(HNM) - Sáu năm sau lần đầu tiên vô địch Đông Nam Á, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam mới có dịp đăng quang lần thứ hai tại giải đấu này khi vượt qua Myanmar 4-3 trong loạt đá luân lưu 11m ở trận chung kết vào tối 22-9.
Niềm vui chiến thắng của các nữ tuyển thủ Việt Nam.Ảnh: Quang Nhựt – TTXVN
Chiến thắng nhọc nhằn!
Đúng như dự báo, Đội tuyển nữ Việt Nam đã không thể chiến thắng Myanmar trong thời gian thi đấu chính thức. Màn trình diễn của Myanmar trong trận bán kết khi vượt qua Thái Lan đã cho thấy sức mạnh của đội bóng này. Chính những trải nghiệm trong trận thua Việt Nam ở lượt cuối vòng bảng đã giúp Myanmar tìm được phương cách để đứng vững trước đội chủ nhà trong trận chung kết.
Các danh hiệu tại Giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á 2012: Vô địch - Việt Nam, nhì - Myanmar, ba - Thái Lan. Giải phong cách: Lào. Với chức vô địch Đông Nam Á 2012, đội tuyển Việt Nam được LĐBĐ Việt Nam thưởng 500 triệu đồng. Riêng thủ môn Kiều Trinh được thưởng 50 triệu đồng. |
Lối đá của Myanmar thực sự gây khó khăn cho các học trò của HLV Trần Vân Phát. Hệ thống phòng ngự của Myanmar được tổ chức chặt chẽ và đã hạn chế tối đa các pha đánh biên sở trường của các cô gái Việt Nam. Thể lực và ý chí thi đấu kiên cường cũng là những yếu tố quan trọng để Myanmar không bị thủng lưới trước Đội tuyển Việt Nam bất chấp việc mất ưu thế về tỷ lệ cầm bóng. Thậm chí, khi phải thi đấu thiếu người, Myanmar vẫn không bộc lộ những khe hở trong hệ thống phòng ngự để đối phương có thể khai thác.
Trước đối thủ thi đấu chặt chẽ như vậy, các học trò của HLV Trần Vân Phát không có cách nào để lấn lướt trước cầu môn. Hàng loạt giải pháp tấn công đã được thực thi nhưng không đủ sắc sảo để xuyên thủng mành lưới đối phương. Đây cũng là điều dễ hiểu vì Myanmar là đối thủ ngang tài ngang sức và có nhiều cầu thủ dày dạn kinh nghiệm thi đấu. Chính vì vậy, đội tuyển Việt Nam đành chấp nhận bước vào loạt đá luân lưu 11m đầy may rủi sau khi hòa 0-0 ở 120 phút thi đấu. Trong tập luyện, HLV Trần Vân Phát đã nhiều lần cho học trò tập sút 11m. Ông cũng có một con bài quan trọng khác trong thi đá 11m là thủ môn Đặng Kiều Trinh. Cuối cùng, sự chuẩn bị của HLV Trần Vân Phát đã mang lại hiệu quả. Các học trò của ông sút thành công trong cả 4 loạt sút còn Kiều Trinh đẩy được 1 cú đá 11m, giúp đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng 4-3. Cũng phải kể đến sự không may của Myanmar khi một cầu thủ đội này sút trúng cột dọc ở loạt sút thứ 4, qua đó mang lại lợi thế cho đội chủ nhà.
Chiến thắng trong loạt sút 11m đã mang lại chức vô địch AFF thứ hai cho đội tuyển Việt Nam. Ở trận tranh giải ba, Thái Lan đã chiến thắng tới 14-1 trước đội tuyển Lào.
Tự tin hướng đến tương lai
Hai năm trước, đội tuyển Việt Nam bắt đầu có sự thay đổi lực lượng khi chia tay hàng loạt công thần. Những Nguyễn Thị Muôn, Nguyễn Thị Hòa, Minh Nguyệt, Đặng Kiều Trinh, Ngọc Anh, Kim Hồng… trở thành trụ cột để kết hợp với hàngloạt cầu thủ trẻ khác. Sự kết hợp ấy ban đầu có những chệch choạc nhất định khiến thành tích của đội tuyển đi xuống. Điển hình nhất là việc đội tuyển Việt Nam chỉ đoạt HCĐ tại AFF Cup 2011 và có thể coi đó là khoảng lặng của bóng đá nữ Việt Nam. Nhưng HLV Trần Vân Phát vẫn kiên định với đường đi của mình để rồi cuối cùng đã thành công.
Lớp cầu thủ hiện nay của đội tuyển Việt Nam đủ sức thi đấu đỉnh cao trong vài năm nữa. Và với chức vô địch Đông Nam Á, đội tuyển Việt Nam có thể hy vọng trụ vững ở đỉnh cao khu vực cũng như thực hiện mục tiêu lọt vào nhóm 8 đội mạnh nhất châu lục. Và vấn đề quan trọng là cách đầu tư cho đội tuyển để cầu thủ yên tâm công hiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.