|
Xe túc - túc, “đặc sản” giao thông ở Thái Lan giờ cũng đang trở thành vấn nạn làm ngột ngạt không gian đô thị. |
Sáng kiến hay... tối kiến?
Câu chuyện bắt đầu vào ngày 9-9-2012, khi HHVT Hà Nội chính thức gửi văn bản lên Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội, đề xuất cho phép nhập khẩu và lưu hành loại xe 3-4 bánh (còn gọi là xe túc - túc) nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Theo cái lý mà ông Bùi Danh Liêm - Chủ tịch HHVT đưa ra, xe túc - túc có hàng loạt ưu thế nổi bật so với các loại hình phương tiện hiện hành khác. Ưu việt lớn nhất là chở được từ 4 đến 6 người, nhưng mức tiêu hao năng lượng chỉ bằng một chiếc xe máy. Hơn nữa, xe túc - túc rất dễ sửa chữa, người sử dụng có thể dễ dàng tìm mua và thay thế phụ tùng ở bất cứ đâu. Chưa kể, diện tích chiếm mặt đường của xe rất nhỏ, dễ cất giữ… Theo ước tính, giá thành của mỗi chiếc xe túc - túc chỉ từ 70 đến 150 triệu đồng, tương đương với giá một chiếc xe tay ga cao cấp trên thị trường. HHVT kỳ vọng loại xe túc - túc sẽ trở thành phương tiện chính vận chuyển hành khách công cộng từ các tuyến đường liên thôn, liên xã, liên huyện ra các điểm đỗ xe buýt để người dân bắt xe buýt vào nội đô, góp phần đáng kể hạn chế các phương tiện cá nhân xâm nhập nội thành.
Tuy mới chỉ là đề xuất và được HHVT bảo lưu quan điểm bằng những lời có cánh, song ngay lập tức ý tưởng nhập khẩu xe túc - túc vào Việt Nam đã vấp phải những phản ứng dữ dội từ phía dư luận. Thậm chí, không ít người cho rằng, đề xuất nhập khẩu, lưu hành xe túc - túc là một "tối kiến" nữa của ngành GTVT, chẳng khác nào ý tưởng cấp "quota" cho các phương tiện hay "sáng kiến" biển chẵn đi ngày chẵn, biển lẻ đi ngày lẻ… dạo nào.
Một trong những lý do được HHVT đưa ra khi đề nghị nhập, lưu hành xe túc - túc, đó là loại hình phương tiện này đang rất thịnh hành và phát huy hiệu quả "hơn cả mong đợi" tại một số quốc gia láng giềng như Thái Lan, Philippines hay Malaysia… Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong lĩnh vực quản lý giao thông đô thị, sự thật về xe túc - túc lại hoàn toàn ngược lại.
Không cần nhìn đâu xa, chỉ cần quan sát hai quốc gia trong khu vực cũng đủ nhận thấy tác động tiêu cực của loại xe túc - túc đến giao thông đô thị. Từng được coi là "đặc sản" của Manila nhưng hiện nay Jeepney (loại xe giống xe Lambro chở khách ở Việt Nam) đã trở thành vấn đề vô cùng đau đầu đối với chính quyền địa phương, khi các thành phố ngày càng phải đối diện với tình trạng ùn tắc, ô nhiễm và lộn xộn khi tham gia giao thông. Chính phủ Philippines đang xem xét đề xuất cấm Jeepney, một số cơ sở sản xuất thì "nhanh tay" thử nghiệm loại xe Jeepney có máy điều hòa, chạy bằng điện nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường. Tại Thái Lan, sau một thời gian dài "làm bạn" với túc - túc, phương tiện này đang là "vấn nạn" đối với giao thông đô thị. Sự phát triển ồ ạt vì tính thuận tiện trong di chuyển, giá rẻ đã khiến các thành phố lớn ngạt thở vì túc - túc.
Đỗ lấn chiếm lòng, lề đường, đi lại lộn xộn, luồn lách, xả khói gây ô nhiễm… là những vấn đề phát sinh khiến nhiều người lo ngại chủ trương nhập xe túc - túc về Việt Nam sẽ khiến giao thông tê liệt hơn. Trước kia, để giải quyết vấn đề xe Lambro, Chính phủ đã phải ra hẳn một Nghị quyết 32, cấm sử dụng xe Lambro, xe ba bánh từ năm 2008 mới giải quyết được triệt để.
|
Đề xuất sử dụng xe túc-túc khiến dư luận liên tưởng đến hình ảnh không đẹp của xe lambro, xe ba bánh một thời. |
Cần phải khẳng định, đề xuất nhập xe túc - túc không phải là một ý tưởng mới của HHVT. Cách đây không lâu, UBND TP Hà Nội đã có chủ trương giao Sở GTVT và Tổng Công ty Vận tải Hà Nội nghiên cứu, tổ chức khai thác các loại xe vận tải hành khách có sức chứa dưới 12 chỗ ngồi. Thời điểm hiện tại, độ phủ của mạng lưới xe buýt tại khu vực nội đô khá dày đặc. Nếu tổ chức thêm một mạng lưới xe túc - túc với nhiệm vụ "gom" khách tại khu vực vành đai trong khi các phương tiện cá nhân vẫn được phép lưu hành sẽ khiến giao thông càng thêm phức tạp. Chưa kể, ai có thể bảo đảm khi tham gia giao thông, xe túc - túc chỉ chạy trong các tuyến đường liên thôn, liên xã, liên huyện hay lại "vượt rào" trở thành những chiếc xe lam, xe ba gác biến tướng thuở nào?
Anh Nguyễn Quang Huy, một sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải tỏ ra băn khoăn: Hơn chục năm trước chúng ta đã nhìn thấy những bất cập do loại hình xe lam gây ra và cấm lưu hành phương tiện này, nay không có lý do gì lại cho nó "hồi sinh" dưới cái tên "túc - túc"!? Sự xuất hiện của xe túc - túc sẽ làm ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị. Nói xe túc - túc gọn nhẹ là không đúng, bởi diện tích của một chiếc xe túc - túc gấp 2 lần xe máy trong khi sức chứa chỉ tương đương, xe thường xả rất nhiều khói bụi, gây ô nhiễm môi trường, lại rất dễ bị lật khi đi vào đường xấu…
Không nên nóng vội
Đề xuất đã được đưa ra. Dư luận đã lên tiếng. Xét trên tổng thể, hầu hết số người được hỏi hoặc lên tiếng đều chưa đồng thuận với đề xuất của HHVT. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, đây mới chỉ là đề xuất, là ý tưởng của HHVT chứ chưa có gì mang tính quyết định. Theo ông Hùng, việc được nhập khẩu và lưu hành hay không còn có nhiều ràng buộc về quy định như Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải cũng như các chế tài của Luật Giao thông đường bộ. Ông Hùng cho rằng, ngay cả việc nhập những chiếc xe điện phục vụ du lịch xanh quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và phố cổ cũng phải được nhiều cấp đồng ý. Vì vậy, việc nhập một loại xe có nhiều đặc thù như xe túc - túc là điều không thể nóng vội.
Nhìn nhận ở góc độ khác, anh Phạm Ngọc Đức (phường Quảng An, quận Tây Hồ) cho rằng, trường hợp xe túc - túc được nhập khẩu và lưu hành tại Việt Nam thì ai sẽ là người điều khiển nó khi quy định về cấp phép lái xe cho loại xe này cũng giống như các loại xe 3 bánh khác, phải sử dụng giấy phép lái xe hạng A2 hoặc A3, loại giấy phép cấp cho người điều khiển xe từ 250 phân khối trở lên? Cùng chung quan điểm, Tiến sỹ Khuất Việt Hùng, Viện phó Viện Quản lý và Quy hoạch giao thông vận tải khẳng định, túc - túc là loại xe không có năng lực vận tải lớn, chỉ chở được ít người do đó khó có thể bảo đảm được việc vận chuyển người từ khu vực liên thôn, liên xã đến các điểm đỗ xe buýt.
Trao đổi với phóng viên Hànộimới, đại diện Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho biết, theo Quyết định 3462/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, cơ quan này đã có đề án "Phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Thủ đô Hà Nội đến năm 2015, định hướng đến năm 2020" và đã được phê duyệt. Theo đó, đơn vị này đã có quy hoạch chi tiết hệ thống bến bãi, điểm dừng đỗ, điểm đầu cuối và các điểm trung chuyển với khoảng 15 điểm trung chuyển lớn, 54 điểm đầu cuối và hơn 1.500 điểm dừng đỗ cùng với hơn 300 nhà chờ cho người tham gia giao thông bằng xe buýt. Khách quan hơn, đơn vị này cũng thừa nhận, hiện nay có khoảng 38% khách đi xe buýt phải đi bộ trên 500m để đến được điểm dừng xe buýt. Thậm chí một số khu vực nội thành vẫn trắng xe buýt, nhất là những khu dân cư nằm sâu trong ngõ hẹp như ngõ chợ Văn Chương, Nguyễn Ngọc Nại… hay một số vùng xa trung tâm thành phố sau mở rộng. Tuy nhiên, vị đại diện Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cũng khẳng định, khi giai đoạn 2 của đề án được thực hiện, sẽ có 100% các xã, trung tâm thị trấn, khu đô thị, khu công nghiệp và trung tâm liên xã có xe buýt. Ngoài ra, đề án sẽ nghiên cứu phát triển hệ thống sử dụng xe buýt nhỏ gom khách từ các phố, ngõ sâu ra các tuyến xe buýt chính. Đồng thời tăng cường xe buýt chuyên chở học sinh, mở thêm vé tháng chuyên phục vụ cán bộ, công nhân viên chức thuộc các cơ quan, xí nghiệp, khu công nghiệp…
Hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông đô thị là điều cần phải làm. Việc đưa ra sáng kiến bằng nhiều hình thức khác nhau, từ việc chủ động của các cơ quan đến việc tham vấn ý kiến của các nhà khoa học là điều nên làm và rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, với đề xuất nhập khẩu, lưu hành xe túc - túc của HHVT, nếu không được các cơ quan chức năng xem xét thấu đáo thì rất có thể nảy sinh nhiều vấn đề liên quan, gây hậu quả khó lường.