tượng trưng cho sự quyện chặt, đoàn kết, nhất trí khăng khít không gì có thể chia cắt của ba miền Tổ quốc Việt Nam.
Trước đó, các đại biểu đã làm Lễ thượng cờ tại kỳ đài phía bắc cầu Hiền Lương. Ngọn cờ này khi hai miền Nam - Bắc bị chia cắt trong 21 năm (1954-1975) là niềm kiêu hãnh của dân tộc, là biểu tượng cho niềm tin, ý chí, thôi thúc toàn dân Việt Nam tiến hành cuộc chiến đấu đánh đuổi quân thù, thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Không có gì quý hơn độc lập tự do".
Hà Nội rực rỡ trong đêm pháo hoa. Ảnh: Viết Thành |
* Tối 30-4, người dân Thủ đô Hà Nội hân hoan chào đón Ngày Chiến thắng 30-4 với màn pháo hoa đặc sắc tại 14 điểm. Nhiều tụ điểm công cộng ở Hà Nội rộn ràng lời ca, tiếng hát do các đoàn nghệ thuật chuyên và không chuyên biểu diễn phục vụ nhân dân. Trong nội thành Hà Nội, 10 sân khấu lớn được dựng lên, tâm điểm là sân khấu đền Bà Kiệu, sân khấu quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục… do các nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Đoàn Xiếc Hà Nội biểu diễn với các ca khúc cách mạng sống mãi với thời gian như: "Bến nhà Rồng", "Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh", "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người"… cùng nhiều tiết mục xiếc thú, xiếc người đặc sắc. Ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật, Sở VH,TT&DL Hà Nội cho biết: Trong dịp này, đa số các quận, huyện của Thủ đô tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng. Bên cạnh đó, Sở phối hợp với các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp biểu diễn 60 buổi phục vụ nhân dân từ ngày 30-4 đến mùng 2-5.
Ông Mike Morrow, cựu phóng viên Mỹ Tôi rất vui khi được chứng kiến sự kiện này và quá trình phát triển của TP Hồ Chí Minh. So với những lần tôi đến Sài Gòn cuối những năm 1970, đầu những năm 1980 thì hiện nay thành phố đã phát triển hơn nhiều. Xem ra những kế hoạch phát triển rất hài hòa với đặc điểm vốn có của nó và tôi tin rằng hẳn là nhân dân thành phố sẽ rất tự hào về điều này. Tôi cũng đã làm một chuyến đi vòng quanh thành phố và đây thật sự là một trải nghiệm thú vị. Tôi thật sự phấn khích và hạnh phúc khi được trở lại thành phố Sài Gòn. Bà Lê Thị Nữ, 75 tuổi, ngụ trên đường Võ Văn Tần, quận 3 Cha mẹ tôi tham gia kháng chiến và hy sinh trong chiến khu Đồng Tháp Mười. Ngày đình chiến 1954, tôi về Sài Gòn đi học rồi làm nữ hộ sinh. Thế hệ chúng tôi lớn lên trong bom đạn nên ngày hòa bình thì vui mừng, hạnh phúc lắm. Được gặp lại anh em, có người còn, người mất, tôi thấy đất nước độc lập, gia đình đoàn tụ là quý nhất. Em Lê Diễm Hồng, sinh viên năm thứ 3 Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh Em rất tự hào được tham gia diễu hành trong lễ kỷ niệm năm nay. Lúc học lịch sử, em rất hãnh diện về cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc của dân tộc. Thành phố bây giờ phát triển nên tụi em có rất nhiều cơ hội để học tập và làm việc. Em nghĩ mình phải cố gắng hơn nữa. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.