(HNM) - Sáng 12-6, tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Thành ủy Hà Nội đã khai giảng lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý thành phố năm 2014.
Đây là một lớp học đặc biệt bởi 108 học viên tham gia lớp học đều là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các sở, ngành, địa phương, được xét duyệt từ 932 cán bộ do Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, nằm trong diện quy hoạch nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015 - 2020 và những năm tiếp theo đã được Trung ương phê duyệt.
Trong bối cảnh bộn bề công việc để đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô và đất nước, có thể thấy việc tổ chức một lớp học đặc biệt như vậy là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của lãnh đạo thành phố, thể hiện trách nhiệm đối với thế hệ cán bộ kế cận; đồng thời cũng là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của những học viên tham gia lớp học, hiện đang là cán bộ chủ chốt của các cơ quan, đơn vị.
Có thể thấy, sau ngày Thủ đô chính thức mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII, Hà Nội đặc biệt coi trọng công tác đào tạo và quy hoạch cán bộ các cấp. Trong 9 chương trình công tác được Thành ủy Hà Nội đề ra trong nhiệm kỳ 2011-2015, Chương trình 01-CTr/TU với các nội dung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; nâng cao năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể - được ví như "xương sống", tạo tiền đề cho việc thực hiện 8 chương trình còn lại. Và suy cho cùng, nền tảng của Chương trình 01-CTr/TU chính là việc xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.
Thực tế chứng minh, việc hoàn thành các kế hoạch, chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong từng giai đoạn đối với từng cơ quan, đơn vị hoặc ở tầm vĩ mô là đối với đất nước hoặc từng địa phương, bộ, ngành đều phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt lãnh đạo, quản lý cấp cao. Đây chính là những "đầu tàu", góp phần quan trọng để vận hành hài hòa, hiệu quả cả bộ máy. Điều đó rất cần thiết trong mọi giai đoạn và được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định "cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay khi tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp đang đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo phải có năng lực tư duy và hoạt động thực tiễn nổi trội, được đào tạo, bồi dưỡng, được rèn luyện, trang bị đầy đủ kiến thức, đủ sức đảm đương trọng trách được giao.
Trong thời kinh tế thị trường, việc xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực, coi từng vị trí công tác như những "món hàng" có thể mua bán, trao đổi cũng là điều không lạ. Chính vì lẽ đó mà cán bộ thời nay không chỉ cần có Tài, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ, mà phải có cả Tâm, cả Đức thông qua tu dưỡng, rèn luyện. Thực tế cũng cho thấy, việc đánh giá... thiếu chuẩn xác, lựa chọn... nhầm cán bộ, giao việc... nhầm người ở từng cấp, từng vị trí đã để lại những hậu quả đáng tiếc, gây thiệt hại cho một số cơ quan, đơn vị và xã hội. Có những vụ việc mà hệ lụy của nó không thể khắc phục trong ngày một, ngày hai (điển hình như Vinashin, Vinalines...), coi như là "học phí" để rút ra bài học về công tác cán bộ, công tác quản lý nhà nước...
Lãnh đạo thành phố Hà Nội luôn coi việc đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức cán bộ là khâu đột phá để có thể hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Vì vậy việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng các lớp cán bộ nguồn các cấp là hết sức cần thiết; cùng với đó phải có những giải pháp đột phá trong tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ; lấy chất lượng, hiệu quả công việc thực tế là thước đo trong công tác đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho việc quy hoạch, đề bạt và bổ nhiệm cán bộ. Như vậy chắc chắn sẽ nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của cả hệ thống chính trị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.