(HNM) - Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong ba ngày tổ chức chương trình đổi mũ bảo hiểm (MBH) tại nội thành Hà Nội, đã có hàng chục nghìn lượt người hưởng ứng với hơn 40.000 MBH đạt chuẩn đến tay người tiêu dùng.
Tại điểm đổi MBH của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Á Long ở vườn hoa Vạn Xuân (quận Hoàn Kiếm), người đến đổi mũ rất đông. Sau khi xếp hàng khá lâu để nộp hai mũ không đạt chuẩn, chị Lê Thị Hòa, ở phố Nguyễn Trường Tộ, mới có được mảnh giấy ghi họ tên, địa chỉ của mình để đổi hai MBH đạt chuẩn. Hôm trước, sau 3 lần xếp hàng ghi giấy, chị vẫn không mua được mũ vì cứ đến lượt là hết hàng. Rút kinh nghiệm, lần này chị đi từ sớm. Chị cho biết: Trước đây gia đình dùng toàn mũ không đạt chuẩn vì giá rẻ, hợp túi tiền, có bị mất cắp cũng không tiếc. Nhưng giờ đã hiểu chức năng bảo đảm an toàn của MBH, chị quyết định đổi mũ cho cả nhà.
Người dân tới đổi mũ bảo hiểm tại một điểm đổi mũ trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Đoàn Loan |
Nằm trên đường Cầu Giấy - khu vực tập trung nhiều trường đại học - ba điểm đổi MBH của Công ty Chí Thành thu hút rất đông thanh niên, sinh viên. Tại điểm đổi mũ ở 90 Cầu Giấy, anh Trần Anh Tuấn, sinh viên Trường Đại học Công nghiệp, cầm chiếc túi to đựng 6-7 chiếc mũ không đạt chuẩn. Vẻ mặt đăm chiêu, Tuấn cho biết, được người nhà thông tin về chương trình đổi MBH, Tuấn đi đổi mũ, nhân thể cầm mũ của các bạn nhờ đổi hộ. Tưởng MBH đã được trợ giá, chỉ mất 50.000 đồng đến 70.000 đồng là có mũ mới, nên giờ Tuấn không có đủ tiền. Hơn nữa, là sinh viên, không phải ai cũng có tiền đổi MBH ngay. Sau khi gọi điện thoại hỏi ý kiến các bạn, Tuấn dồn hết tiền đổi hai MBH. Giống như Tuấn, anh Phạm Văn Hiền, công nhân xây dựng ở phố Đội Cấn, cũng đành tiu nghỉu quay về với chiếc túi đựng hai chiếc mũ không đạt chuẩn. Anh cho biết, trước mua MBH không đạt chuẩn vì không hiểu biết và thấy nhiều người cũng đội mũ loại này. Mấy lần xem phóng sự truyền hình, thấy tác hại của mũ không đạt chuẩn, lại nghe tin sẽ bị phạt nếu đội, anh đã dành hẳn một buổi để đi đổi mũ cho cả gia đình. Nhưng để có tiền đổi MBH cho an toàn mỗi khi ra đường, anh sẽ phải tính toán lại các khoản chi tiêu... Chỉ tiếc là nếu không đổi được đợt này, anh sẽ phải chi thêm không ít tiền mới có thể trang bị MBH đạt chuẩn cho bố mẹ và bản thân.
PGS-TS Ngô Văn Toàn, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Việt - Đức) cho biết, chuyên cấp cứu, chữa trị các chấn thương, ông và đồng nghiệp rất tiếc cho những người chỉ vì thiếu hiểu biết, không ý thức đúng tầm quan trọng của chiếc MBH mà phải trả giá bằng sinh mạng hoặc cuộc đời tàn phế của mình. Chỉ vì muốn khoe mái tóc uốn nhuộm cầu kỳ, một nữ sinh không đội MBH đã phải trả giá quá đắt bằng cả đời sống thực vật do chấn thương sọ não từ một vụ tai nạn giao thông; chỉ vì không đội MBH cho đứa con trai 10 tuổi, một người cha đã ân hận suốt đời sau một vụ va chạm xe khiến con mình cả đời sống trong bóng tối…
Tại Việt Nam, hiện có gần 80% MBH không đạt chuẩn. Điều đó cho thấy, nhiều người đội MBH chỉ để đối phó với CSGT, đề cao hình thức mà quên đi an toàn sinh mạng, chất lượng sống của bản thân. Vì thế, nâng cao nhận thức chính là chìa khóa để thay đổi hành vi đội mũ không đạt chuẩn của người dân. Công tác tuyên truyền, phổ biến về lợi ích của MBH, tác hại của việc không đội MBH hoặc sử dụng mũ không đạt chuẩn phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, đủ để xây dựng thành ý thức của từng cá nhân.
Thành công từ chương trình đổi MBH đã bước đầu ghi nhận sự chuyển biến ý thức trong một bộ phận người dân, nhất là những người trẻ. Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: "Bên cạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức, thay đổi hành vi cho người dân, cơ quan chức năng sẽ quyết liệt xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH không đạt chuẩn". Hy vọng trong tương lai không xa, khi đã được nâng cao ý thức, người dân biết cách lựa chọn cho mình những chiếc MBH đúng tiêu chuẩn vì sự an toàn của bản thân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.