(HNM) - Một trong những tín hiệu tích cực của nền kinh tế là, 11 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đã đạt hơn 254 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2019; xuất siêu hơn 20 tỷ USD. Con số 31 mặt hàng, nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD cho thấy, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã, đang khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ đầu năm đến nay, rõ ràng xuất khẩu đã nổi lên là điểm sáng, bệ đỡ quan trọng thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả này có được là nhờ sự chỉ đạo, điều hành, tận dụng tốt các cơ hội trong phát triển và mở rộng thị trường, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu của ngành chức năng và cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu. Việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đã có tác động mạnh mẽ, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh. Sau những chập chững của buổi đầu hội nhập, xuất khẩu Việt Nam đã dần tự tin hướng ra "biển lớn".
Năm 2020 sắp kết thúc, khó có thể hiện thực hóa mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 300 tỷ USD, nhưng đủ cơ sở để tin tưởng, xuất khẩu sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Trước mắt, giải pháp trọng tâm cần ưu tiên triển khai là đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường sớm khôi phục sau đại dịch Covid-19. Trong đó, ngành chức năng cần tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định chủng loại hàng hóa mà các nước có nhu cầu nhập khẩu và Việt Nam có lợi thế cạnh tranh.
Trước những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, cần nắm bắt rõ những vướng mắc, khó khăn đối với từng ngành, lĩnh vực, từng doanh nghiệp để có biện pháp, đối sách cụ thể, tạo thuận lợi cho xuất khẩu. Ngoài ra, cần tiếp tục quan tâm những vấn đề khác như cải cách thủ tục hành chính; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; có chính sách ưu đãi về vốn vay, thuế đối với doanh nghiệp xuất khẩu…
Về lâu dài, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa được ký kết, đang mở ra dòng chảy thương mại rộng lớn giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Để tận dụng được cơ hội, cơ quan chức năng cần tăng cường hướng dẫn, đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn giúp cộng đồng doanh nghiệp nắm rõ “luật chơi” từ các hiệp định.
Bên cạnh đó là tiếp tục xây dựng chương trình phát triển thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng và lợi thế như nông sản, dệt may, điện thoại và linh kiện, gỗ và sản phẩm gỗ…; phát triển và hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế để hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam. Quan tâm và chú trọng hơn việc kết nối với doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài để giúp doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Về phần mình, cộng đồng doanh nghiệp phải tiếp tục nâng cao năng lực quản trị và việc này phải đặt trong mối tương quan với các doanh nghiệp quốc tế. Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, tổ chức sản xuất hợp lý, nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm giá thành sản phẩm xuất khẩu cạnh tranh, đáp ứng được yêu cầu của thị trường nước ngoài.
Vượt qua bỡ ngỡ ban đầu, "con thuyền" hàng xuất khẩu Việt Nam đang thích ứng dần với "sóng gió", nỗ lực tiếp tục mở rộng thị trường, phát triển bền vững, hòa mình vào "biển lớn" hội nhập và tự tin tiến lên...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.