(HNM) - Từ ngày 6-2 (23 tháng Chạp), hàng loạt chương trình lễ và hội liên tục diễn ra tại TP Hồ Chí Minh để chào đón Tết Canh Dần 2010. Trong thời gian này, hàng trăm nghệ nhân, công nhân, các đạo diễn, diễn viên… đang
Sắc xuân trên đường phố. |
Rộn ràng sắc xuân
Thời khắc giao thừa, từ 0 giờ đến 0 giờ 15 phút, pháo hoa sẽ tung bay rực rỡ trên bầu trời thành phố. Với 7 địa điểm bắn pháo hoa, gồm khu vực đường hầm Thủ Thiêm, Công viên Văn hóa Gò Vấp, Công viên Bình Phú, Khu công nghiệp Tân Bình, Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc, Đền Tưởng niệm lịch sử Bến Dược và sân bóng đá huyện Cần Giờ, người dân ở vùng ngoại thành, nông thôn cũng sẽ được chiêm ngưỡng màn trình diễn đẹp trên bầu trời cùng người dân ở trung tâm thành phố.
Diễn ra từ ngày 8 đến ngày 21-2 (từ 25 tháng Chạp đến mùng 8 tháng Giêng), Hội hoa Xuân của thành phố cũng "hơn hẳn" năm trước bởi có thêm một địa điểm mới ở khu vực hồ Con Rùa. Ở địa điểm này, thu hút khách du xuân là một chiếc đài sen khổng lồ vươn cao cùng những loài hoa đặc sắc của 3 miền Bắc, Trung, Nam tụ hội. Còn tại địa điểm "truyền thống" là Công viên Tao Đàn, hàng ngàn loại hoa, cá cảnh và hơn 8.000 hiện vật là sản phẩm của các nghệ nhân cũng được trưng bày để khách thưởng lãm. Nhiều chương trình nghệ thuật được truyền hình trực tiếp tại Hội hoa Xuân như "Khai hoa quốc lễ", "Ngược thủy về nguồn", "Tạ ơn Việt Nam ca"…
Lễ hội Bánh tét, một hoạt động truyền thống của thành phố cũng được tiếp nối trong năm nay với hội thi nấu bánh, lễ dâng cúng bánh tét tại Đền Tưởng niệm các Vua Hùng, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tôn Đức Thắng và chương trình trao tặng bánh cho các hộ nghèo, trẻ em ở các mái ấm...
Đường hoa hướng về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
Khai mạc vào đêm 28 tháng Chạp, Đường hoa Nguyễn Huệ luôn là điểm đến hấp dẫn với khách du xuân. Những ngày này, hàng trăm nghệ nhân và công nhân đang tất bật chuẩn bị cho Đường hoa. Ông Chiêm Thành Liêm, Tổng chỉ huy công trình Đường hoa cho biết, các nghệ nhân, công nhân đã làm việc miệt mài từ hơn một tháng qua. Từ ngày 3-2 (ngày 20 tháng Chạp), các tiểu cảnh này sẽ được di chuyển ra đường Nguyễn Huệ để thực hiện việc thi công và trang trí. Ở giai đoạn nước rút này, có khoảng 300 người sẽ làm việc liên tục từ sáng đến 22 giờ mỗi ngày.
Với chủ đề Xuân Bình Minh, Đường hoa năm nay thể hiện sự bừng sáng của kinh tế - xã hội thành phố sau giai đoạn khó khăn do khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu và cùng hướng về Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi. Đường hoa được chia làm 6 phân đoạn, gồm: Vầng Thái dương, Xuân yêu thương, Bình minh hội tụ, Sức mạnh đoàn kết, Góc quê hương và Hướng về Thăng Long - Hà Nội. Trải dài suốt đường Nguyễn Huệ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng "Vầng Thái dương" rực rỡ ở khu vực Tượng đài Bác Hồ với hàng trăm chậu mai quý và hoa lan và bố cục vuông tròn tượng trưng cho hình ảnh bánh chưng, bánh dày truyền thống. Đôi hổ bên gốc cổ thụ vừa uy nghi, dũng mãnh vừa an bình, hạnh phúc sẽ là đại cảnh của chủ đề "Xuân yêu thương". Ngày mùng một Tết cũng là ngày Lễ Tình nhân nên "phần thưởng" cho các bạn trẻ là trái tim khổng lồ được kết bằng hoa hồng rực rỡ... Những chú hổ oai dũng, "nhân vật chính" của năm được thiết kế bằng gỗ, vỏ cây, cừ tràm bên những cánh rừng đối lập với "Góc quê hương" thanh bình và yên ả bằng không gian xanh mướt của cánh cò, đồi rơm vàng óng, những chiếc gùi nặng trĩu ngô khoai…
Đặc biệt, hướng về Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đoạn kết của Đường hoa năm nay là hình ảnh của sóng hoa hướng về Hà Nội. Đây cũng là tấm lòng của những người con phương Nam hướng về Thủ đô yêu dấu. Ông Chiêm Thành Liêm cho biết, để tạo cảnh phân đoạn này, một dàn hoa sẽ được đưa lên cao cách điệu với những đường lượn hùng vĩ của Rồng. Đó cũng là hình ảnh của đợt sóng nhỏ lớn dần hướng ra biển lớn, cầu chúc sự an lành và thành công trong năm mới, cầu chúc Thủ đô Hà Nội 1000 năm tuổi với sức sống mới, thành công và thắng lợi mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.