(HNM) - Từ biểu diễn ở sân đình đến rạp hát là bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển các hình thức nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Mặt khác, việc ra đời rạp hát cũng làm thay đổi thói quen thưởng thức nghệ thuật của người dân, khi Hà Nội được đô thị hóa theo kiểu phương Tây vào đầu thế kỷ XX.
Rạp Công nhân, “đại bản doanh” của Nhà hát Kịch Hà Nội được tu sửa hiện đại để phục vụ khán giả Thủ đô. Ảnh: Linh Tâm |
Rạp dành cho chèo là Sán Nhiên Đài ở giữa phố Đào Duy Từ (sau đổi thành Lạc Việt rồi Hiệp Thành và bị cháy trụi vào năm 1989). Ghế dành cho người ngồi làm bằng tre, không có tựa lưng. Ban đầu rạp này chuyên diễn chèo cổ nhưng do thưa khách cho đến khi trùm chèo xứ Đông là Nguyễn Đình Nghị thâu tóm rạp thì mọi chuyện bắt đầu khác. Nguyễn Đình Nghị thay đổi phong cách diễn, có thêm phông màn, cảnh trí, đồng thời ông soạn lại các tích chèo cổ thành vở với lớp lang và gọi là chèo văn minh. Chính ông là người đưa chèo từ sân đình ra diễn ở rạp, nói theo từ ngữ chuyên môn, từ sân khấu 3 mặt, Nguyễn Đình Nghị đưa chèo vào diễn sân khấu 2 mặt. Nửa đầu những năm 1930, chèo văn minh không còn thu hút khán giả, một lần nữa Nguyễn Đình Nghị lại chuyển sang chèo cải lương. Nghĩa là hát chèo theo giai điệu của cải lương và sự đổi thay này khiến Sán Nhiên Đài lại trở thành tâm điểm của khán giả yêu thích chèo. Tính từ năm 1915 đến 1948, Nguyễn Đình Nghị đã soạn lại và viết mới tới 60 vở chèo, đó là một con số kỷ lục. Có một rạp cũng diễn chèo là Tam Kỳ (sau đổi thành Lạc Thiện, nay là Nhà hát Chèo) ở Kim Mã thiết kế theo kiến trúc Pháp. Hà Nội cũng có một rạp dành riêng để biểu diễn ca nhạc đó là Philharmonique (nay là rạp rối nước phố Đinh Tiên Hoàng).
Sự ra đời rạp này có công lớn của Hội Âm nhạc (Société Philharmonique) vì nhiều lần kiến nghị Hội đồng thành phố. Hội này thành lập năm 1885 do sáng kiến của một thầy thuốc, trụ sở ban đầu đặt ở phố Tràng Thi nhưng họ không có rạp và mỗi lần muốn biểu diễn, họ phải mượn đền Bà Kiệu hay trước cửa đền Ngọc Sơn. Sau khi Công sứ Bonnal quyết định xây rạp hát để phục vụ binh lính, người Pháp sinh sống ở Hà Nội thì người ta tiến hành ngay và Philharmonique hoàn thành vào năm 1889. Từ khi có rạp, đây là nơi chủ yếu dành cho chơi nhạc, ngoài ra còn khiêu vũ, tổ chức liên hoan hoặc cho các gánh hát. Khoảng năm 1939, rạp vừa cho thuê biểu diễn ca nhạc vừa tổ chức chiếu phim. Vì các hàng ghế phía cuối là băng nên giá vé thuộc loại rẻ nhất trong các rạp thời đó. Năm 1932, gánh cải lương Phước Cương đi hát ở Paris về, ra Hà Nội đã thuê Philharmonique để diễn. Người ta đổ xô đi mua vé xem cô Năm Phỉ đóng vai Bàng Quý Phi.
Nói đến rạp ở Hà Nội không thể không nói đến rạp diễn kịch nói. Đêm 16-3-1885, lần đầu tiên người Pháp đã tổ chức diễn kịch nói ở Hà Nội, sân khấu là nền đất trước cửa đền Ngọc Sơn, ba phía che bằng liếp. Nhóm diễn viên chỉ có vợ chồng Deschamps là chuyên nghiệp từ Pháp sang, còn lại là diễn viên nghiệp dư. Đêm diễn này là gợi ý cho việc ra đời một nhà hát ở Hà Nội. 4 năm sau, năm 1889, Hội đồng thành phố đã họp và quyết định xây dựng nhà hát. Vị trí được chọn là đầm thuộc đất của hai làng Thạch Tần và Tây Luông giáp ranh với làng Cựu Lâu, thuộc tổng Phúc Lân, huyện Thọ Xương. Thiết kế nhà hát là của hai kiến trúc sư Voyer và Harley người Pháp. Công trình được khởi công vào ngày 7-6-1901 và khánh thành vào ngày 9-12-1911 với vở hài kịch "Chuyến đi của ông Perrichon" (Le voyage de M.Perrichon) do nhóm kịch nghiệp dư gồm những người Pháp đang sống và làm việc ở Hà Nội diễn. Dù đã hoàn thành nhưng sân khấu trống trơn không có màn kéo cũng như bất cứ thiết bị nào phục vụ cho trang trí phông cảnh; để khắc phục, một diễn viên vốn là bác sỹ thú y đã nghĩ ra cách mua vải thô may lại đủ rộng rồi cho vẽ cảnh Hồ Gươm có Tháp Rùa làm màn kéo.
16 năm sau, tấm màn kéo bằng vải thô có hình Tháp Rùa được thay thế bằng vải sa tanh và đến năm 1932 mới thay bằng nhung theo kiểu của sân khấu Italia. Đêm 22-10-1921, một sự kiện quan trọng diễn ra tại Nhà hát Lớn đó là ra mắt vở kịch "Chén thuốc độc" của Vũ Đình Long. "Chén thuốc độc " là vở diễn đầu tiên "trong văn học sử nước ta về việc diễn kịch theo lối mới và thuần nhiên dùng văn ta tả những cảnh xã hội ta". Vở kịch do diễn viên Việt Nam thủ vai lần đầu là vở "Người bệnh tưởng" (của Molière) do Nguyễn Văn Vĩnh dịch, diễn tại Nhà hát Lớn vào đêm 20-4-1920. Nhà hát không còn một chỗ trống và nhận được nhiều lời khen của các báo. Rạp Quảng Lạc sau này cũng diễn kịch nói. Nhìn chung hầu hết các rạp sử dụng điện phục vụ ánh sáng cho sân khấu sau khi Nhà máy Điện Yên Phụ hoàn thành. Để thu hút khán giả, các chủ rạp cho lắp quạt trần và quảng bá vở diễn cũng như rạp hát của mình bằng băng rôn căng trên các phố, đồng thời quảng cáo trên các báo lớn với nhiều chiêu trò gây tò mò cho dân chúng.
Đầu năm 1947, Pháp tái chiếm Hà Nội, dân phố tản cư về các vùng quê, nhiều nghệ sỹ cũng theo gia đình, một số gánh hát về diễn ở nông thôn cầm cự chờ ngày trở lại Hà Nội nên các rạp phải đóng cửa. Đầu năm 1948, dân lác đác về và Hà Nội đông đúc trở lại. Các rạp lại sáng đèn. Nhật Tân ban vẫn diễn ở Quảng Lạc, Tố Như ban diễn ở Văn Lang, Đại Quốc Hoa diễn ở rạp Olympia (nay là rạp Hồng Hà ở phố Hàng Da), Ái Liên diễn ở rạp Hiệp Thành, chèo Quảng Tâm ban diễn ở rạp Lạc Thiện, cải lương Đan Thanh diễn ở rạp Lạc Thanh Đài (phố Bạch Mai, sau rạp này chuyển thành rạp chiếu bóng). Các chủ rạp tuy kinh doanh nhưng từ năm 1945 đến ngày 19-12-1946, họ đã cho các ban vào diễn kịch đề tài cách mạng (tổng cộng diễn 25 vở) không hề lấy tiền mà còn bỏ tiền quảng bá cho vở diễn. Không tính các rạp chiếu phim, tính riêng các rạp hát đến năm 1954 Hà Nội có tới ngót nghét hai chục rạp, trong khi dân số khu vực nội đô năm 1930 là 15 vạn, năm 1936 là 20 vạn, năm 1942 là 30 vạn và năm 1954 là 53 vạn, chứng tỏ nhu cầu thưởng thức sân khấu, ca nhạc của người Hà Nội rất lớn.
Vào những năm 1960, khu Đấu xảo (nơi tổ chức triển lãm thuộc địa đầu tiên vào năm 1902) được cải tạo thành Nhà hát nhân dân, một sân khấu biểu diễn ngoài trời vào loại lớn nhất Thủ đô lúc bấy giờ. Sau này Công đoàn Liên Xô xây tặng cho nhân dân Hà Nội một cung văn hóa làm nơi sinh hoạt, giải trí, vị trí được chọn chính là Nhà hát nhân dân. Công trình do kiến trúc sư Isakovitch thiết kế, được khởi công vào ngày 1-1-1978, khánh thành 1-9-1985. Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô là công trình quy mô gồm tòa nhà lớn 4 tầng cao 33m, dài 96m, rộng 60m, một tòa nhà 3 tầng song song với ngôi nhà lớn, nối liền với nhau bằng một nhà mái bằng có sân thượng. Có nhiều phòng lớn, nhỏ khác nhau thích hợp với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, tổ chức hội nghị, hội thảo. Phòng lớn nhất có 1.194 chỗ ngồi. Đây là công trình thấm đẫm tình cảm hữu nghị Việt - Xô.
Hiện tại nhiều rạp cũ đã xuống cấp và chuyển đổi mục đích sử dụng thì nhiều rạp mới cũng được xây dựng ở Hà Nội như: Nhà hát Ca múa nhạc, Nhà hát Kịch nói trung ương, Nhà hát Kịch Hà Nội... với trang thiết bị hiện đại, đáp ứng cho hoạt động nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, với dân số gần 7 triệu người, Hà Nội còn quá ít rạp. Nhiều khu đô thị mới hình thành với hàng chục vạn dân nhưng không hề có rạp hát hay chiếu phim. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người dân Thủ đô mà còn kéo dài mong muốn phát triển Hà Nội là thành phố văn hóa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.