Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tự phê bình và phê bình đúng cách

Đức Tâm| 13/01/2020 06:56

(HNM) - Tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc trong lãnh đạo của Đảng, giúp cá nhân, tập thể tìm khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa. Tuy nhiên, trong thực tế, có một số người đã xem tự phê bình và phê bình là phương thức để nhằm đạt mưu đồ cá nhân. Đây là những dấu hiệu hết sức nguy hiểm, là nguyên nhân gây ra cát cứ quyền lực và lợi ích nhóm, làm tăng nguy cơ mất đoàn kết, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

1. Trên các phương tiện truyền thông, nhiều nhà khoa học, nhà quản lý từng cảnh báo hiện tượng lợi dụng tự phê bình và phê bình để loại bỏ người không cùng phe nhóm, không ăn cánh, nhằm đạt mưu đồ cá nhân hoặc lợi ích của một nhóm người. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” chỉ rõ biểu hiện suy thoái về tư tưởng là: “Lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng”.

Trên thực tế, trong công việc cụ thể của mỗi cơ quan, đơn vị, dù ở tầng, mức nào cũng khó tránh khỏi những thiếu khuyết. Thời gian thực hiện công việc càng gấp, nội dung càng phức tạp, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân thì càng dễ xảy ra sai sót. Nếu cán bộ chủ trì hết lòng vì việc chung, tổ chức rút kinh nghiệm dân chủ, kịp thời và công khai thì nội bộ sẽ thống nhất tư tưởng và hành động, đoàn kết khắc phục khó khăn, hạn chế khuyết điểm, nâng cao chất lượng hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, nếu cán bộ lãnh đạo, quản lý không “dĩ công vi thượng”, không lấy lợi ích tập thể làm trọng, lạm quyền, chỉ lo thu vén cá nhân, phân phối công việc, lợi ích không đều, tạo điều kiện cho người trong phe cánh hưởng lợi thì tập thể sẽ dễ rơi vào tình trạng mất ổn định. Cũng trong thực tế, vì “phân phối không đều” mà trong các cuộc họp ở nhiều cơ quan, đơn vị có hiện tượng lợi dụng tự phê bình và phê bình để chỉ trích, hạ bệ nhau. Việc này dẫn đến hiện tượng “bằng mặt mà không bằng lòng” trong làm việc, sinh hoạt; dẫn đến thù vặt thông qua “vạch lá tìm sâu”, “bới lông tìm vết” để quy kết trách nhiệm... Nếu thấy người đấu tranh có sai phạm nhỏ thì lập tức tổ chức kiểm điểm, phê bình kiểu hạ nhục, làm mất danh dự, uy tín rồi tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, điều chuyển công tác và “cao tay” hơn là dùng kế dụ dỗ, kích động, lừa cho vi phạm khuyết điểm để đưa ra quyết định kỷ luật và sa thải.

Những phản ánh với báo chí vì bị trù dập, bị kỷ luật sau khi phê bình hoặc tố cáo tiêu cực tới cơ quan chức năng xảy ra thời gian qua không hiếm. Gần đây là sự việc cô giáo Châu Thị Thanh Thủy (trú tại Hòa An, Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) bị luân chuyển công tác đột ngột sau khi tố cáo sai phạm của cấp trên phần nào cho thấy điều đó...

Cũng trong thực tế, do “khôn vặt”, do sợ mất lợi ích nên có hiện tượng lợi dụng tự phê bình và phê bình để ủng hộ người có quyền thông qua biện luận cái sai của người đứng đầu, phủ nhận cái đúng. Thậm chí, có người lợi dụng họp đánh giá, nhận xét cán bộ, công chức cuối năm để chuyển khuyết điểm của lãnh đạo thành kiến nghị, đề nghị bằng những câu từ bợ đỡ, xu nịnh…

2. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng tự phê bình và phê bình trong Đảng. Người căn dặn: "Tự phê bình để nhận rõ và gạt đi những bụi bẩn cũng “như công việc tắm gội, rửa mặt hằng ngày" không thể thiếu được. Theo Người: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Tuy nhiên, do tự phê bình và phê bình là việc liên quan đến con người cụ thể, liên quan đến “sĩ diện”, “tự ái cá nhân” nên nếu thực hiện không khéo rất dễ rơi vào tình trạng “đấu tranh - tránh đâu”. Vậy nên Bác Hồ đã dạy, không lấy phê bình để công kích, áp đặt khuyết điểm cho nhau; tự phê bình và phê bình phải thật thà, nghiêm túc, trên tinh thần đồng chí thương yêu nhau và phải dựa chắc vào phương châm “phê bình việc chứ không phê bình người”.

Để hạn chế những yếu kém trong công tác và hệ lụy có thể xảy ra từ tự phê bình, phê bình không đúng cách hoặc lợi dụng tự phê bình và phê bình để đạt mưu đồ cá nhân thì vấn đề quan trọng trước tiên là mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức rõ về nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Cần nắm vững quan điểm dùng tự phê bình và phê bình là để xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương và con người mới ngày càng tiến bộ, hoàn thiện; cần nhận rõ trách nhiệm và nêu cao tinh thần sẵn sàng nhận trách nhiệm trong thực thi công vụ; đồng thời hạn chế, tiến tới chấm dứt hiện tượng ngụy biện, bao che, thiếu công tâm, không dũng cảm thừa nhận khuyết điểm.  

Để đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong tổ chức Đảng thì vấn đề mấu chốt và cốt yếu là cần duy trì, tổ chức thực hiện nguyên tắc tự phê bình, phê bình trong sinh hoạt thành nền nếp thường xuyên, có chất lượng. Cán bộ chủ trì, người làm công việc quản lý, lãnh đạo cần xây dựng cho được tác phong làm việc dân chủ, khoa học, vững nguyên tắc, luôn đặt lợi ích tập thể, tính ổn định và tinh thần đoàn kết của tập thể lên hàng đầu.

Quá trình tiến hành tự phê bình và phê bình cần hết sức công tâm, khách quan, đúng thời điểm, đúng người, đúng việc, đúng lỗi và trên tinh thần thẳng thắn, cầu thị, đi vào những việc làm, hành động cụ thể. Tuyệt đối tránh hiện tượng dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc khiến người bị phê bình xấu hổ, nản chí hoặc oán ghét, nảy sinh thù hằn, mất đoàn kết nội bộ.

Các tổ chức Đảng cần tích cực đổi mới nội dung, hình thức tự phê bình và phê bình cho phù hợp với đặc thù nhiệm vụ chuyên môn cũng như con người cụ thể. Theo đó, cần lựa chọn nội dung tự phê bình và phê bình sát thực đời sống, công việc hằng ngày cũng như trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cán bộ, đảng viên. Hết sức tránh hiện tượng tự phê bình và phê bình hình thức, chiếu lệ, cốt để “dĩ hòa vi quý”.

Các tổ chức Đảng, đảng viên trên cả nước vừa hoàn thành việc đánh giá, xếp loại năm 2019. Những khuyết điểm của tập thể, cá nhân đã được chỉ ra đi kèm với giải pháp khắc phục. Nhưng mấu chốt lại là sau tự phê bình và phê bình vẫn phải đặt tinh thần đoàn kết làm đầu, phải “sống với nhau có tình, có nghĩa”. Đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả hoạt động tự phê bình và phê bình ở các cấp ủy Đảng trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là biện pháp quan trọng góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, để Đảng mãi xứng đáng với vai trò là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự phê bình và phê bình đúng cách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.