Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ tâm như suối nguồn không cạn!

Thanh Thủy| 01/10/2016 06:49

(HNM) - Đó là một cụ bà tuổi xấp xỉ tám mươi, vóc dáng nhỏ nhắn và nụ cười hồn hậu. Bà được biết đến khắp phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) không chỉ bởi luôn hết lòng với các hoạt động xã hội mà còn vì luôn yêu thương, chia sẻ với những đứa trẻ mồ côi, thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn.


Giám đốc về phường làm từ thiện...

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới quãng đời công tác đầy sôi động của bà Tạ Thị Ngọc Thanh, người đã đi nhiều nơi, cống hiến sức lực, trí tuệ của mình cho sự nghiệp giáo dục của đất nước. Là giáo viên THCS, nhờ thành tích giảng dạy, bà Thanh được đề bạt hiệu trưởng rồi tiếp tục nhận nhiệm vụ ở một phòng giáo dục ngoại thành Hà Nội. Năm 1969, bà được cử đi học tại Liên Xô, chuyên ngành tâm lý xã hội. Với tấm bằng xuất sắc, bà về nước, đảm nhận công tác tại Viện Khoa học giáo dục Việt Nam… Ở cương vị nào, bà cũng hết lòng, hết sức với công việc được giao phó. Được nghỉ ngơi sau gần 10 năm làm Giám đốc Làng trẻ SOS TP Hà Nội, nhưng phần đời sau này của bà Thanh cũng sôi nổi không kém khi còn công tác.

Bà Tạ Thị Ngọc Thanh - một trong 9 cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú năm 2016”.


Chưa đầy một năm sau khi nghỉ hưu, bà Thanh tham gia công tác đảng tại nơi cư trú, là Bí thư Chi bộ số 1B kiêm Tổ trưởng Tổ dân phố số 2 phường Dịch Vọng Hậu. Cần mẫn, tận tâm với công việc, bà góp phần không nhỏ vào thành tích chung của tập thể, đưa Chi bộ nhiều năm liền đạt danh hiệu Chi bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu; Tổ dân phố đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc… Lấy công tác xã hội làm vui, bà Thanh còn tham gia vào Hội Chữ thập đỏ rồi Hội Khuyến học của phường. Lúc bấy giờ, Hội Chữ thập đỏ của phường Dịch Vọng Hậu chỉ với vài ba cụ là cán bộ nghỉ hưu tham gia, không có nguồn tài trợ, kinh phí eo hẹp nên hoạt động không hiệu quả. Gặp gỡ các cháu nhỏ trong phường, bà và các thành viên khác trong Hội không khỏi đau lòng khi biết có những em nhỏ khát khao học tập nhưng hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, nhiều em bố mẹ mất sớm, phải tự mình bươn chải… Bà Thanh như thấy lại chính mình trong hình ảnh ấy và mong muốn làm gì đó để giúp đỡ các em, mang đến cho các em sự quan tâm, đùm bọc nhất khả năng có thể.

Bà nhớ lại: “Những đứa trẻ gợi cho tôi phần kí ức khó khăn của thời thơ ấu khi mới 5-7 tuổi, cha mẹ đã lần lượt qua đời. Dù được người thân coi sóc, song nhiều việc tôi vẫn phải tự mình vật lộn, nhất là cảm giác cô đơn, buồn tủi, chẳng dễ gì vượt qua. Thương các cháu, tôi tự nguyện gom góp, dành dụm, để từng tháng, từng năm có chút quà gửi tặng nhằm giúp trẻ vợi bớt những thiệt thòi, thiếu thốn”.

Ý nguyện ấy được bà Thanh bền bỉ thực hiện suốt hơn 20 năm qua bằng nguồn tiền phụ cấp ít ỏi và một phần lương hưu mà bà dành dụm được. Bà kể: “Cân đối số tiền gom góp được mỗi tháng, mỗi năm, tôi nhận đỡ đầu khoảng 14-15 trẻ nhỏ có hoàn cảnh khó khăn cho tới khi các cháu tròn 18 tuổi. Khi đó, khoản trợ cấp này lại tiếp tục được dành cho em nhỏ khác. Dù không nhiều nhặn gì nhưng tôi mong số tiền ấy sẽ mang lại những ý nghĩa lớn hơn giá trị vật chất, giúp các cháu cảm nhận được tình cảm ấm áp, sự quan tâm tôi dành cho các cháu”.

Từ khoản trợ cấp ban đầu là 5-6 trăm nghìn đồng/cháu/năm, qua bao năm, số tiền bà dành tặng trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn cũng tăng dần lên, hiện giờ đang ở mức 1,2 triệu đồng mỗi cháu. Bà tâm sự: “Mấy tháng nay tôi đang nhẩm tính cố sao để năm tới, mỗi trẻ sẽ được nhận khoản tiền là 1,5 triệu đồng. Một mình xoay xở, tích cóp cũng có cái khó, song cứ nghĩ đến niềm vui của các cháu tôi lại có thêm động lực”.

... Và những “trái ngọt đầu mùa”

Suốt bao năm chắt chiu gom góp từng đồng gửi cho những đứa trẻ “vì cơm áo gạo tiền phải loay hoay sự học”, bà Thanh không nhớ nổi số trẻ đã được nhận quà từ nguồn quỹ do mình gây dựng. “Không, tôi chẳng thể nhớ nổi đã gửi quà cho bao nhiêu cháu nữa”, bà Thanh chia sẻ: “Vì không chỉ trẻ ở phường, quận này mà còn có cả những cháu ở các địa phương, tỉnh thành khác... Hoàn cảnh của các cháu tôi nắm bắt được qua các kênh thông tin, như: “Địa chỉ sẻ chia”, “Nhịp cầu trái tim nhân ái” của Báo Hànộimới; “Cặp lá yêu thương” của Đài Truyền hình Việt Nam... cứ thấy cần và trong khả năng của mình là tôi sẽ tìm cách hỗ trợ. Tôi cũng chưa từng mảy may nghĩ mình đã giúp được bao nhiêu người, cho đi bao nhiều tiền rồi. Điều tôi mong mỏi nhất chính là những cố gắng bao lâu nay sẽ thực sự mang lại ý nghĩa nhất định nào đó cho cuộc sống của các cháu”.

Đúng với tâm nguyện của chủ nhân, sự động viên kịp thời, bền bỉ suốt bao năm từ “Quỹ bà Thanh” đã giúp biết bao trẻ em nghèo vượt khó được viết tiếp giấc mơ học hành, vốn có nguy cơ dang dở. Từ nguồn động viên này, nhiều em đã nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, số phận, đạt thành tích học tập xuất sắc, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trong nước, được nhận học bổng du học nước ngoài, thậm chí có bạn đã đạt học vị tiến sĩ. Ngay trong năm học mới này, bà Thanh một lúc nhận hai tin vui khi có tới hai em nhiều năm được nhận trợ cấp của bà, đã được nhận học bổng đi du học tại Anh và Tây Ban Nha. Bà xúc động: “Nhận được tin vui, tôi mừng đến rớt nước mắt. Mừng cho các cháu mà thấy lòng mình cũng nhẹ nhõm, thanh thản lắm. Các cháu, vì kém may mắn mà gặp phải nhiều tai ương, khó nhọc trong cuộc sống nhưng không vì thế mà nản chí, từ bỏ ước mơ. Đi được đến chặng này rồi, tôi tin các cháu sẽ vững vàng vượt qua những khó khăn khác để trở thành người tốt, có ích cho đời. Đó chẳng phải là thứ đền đáp đáng quý nhất hay sao”.

Bà hồi tưởng: “Có lần, Nguyễn Thị Minh Phương, cô bé mất cả gia đình trong vụ tai nạn ở Thường Tín năm xưa, hiện giờ đã là du học sinh tại Tây Ban Nha, đã từng thắc mắc: “Tại sao bà cứ một mình chắt bóp, san sẻ cho chúng cháu? Bà có phải chịu thiếu thốn nhiều không?”. Tôi chỉ cười và nói với cháu rằng, tôi mong các cháu biết, trong xã hội còn rất nhiều người quan tâm, yêu thương, mong muốn các cháu nên người. Nguồn quỹ của tôi hiện giờ vẫn không đáng ngại. Tôi vẫn du di, tính toán được để con trẻ yên lòng”.

Hơn 20 năm sống bằng lương hưu và phụ cấp, bà giáo già Tạ Thị Ngọc Thanh vẫn lạc quan khẳng định “nguồn của bà không đáng ngại”, cũng chính bởi lòng nhân từ của bà chưa khi nào vơi cạn. Về thăm bà vào một ngày công tác phường, hội của bà đã bớt bận bịu, bà Thanh ngồi chuyện trò với chúng tôi trong căn phòng giản dị nhưng ấm cúng, chốc chốc, tôi lại thấy bà cười, nụ cười thật hiền hậu, thanh thản. Với những hy sinh thầm lặng đó, bà Tạ Thị Ngọc Thanh là một trong 9 cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú năm 2016”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ tâm như suối nguồn không cạn!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.