(HNM) - Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Thống kê vừa công bố "Bản tin thị trường lao động quý III-2015", theo đó số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp trên cả nước là 225.500 người, tăng 26.000 so với quý II-2015, chiếm 20% số lao động thất nghiệp. Chuyện người có bằng cấp thất nghiệp trong cơ chế thị trường là bình thường nhưng ở Việt Nam lại là vấn đề đáng suy ngẫm.
Có nhiều lý do khiến cử nhân, thạc sĩ ở Việt Nam thất nghiệp như: Nền kinh tế chưa phát triển, ở nhiều ngành cung vượt cầu nhưng lý do đáng quan tâm nhất chính là chất lượng nguồn nhân lực. Thực tế nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước khi tuyển dụng lao động có bằng đại học đều có chung nhận định: Tấm bằng chưa phản ánh được trình độ. Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu cho rằng: Chỉ khoảng 25-30% người xin việc có kỹ năng mềm đáp ứng được ngay công việc, số còn lại nhà tuyển dụng phải đào tạo lại.
Một ví dụ khác, rất nhiều cử nhân tốt nghiệp đại học nhưng không thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ họ đã học. Mới đây, tại hội thảo "Hội nhập ASEAN trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp - Cơ hội và thách thức" tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố kết quả khảo sát chất lượng lao động tại 12 quốc gia Châu Á thì Việt Nam xếp thứ 11/12. Nguyên nhân sâu xa chính là hậu quả của mô hình giáo dục "thầy đọc, trò chép", đánh giá học sinh trông vào điểm số. Bên cạnh đó, chương trình học nặng về kiến thức, thiếu chú trọng dạy kỹ năng hay kích thích sự sáng tạo.
Thực tế 12 năm học phổ thông không phải là khoảng thời gian quá dài vì có quá nhiều thứ cần dạy mà thứ gì cũng quan trọng. Vì thế tùy theo bậc học, các quốc gia lựa chọn những kiến thức, kỹ năng cần thiết để khơi gợi và thúc đẩy tư duy sáng tạo cho học sinh. Năng lực làm việc của cử nhân hay thạc sĩ không thể có ngay trong thời gian học đại học mà nó là tiếp nối quá trình từ các bậc học phổ thông. Mới đây VTV phát sóng bộ phim tài liệu của Nhật Bản về hạt gạo, bộ phim phản ánh về môn học ngoại khóa của học sinh một trường tiểu học. Nhà trường cho học sinh ra ruộng cấy lúa theo cách của người nông dân Nhật Bản xưa, rồi từ cách tuốt lúa truyền thống, mỗi học sinh tự tìm ra cách tuốt lúa khác, tiếp đó là xay xát thóc ra hạt gạo, rồi thầy giáo dạy học sinh cách nấu cơm bằng củi và nấu cơm bằng nồi cơm điện. Môn học này không chỉ giáo dục cho học sinh biết sự vất vả của người nông dân khi làm ra hạt gạo, cách nấu cơm bằng nồi cơm điện, biết làm việc theo nhóm mà hơn tất cả là khơi gợi sự suy nghĩ: Phải sáng chế ra những công cụ mới để người nông dân đỡ vất vả và cho năng suất cao hơn. Rõ ràng chỉ là một môn học phụ, học sinh thích thú và nó đã đạt được rất nhiều hiệu quả. Tại Canada, ngay từ bậc tiểu học, trẻ đã được học thương mại và quản lý đồng tiền thông qua trò chơi bán hàng. Nhà trường khuyến khích học sinh xin cha mẹ những đồ vật, thực phẩm mang đến bán tại hội chợ do trường tổ chức. Ai bán được giá cao nhất sẽ được khen thưởng. Nhưng phần thưởng lớn nhất lại dành cho trò nào đưa ra ý tưởng sinh lời từ số tiền đó. Còn ở Việt Nam, hầu như không bao giờ có những kiểu "học mà chơi" như vậy.
Trong những năm qua, ngành Giáo dục Việt Nam đã thực hiện đổi mới, trong đó bỏ chấm điểm ở bậc tiểu học, soạn lại sách giáo khoa các cấp, tổ chức thi "2 trong 1"… Tuy nhiên đổi mới thi cử chỉ là để tiết kiệm tiền bạc cho xã hội, bỏ chấm điểm ở bậc tiểu học thay bằng nhận xét cũng chỉ là giảm áp lực và tránh bệnh thành tích cho con trẻ, biên soạn lại sách giáo khoa xét cho cùng cũng để giảm gánh nặng học hành. Vấn đề cốt lõi là nếu muốn cử nhân, thạc sĩ Việt Nam có thể làm việc không chỉ trong nước mà còn có thể làm việc tại các quốc gia khác thì điều cần thiết là trao quyền lớn hơn cho các trường từ bậc phổ thông đến đại học. Trao quyền lớn hơn tức là tạo ra sự cạnh tranh và khi có cạnh tranh thì các trường sẽ biết phải làm gì và làm như thế nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.