Một nữ hành khách người Việt bị nhà chức trách hàng không Việt Nam (HKVN) cấm bay nhưng vẫn sang được Nga bằng đường hàng không. Sự việc này làm dấy lên quan ngại về công tác phối hợp của các cơ quan chức năng...
Sự việc hy hữu trên xảy ra đối với hành khách Phạm Thị Thu Thủy (36 tuổi, ngụ TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Bà Thủy bị Cục HKVN ra quyết định cấm bay có thời hạn 6 tháng, hiệu lực từ ngày 16-9-2017 đến hết ngày 15-3-2018. Hết thời hạn cấm bay, nếu bà Thủy đi lại bằng đường hàng không phải tuân thủ sự kiểm tra trực quan bắt buộc trong 6 tháng tiếp theo.
Theo quy định, trong thời gian cấm bay, hành khách không được sử dụng dịch vụ của bất cứ hãng hàng không nào có đường bay đến/đi từ Việt Nam. Thế nhưng mới đây, bà Thủy đã xuất cảnh trên chuyến bay SU291 của hãng hàng không Aeroflot (Nga) từ Hà Nội đi Moscow.
Sau khi phát hiện sự việc, Cục HKVN đã yêu cầu Hãng Aeroflot phải tổ chức rút kinh nghiệm về vụ việc; đồng thời có biện pháp thích hợp, hiệu quả để cảnh báo, phát hiện ngay đối tượng bị cấm vận chuyển khi đặt chỗ, làm thủ tục đi máy bay nhằm ngăn chặn kịp thời.
Kiểm soát an ninh hàng không đối với hành khách trước khi vào phòng chờ bay. |
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho biết, đây là lần đầu tiên xảy ra sự việc này. Vị giám đốc cũng cho hay, trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan thực hiện nhiệm vụ, trong đó có đơn vị kiểm soát an ninh của hãng bay, rồi đến an ninh sân bay.
Chính vì vậy, ngay sau khi phát hiện ra vụ việc, Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã rà soát và có quyết định xử phạt đối với an ninh sân bay. Cụ thể, nhân viên an ninh hàng không Đ.P.T và T.H.D.L xử phạt theo Điểm a, Khoản 3, Điều 15 Nghị định 147 về hành vi nhân viên hàng không thực hiện không đúng quy trình công tác, với số tiền phạt là 4 triệu đồng/người.
Nhân viên T.A.T. đại diện Hãng Hàng không Aeroflot cũng bị xử phạt theo Điểm a, Khoản 3, Điều 15 Nghị định 147 về hành vi thực hiện không đúng quy trình thực hiện công việc với số tiền là 4 triệu đồng/người.
Tuy nhiên, khi được hỏi về trách nhiệm của Cảng vụ trong tình huống này, ông Trần Hoài Phương lại cho rằng: “Người của Cảng vụ chỉ có chức năng kiểm tra giám sát, một ngày Cảng vụ chỉ có 1-2 người ở sân bay không thể bao quát hết”. Còn với hành khách, xử lý thế nào thì chúng tôi sẽ báo cáo lên Cục Hàng không.
Cục HKVN cho biết, năm 2017 có khoảng 40 lệnh cấm bay được ban hành - con số cao nhất từ trước đến nay. Theo báo cáo tổng hợp của các cảng vụ hàng không, lý do cấm bay xuất phát từ các hành vi vi phạm phổ biến là hành khách hút thuốc lá trong buồng vệ sinh trên máy bay; không tuân theo hướng dẫn về bảo đảm trật tự, an ninh…
Nếu phát hiện có tiếp tay sẽ chuyển cơ quan công an xử lý
Theo quy định, lệnh cấm bay của Cục HKVN ban hành sẽ được gửi đến nhiều cơ quan để phối hợp thực hiện trong toàn bộ 21 cảng hàng không cả nước.
Đó là các hãng hàng không trong và ngoài nước, Tổng Công ty Cảng HKVN, các cảng vụ hàng không (cơ quan đại diện của Cục HKVN tại các sân bay), các cảng hàng không (đơn vị quản lý lực lượng an ninh hàng không), công an cửa khẩu, chi cục hải quan sân bay. Vậy đâu là nguyên nhân khiến bà Thủy "lọt lưới" xuất cảnh trong khi lệnh cấm bay vẫn còn hiệu lực?
Trao đổi với phóng viên, ông Tô Tử Hùng, Phó trưởng Phòng An ninh hàng không, Cục HKVN cho biết: Hành khách Phạm Thị Thu Thủy dù bị cấm bay nhưng không phải đối tượng tội phạm, khủng bố. Hành khách này bị phạt vi phạm hành chính vì trở thành hành khách gây rối.
Tuy nhiên, hành khách Thủy lọt qua nhiều lớp kiểm tra là trường hợp hi hữu, lần đầu tiên được phát hiện. Vì vậy, Cục HKVN đã giao Cảng vụ Hàng không miền Bắc tiến hành điều tra làm rõ xảy ra lỗi ở khâu nào để giải quyết gốc rễ vấn đề.
“Chưa rõ nguyên nhân cụ thể làm sao lọt. Hiện tượng ban đầu có thể chưa phát hiện được tên hành khách trùng với danh sách đen nên chưa đặt câu hỏi kiểm tra hành khách. Còn để kết luận do lơ là, yếu kém nghiệp vụ hay thông đồng thì còn phải chờ kết luận điều tra”, ông Hùng cho biết.
Cũng theo ông Hùng, sau khi có kết luận điều tra, liên quan đến cá nhân nào, cơ quan chủ quản của cá nhân đó sẽ xử lý về kỷ luật lao động. Còn Cục HKVN sẽ xử lý hành chính, xem xét những biện pháp bổ sung như đình chỉ giấy phép, thẻ hành nghề do Cục cấp. Nếu kết luận cho thấy có dấu hiệu hình sự, có hành vi tiếp tay thì sẽ chuyển giao cơ quan công an xử lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.