(HNM) - Mặc dù nhận được nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc tự xây dựng quy trình bổ nhiệm chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS), đến thời điểm này, Trường Đại học (ĐH) Tôn Đức Thắng vẫn khẳng định không dừng quy trình lại.
Tiêu chuẩn của trường cao hơn tiêu chuẩn nhà nước
Khi khẳng định vẫn tiếp tục xây dựng quy trình bổ nhiệm, ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng nêu cơ sở pháp lý quan trọng nhất, đó là Quyết định 158 của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 29-1-2015 phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của trường giai đoạn 2015-2017, cho phép trường thí điểm tự chủ toàn diện. Mà "thí điểm" - theo ông Danh - là làm những điều chưa có trong luật, trong đó có thí điểm việc bổ nhiệm nhân sự là chuyên gia, nhà khoa học vào các chức danh nghề nghiệp tại trường.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã gây xôn xao dư luận khi tự phong giáo sư, phó giáo sư. |
Ông Lê Vinh Danh cũng nhấn mạnh không dùng chữ "phong" mà dùng chữ "bổ nhiệm", coi đó là chức vụ nghề nghiệp chứ không coi là học hàm, học vị. Việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS nên là việc rất bình thường, như một sinh hoạt nghề nghiệp. Theo ông, nhà trường bổ nhiệm và tự chi trả chế độ nên sẽ không có chuyện bổ nhiệm những người không có khả năng. Hiện nay những quy định hiện hành nhằm hướng đến việc bổ nhiệm học hàm GS, PGS theo các tiêu chuẩn nhà nước quy định và được hưởng chế độ kể cả khi đã nghỉ hưu. Điều đó khác với điều nhà trường đang làm là bổ nhiệm chức vụ dạy học bên trong trường. Ngày nào người được bổ nhiệm còn dạy học trong trường và còn xứng đáng với tiêu chuẩn đó, thì còn được hưởng tiêu chuẩn, nhưng khi họ rời trường thì sẽ thu hồi chức vụ đó, chỉ còn là tiến sĩ.
Những ý kiến đồng tình với cách làm của Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng đưa ra lý lẽ: Theo thông lệ quốc tế, việc các trường ĐH tự xác định GS, PGS là bình thường. Những GS, PGS được trường ĐH nào xác định thường sẽ giới thiệu rõ tên tuổi kèm theo tên ngôi trường đó, chứ không nêu chung chung. Các trường tùy vào điều kiện của mình mà đặt ra các tiêu chuẩn cao, thấp khác nhau nên một GS, PGS của trường này hoàn toàn có thể không được trường khác công nhận. Đẳng cấp của GS sẽ được khẳng định qua vị thế của ngôi trường và xét về một góc độ khác, uy tín của ngôi trường cũng được khẳng định qua các GS, PGS mà họ xác định.
Về tiêu chuẩn để bổ nhiệm chức danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng Lê Vinh Danh nhấn mạnh: Bộ tiêu chuẩn của trường hiện nay cao hơn tiêu chuẩn xét học hàm có cùng tên của Hội đồng Chức danh GS nhà nước về chất và lượng, đã được tham khảo kỹ các trường ĐH nước ngoài cũng như có sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia. |
Làm sao để "tâm phục, khẩu phục"?
Một mặt, vẫn khẳng định việc tự bổ nhiệm chức danh như Trường ĐH Tôn Đức Thắng đang thực hiện là xu hướng tất yếu, nhưng nhiều chuyên gia đã đề cập đến những điểm chưa chặt chẽ về mặt pháp lý của quy trình mà trường đưa ra.
Trao đổi với báo chí, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh Mai Hồng Quỳ phân tích: Hiện nay, văn bản pháp luật điều chỉnh việc công nhận đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm và miễn nhiệm GS, PGS, ở Việt Nam vẫn có hiệu lực là Quyết định 174/2008/QĐ-TTg ngày 31-12-2008 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 20/2012/QĐ-TTg ngày 27-4-2012 sửa đổi, bổ sung Quyết định 174. Như vậy, việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng làm là sai quy định của pháp luật. Ngoài ra, việc phong hàm và bổ nhiệm chức danh GS, PGS không phải là một thỏa thuận dân sự mà là một hành vi hành chính. Trường Tôn Đức Thắng là một đơn vị sự nghiệp, là một trường công lập, vì vậy, trong các hoạt động của mình phải tuân thủ quy định của pháp luật. "Nếu trong quyết định của Thủ tướng không quy định việc trường được giao quyền phong và bổ nhiệm chức danh GS, PGS thì trường không có cơ sở pháp lý để làm việc này" - bà Quỳ nói rõ.
GS Vũ Minh Giang (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định: Việc phong chức danh GS, PGS do Thủ tướng quy định. Việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng tự thực hiện xét phong là chưa đầy đủ về cơ sở pháp lý, mặc dù trường này có đề án thí điểm nhân sự nhưng đề án này không có nội dung được phong chức danh GS, PGS. Ông Vũ Minh Giang cho rằng, đã đến lúc cơ quan nhà nước như Chính phủ, Bộ GD-ĐT, Hội đồng Chức danh GS nhà nước phải vào cuộc để phân định và đi tới sự thống nhất, lập lại kỷ cương.
Ông Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội, Ủy viên Hội đồng Chức danh GS ngành Cơ học thì đưa ra một vài hướng để Trường ĐH Tôn Đức Thắng có thể vừa thực hiện quyền tự chủ, vừa thu được sự "tâm phục, khẩu phục" của xã hội. Đó là thực hiện quy trình công bố tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh GS, PGS với điều kiện là chỉ chọn trong số các ứng viên đã được Hội đồng Chức danh GS nhà nước công nhận đạt chuẩn, hoặc là người Việt Nam, người nước ngoài đã được ĐH có uy tín ở nước ngoài công nhận GS, PGS. Sau đó, trường đặt thêm các yêu cầu, tiêu chí cao hơn, sát hơn với các chuẩn quốc tế để bổ nhiệm các chức danh này cho trường mình. Hoặc, nhà trường có thể xây dựng đề án, trình lên các cấp có thẩm quyền, nêu rõ trường đã bảo đảm đủ các điều kiện chất lượng khoa học, đối chiếu với các tiêu chuẩn của Hội đồng Chức danh GS nhà nước và chỉ triển khai khi đề án đã được thẩm định và được phép.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.