Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ nỗ lực “giải cứu” đến trách nhiệm bảo vệ

Đức Trường| 11/10/2010 07:04

(HNM) - Sông, hồ đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành lối sống, cách ứng xử với thiên nhiên của những cư dân Thăng Long. Sông, hồ còn là một trong những yếu tố thiết yếu trong đời sống của đô thị. Ý thức được tầm quan trọng của hệ thống sông, hồ, lãnh đạo Hà Nội đã mở chiến dịch cứu hồ và lên kế hoạch cải tạo các con sông.

Sông, hồ từng bị hủy hoại

Nằm trong Đồng bằng Bắc bộ, là một đô thị lớn, Hà Nội vẫn có mẫu số chung của một vùng văn hóa đậm đặc giá trị truyền thống gắn chặt với sông nước. Trong quá trình hình thành và phát triển đô thị ở vùng đất Thăng Long - Hà Nội xưa, con người đã làm bề mặt tự nhiên biến đổi nhiều. Mặc dù cũng bị biến đổi theo, nhưng yếu tố sông, hồ Hà Nội vẫn được người ta lấy làm trung tâm và cân nhắc trước khi có tác động.

Hồ Vả sau khi được cải tạo. Ảnh: Bá Hoạt

Tuy nhiên, quá trình phát triển KT-XH với tốc độ đô thị hóa chóng mặt đã gây sức ép lớn lên hệ thống sông, hồ. Sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét vốn là hệ thống giao thông đường thủy của Thăng Long xưa, nay thành hệ thống thoát nước thải lộ thiên. Nhiều hồ, ao đẹp đã bị lấn chiếm và biến mất. Giờ đây theo thống kê của Sở Xây dựng, toàn địa bàn Thủ đô chỉ còn 111 hồ với tổng diện tích 1.165ha, riêng hồ Tây đã chiếm hơn 500ha.

Người Hà Nội, nhất là những người đã từng sống ven sông, hồ, đã hơn một lần chứng kiến cảnh người ta hủy hoại sông, hồ bằng đủ hình thức: từ vứt rác, đổ phế thải xây dựng, đóng cọc tre, đến việc dùng xe ben cỡ lớn chở đất lấp hồ. Riêng về hồ, sau nhiều năm nỗ lực, tới nay, thành phố mới cải tạo, kè bờ đá được cho 46 hồ. Trong số hồ chưa được cải tạo, 21 hồ đã có dự án đầu tư, đang triển khai thực hiện và 44 hồ chưa có dự án. Về thực trạng của các hồ chưa được cải tạo, ông Đỗ Xuân Anh, Giám đốc Sở Xây dựng từng đánh giá, môi trường hồ đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống sông cũng tương tự với lượng nước thải tiếp nhận mỗi ngày tới gần 500.000m3.

Đang được hồi sinh

Đứng trước thực trạng sông, hồ kêu cứu, ngày 20-1-2010, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì hội nghị giới thiệu đề án xã hội hóa cải tạo môi trường hồ nội thành. Gần 50 doanh nghiệp lớn về dự đã cam kết chi hơn 900 tỷ đồng hỗ trợ Hà Nội "cứu" 45 hồ chào đón Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Sau gần 6 tháng mở chiến dịch, sáng 17-7, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã đến dự lễ khánh thành dự án cải tạo môi trường hồ Thạch Bàn 1 và 2 trước sự chứng kiến của đông đảo nhân dân địa phương. Đây là công trình hoàn thành đầu tiên trong số hồ được cải tạo đợt 1. Tại đây, Bí thư đã kêu gọi từ người già đến trẻ nhỏ ở địa phương cùng nhau bảo vệ hồ và gợi ý nên đưa việc bảo vệ hồ vào hương ước để không chỉ bảo vệ mà còn làm cho hồ sạch, đẹp hơn. Bí thư khẳng định, cải tạo hồ là việc làm thuận lòng dân. Công trình đã được thực hiện khẩn trương và đạt được sự đồng thuận tuyệt đối của mọi cấp, ngành cho đến từng người dân.

Trước khi mở chiến dịch cứu hồ, Hà Nội đã đầu tư vốn ngân sách kè bờ 24 hồ. Tuy nhiên, hầu hết nước hồ đều bị ô nhiễm. Sau khi thí điểm cải tạo chất lượng nước hồ, UBND TP đã chấp thuận cho Công ty CP Xanh nhân rộng xử lý nước tại 5 hồ Văn Quán, Giảng Võ, Thủ Lệ, Đền Lừ, Thanh Nhàn 1; Viện Hóa học nhân rộng xử lý tại 2 hồ: Nghĩa Tân, Công Viên. UBND TP đồng ý cho 4 đơn vị khác thử nghiệm xử lý nước của 6 hồ: Giáp Bát, Bồ Đề, Lâm Dư, Giảng Võ, Văn Chương, Thanh Nhàn 2B. Những tín hiệu khả quan đã xuất hiện ở việc cải tạo hồ.

Còn việc khắc phục ô nhiễm sông lại gặp nhiều trắc trở do xử lý khó hơn nhiều. UBND TP đã đề ra mục tiêu xử lý khẩn cấp 2km đầu nguồn sông Tô Lịch để phục vụ Đại lễ. Đã có 3 đơn vị nộp hồ sơ đăng ký tham gia thử nghiệm là Công ty Dịch vụ Anders, Công ty cổ phần Xanh, Viện Hợp tác châu Âu, châu Phi và Mỹ La tinh phối hợp với Trung tâm Tư vấn công nghệ môi trường. Nhằm cải tạo cảnh quan dọc sông Tô Lịch, UBND TP Hà Nội đã xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và đã được chấp thuận thực hiện gói thầu số 5 "Xây dựng đường công vụ dọc các sông thoát nước và thay thế cầu trên sông" thuộc dự án thoát nước và cải thiện môi trường Hà Nội - dự án II.

Sự nghiệp hồi sinh sông, hồ đang được thực hiện. Như Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh từng chỉ đạo trong cuộc họp về tình hình cải tạo sông, hồ: Việc xử lý ô nhiễm môi trường các sông, hồ trên địa bàn thực chất là để giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc và đó là trách nhiệm của UBND TP trước nhân dân Thủ đô. Hà Nội chỉ thực sự đẹp hơn trong con mắt của du khách quốc tế, nhất là trong con mắt của thế hệ tương lai khi chúng ta gìn giữ được sông, hồ cùng với những giá trị phi vật thể khác cho muôn đời sau.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Từ nỗ lực “giải cứu” đến trách nhiệm bảo vệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.