(HNM) - Chuyện kể lại, khi xưa nhà vua đi tuần qua làng Linh Chiểu, xã Sen Chiểu, Phúc Thọ, thấy người dân đều ăn món rau muống. Sau khi kêu người làm, nhà vua hết sức kinh ngạc bởi vị ngon đặc biệt của món ăn dân dã này.
Nông dân xã Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ trồng rau muống tiến vua. Ảnh: Đỗ Minh
Sau khi rau muống Linh Chiểu dâng vua, tên gọi rau muống tiến vua có từ đấy và trở thành đặc sản. Tuy nhiên, rau muống tiến vua đang bị lãng quên và nguy cơ mất giống. Nhận ra giá trị văn hóa cũng như hiệu quả kinh tế, năm 2009, Công ty Đầu tư và PTNN Hà Nội phối hợp với xã Sen Chiểu khôi phục và nhân rộng giống rau này.
Món ăn đặc sản
Theo chân cán bộ Công ty Đầu tư và PTNN Hà Nội xuống thăm cánh đồng rau muống tiến vua trên 2ha do công ty khôi phục và nhân giống tại xã Sen Chiểu, chúng tôi chứng kiến một màu xanh ngút ngàn trên cánh đồng. Ông Phùng Văn Bản, Phó Chủ nhiệm HTX Sen Chiểu cho biết, rau muống tiến vua Linh Chiểu khác với rau muống thông thường cả về màu sắc, cách gieo trồng và cả cách hái. Đất trồng rau này là loại đất được làm thật nhuyễn, bón một lớp phân chuồng rồi bừa lại, sau đó mới cấy rau. Mỗi cây rau được cấy cách nhau 30x30cm (rau thường chỉ 15x15cm), giữ mực nước mặt ruộng từ 3-5cm, sau một tuần, những ngọn rau đã vươn dài 30-40cm. Ngọn nào cũng non, trắng, thẳng, vươn dài trên mặt nước. Theo các cụ tiền bối trong làng, một trong những yếu tố quan trọng làm nên hương vị đặc biệt của rau ở đây là nước. Linh Chiểu nằm sát tuyến đê, được hưởng mạch nước sủi trong vắt và phù sa bồi đắp.
Tuy nhiên, hiện ở Sen Chiểu chỉ còn rất ít hộ trồng rau muống này, vì tốn nhiều công sức nên họ chuyển sang trồng rau muống thường dễ chăm sóc, chi phí thấp, thu hoạch nhanh. Để giữ giống rau quý bản địa này, Công ty Đầu tư và PTNN Hà Nội đầu tư, khôi phục và sản xuất rau muống tiến vua. Năm 2009, công ty cử cán bộ xuống chọn giống, trực tiếp cấy và nhờ vào kinh nghiệm của các cụ già trong làng. Rau muống tiến vua được sản xuất theo kỹ thuật trồng rau sạch, bảo đảm an toàn. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Phan Minh Nguyệt cho biết, để khôi phục lại giống rau quý này phải tốn rất nhiều công sức và kinh phí. Nếu là mô hình kinh tế cho lợi nhuận cao thì rau muống tiến vua không được chọn, việc khôi phục giống rau này là ước mơ giữ gìn văn hóa và cũng là cơ hội để nâng cao thu nhập. So với trồng lúa, trồng rau muống tiến vua cho thu nhập gấp 5-6 lần.
Mở rộng vùng rau an toàn
Dự án khôi phục giống rau muống tiến vua được công ty tiến hành từ năm 2009 đến năm 2010, hiện đã được công bố thương hiệu. Để góp phần xây dựng đề án sản xuất RAT của TP, ngoài những dự án đã xây dựng, công ty triển khai dự án "Đầu tư sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ RAT tập trung tại xã Sen Chiểu" với diện tích 30ha, trong đó 20 ha trồng rau muống tiến vua đã được TP phê duyệt với sản lượng 380 tấn/năm. Theo các nhà kinh tế với lượng tiêu thụ 0,3kg/người/ngày và số dân Thủ đô khoảng 6,5 triệu người thì một ngày Hà Nội cần 1.950 tấn. Tuy nhiên, hiện RAT mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu. Công ty phấn đấu, đến năm 2015 đưa sản lượng tiêu thụ RAT trong TP lên 90.000 tấn/năm. Trong đó dự án RAT Sen Chiểu đóng góp khoảng 600 tấn/năm mà rau muống tiến vua là chủ lực Công ty sẽ phối hợp cùng địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất và tiêu thụ RAT. Công ty đặt hàng các chủng loại và lập kế hoạch cụ thể về thời gian thu hoạch, sản lượng, tiêu chuẩn chất lượng, dự kiến giá cả thu mua… Đặc biệt, công ty sẽ cử cán bộ giám sát việc trồng rau theo kỹ thuật từ sản xuất, sơ chế, đóng gói vận chuyển. Để làm tốt khâu bảo quản công ty đầu tư cho công nghệ sơ chế, bảo quản và chế biến đồng bộ để giảm chi phí vận chuyển, giảm hao hụt sau thu hoạch, bảo đảm chất lượng RAT. Bên cạnh đó, vấn đề tiêu thụ đầu ra cho nông dân được công ty hết sức quan tâm. Công ty sẽ phát triển hệ thống bán buôn. Đây là kênh được xác định là trọng điểm để tạo ra sản lượng tiêu thụ lớn. Sản phẩm sẽ được đóng gói với trọng lượng 30-50kg/thùng, có tem nhãn RAT. Bên cạnh đó, việc mở rộng mạng lưới bán lẻ cũng được đặc biệt quan tâm. RAT của nông dân sẽ được công ty thu mua hết để phân phối vào các bếp ăn, trường học, nhà hàng, siêu thị, chợ dân sinh...
Rau muống tiến vua nay đã được khôi phục, ước mơ cao hơn của công ty là mang đến người tiêu dùng món rau đặc sản nức tiếng một thời. Do đó, dự án RAT tại Sen Chiểu có thể là bước ngoặt lớn để rau muống tiến vua khẳng định thương hiệu của mình. Sản phẩm rau muống tiến vua được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận tháng 12-2010.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.