(HNM) - Thời chống Mỹ cứu nước, nhà viết kịch Vũ Dũng Minh, tác giả của kịch bản sân khấu nổi tiếng
Hình ảnh những nam, nữ thanh niên trong kháng chiến đã in dấu trong kịch bản của nhà viết kịch Vũ Dũng Minh. |
Năm 1972, tôi được tham gia đoàn văn nghệ sĩ đi thâm nhập thực tế dài ngày ở tuyến đường 559. Đoàn văn nghệ sĩ quân đội có nhà văn Nguyễn Minh Châu, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, nhà viết kịch Sỹ Hanh và tôi... Tại Cục Chính trị 559 (Bộ đội Trường Sơn) chúng tôi gặp nhà thơ Chế Lan Viên, nhà văn Lê Lựu và nhà thơ Phạm Tiến Duật. Tất cả chúng tôi được bố trí theo đoàn xe của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi thăm bộ đội Trường Sơn và thị sát tuyến đường chiến lược 559 - "động mạch chủ yếu của cơ thể Việt Nam".
Tại khu vực trọng điểm liên hoàn ATP (Cua chữ A, ngầm Tà Lê, đèo Phu La Nhích), Đại tướng đi tới trạm điều chỉnh, bắt tay một nữ chiến sĩ là Trần Thị Ngần, nghe cô báo cáo về những trận chiến đấu chống máy bay Mỹ. Thấy cô gái chỉ kể về thành tích của đồng chí mà không nói về mình, Trung đoàn trưởng khẽ nhắc: "Sao không báo cáo Đại tướng về sáng kiến của cô dùng thân cây lát kín hố bom tạm thời cho hai tiểu đoàn xe vượt xong rồi mới sửa đường".
Trần Thị Ngần cúi đầu nói lí nhí: "Dạ... Chuyện đó thường thôi, có gì mà kể". Những câu chuyện đời thường của những người nữ chiến sĩ bộ đội Trường Sơn là tư liệu cho tôi thai nghén tác phẩm. Xin được kể câu chuyện thứ nhất: "Cô gái hút máy bay địch". Đêm ấy, tiểu đoàn xe có nhiệm vụ vận chuyển 120 tấn vũ khí vào Binh trạm 14. Chiếc xe đầu vừa vượt ngầm được một đoạn thì máy bay địch oanh tạc, đất đá rào rào, úp trúng đội hình. Chiếc xe của A trưởng Đỗ Thảo bị sức ép dúi xuống hố bom cũ bên đường. Đội bảo đảm giao thông khu vực kịp đến cứu xe thoát hiểm, gạt đất sửa đường. Chừng nửa giờ sau, máy bay địch vẫn quần thảo. Cô thanh niên xung phong phất cờ trắng hét to:
- Lên đi! Đi sát vách núi.
Đoàn xe mới qua khỏi đoạn đường vừa bị oanh tạc bỗng một loạt tiếng nổ long trời ngay sườn núi cách bên phải đường dăm chục mét. Đất đá văng rào rào, bụi mờ mịt. Có tiếng lục bục nổ trên đầu. Anh em lái xe đã quá quen cách thả pháo sáng đèn dù của Mỹ, nên vẫn bình tĩnh phóng tới. Bỗng địch thả bom bi chặn đầu. Đoàn xe ùn lại. Chắc chắn máy bay địch sẽ đánh xăm dần tới đây. Chợt có tiếng phụ nữ gọi: Lan ơi! Hút nó đi, rồi một bóng đen vụt hiện bên cửa buồng lái.
- Anh có dám đi không?
- Hỏi gì lạ! Đi lối nào?
- Anh chộ (thấy) cây cụt ngọn tề (kìa), quặt sang phải!
- Được. Cô vào xe đi!
- Khỏi lo. Nó đến đó. Chạy đi.
- Bật pha lên anh, giọng cô gái dứt khoát.
- Cô xuống đi.
- Anh yên tâm, bật đèn lên!
- Đứng thế không an toàn. Cô xuống đi!
- Phải lo cho cả đoàn mà. Đừng mất thì giờ nữa anh ơi!
- Ép sát vào! Bám chặt nhé!
Đỗ Thảo bật đèn pha. Ánh sáng vụt chói trong màn đêm dày đặc, lướt vùn vụt. Giặc lái như bị bất ngờ, vội bỏ con đường, ngoặt bám lấy luồng sáng. Anh lái phụ nhoai người ra cửa cabin, giương súng AK, dõi theo địch. Chiếc phản lực vòng lại chặn đầu, lao xuống. Đỗ Thảo đánh tay lái chếch xe. Chiếc xe lao với tốc độ vượt mọi điểm bắn chặn của giặc lái.
- Anh giỏi lắm! - Cô gái vẫn bám chặt vào buồng lái reo to và cảnh báo - Nó đón đầu tề...
Đỗ Thảo quặt xe sang trái. Máy bay địch lao xuống tưởng chừng áp trên nóc cabin. Thảo lại quặt tiếp, lượn theo những sườn đồi nhấp nhô. Hai luồng pha chói lọi, trải dài, lúc ngóc cao, lúc chúi xuống, tròn tựa chiếc nong ngoặt trái, ngoặt phải, như chơi trò ú tim giữa máy bay phản lực với chiếc xe tải.
Người con gái chợt cười khanh khách, trỏ ngọn cây nhô cao, nói to:
- Rừng săng lẻ bên trái.
Chiếc phản lực bổ nhào ngược chiều vãi đạn.
Lái xe phụ liền kéo cả băng AK. Bó lửa đỏ tím chụp thẳng đầu giặc lái. Nó vội ngóc lên, phóng bừa bom. Cô gái bám cửa xe tải, hơi cúi xuống. Lái xe Thảo vội giơ tay đỡ.
- Bị thương rồi ư?
- Nỏ (không) việc chi... con suối cạn bên trái. Thảo ghìm xe ra lệnh cho lái phụ ra đỡ cô gái nhưng cô đã trừng mắt, nói như ra lệnh:
- Chạy lẹ lên!
Thảo bậm môi, kéo cần số tăng tốc. Một loạt bom nổ gần. Cô gái chúi xuống, tay vẫn giữ chặt cửa buồng lái, nói gằn giọng.
- Đừng lo cho em. Phóng thiệt nhanh!
Tay trái Thảo đỡ cô gái, tay phải điều khiển xe lách vào khe suối cạn, tắt phụt đèn, quặt một góc ba mươi độ. Tên giặc lái trút bừa bom theo hướng nguồn sáng trước khi tắt. Mặt đất rung rinh bùng cháy. Chiếc xe tải quặt tiếp lao về phía đồi săng lẻ. Chiếc phản lực rà sát biển lửa, không còn thấy luồng sáng liền cút thẳng. Xe Đỗ Thảo cứ đi mò trong ánh lửa bập bùng, tới bìa rừng đỗ lại.
Đầu cô gái ngoẹo lả. Phụ xe giật vội tấm chăn trải ra đất đỡ cô gái nằm xuống. Đỗ Thảo nhìn bả vai cô gái sũng máu, không cầm được nước mắt. Cánh tay cô gái đã hứng mảnh bom văng vào mặt anh.
Câu chuyện thứ hai: "Những cô gái ở ngầm Tà Lê". Hôm ấy, một trung đội thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ tôn ngầm Tà Lê. Trung đội này phụ trách bờ Nam, đang xếp đá hộc thì máy bay Mỹ ào tới ném bom tọa độ. Tất cả bị ngất đi, lúc tỉnh dậy vội lao đi cấp cứu đồng đội, họ mới nhận thấy quần áo... bay sạch. Thì ra chúng đánh bom hơi. Lúc khiêng nhau về hang, các cô phải bẻ cành lá để che thân. Qua trận địa pháo cao xạ bảo vệ ngầm, các chiến sĩ thấy vậy, thương quá, tập trung tất cả vải dù ngụy trang ném cho cô... Chị trung đội trưởng vừa dứt lời kể thì các cô gái đã cười ré lên, đấm nhau thùm thụp. Thế nhưng đoàn văn nghệ sĩ chúng tôi lại không cầm được nước mắt.
Tôi cũng được gặp và tâm sự với nữ bác sĩ Ngọc Sương tại Đại hội mừng công của Bộ đội Trường Sơn (7-3-1973). Đồng chí Sương là học sinh miền Nam tập kết, sau khi tốt nghiệp đã tình nguyện vào phục vụ lâu dài tại tuyến đường chiến lược Trường Sơn và đã được báo cáo điển hình trước đại hội.
Những cuộc gặp gỡ, những câu chuyện trên đường đi đều được tôi ghi chép tỉ mỉ vào sổ tay, tất cả đều trở thành tư liệu quý giá để tôi viết nên "Nhật ký người mẹ", kịch bản đã được Đoàn Kịch nói Hải Phòng dàn dựng và công diễn tại Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương (1973-1974) và tại TP Hồ Chí Minh (1975). Có những chi tiết như chuyện trung đội nữ công binh bị trúng bom hơi, đã được tôi giữ lại nguyên vẹn trong kịch bản. Trong đó, bác sĩ Ngọc Sương đã nói ở trên cũng chính là một nguyên mẫu điển hình, trở thành nhân vật bác sĩ Ngọc Dung.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng hình ảnh các nam, nữ thanh niên xung phong trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước vẫn còn in đậm trong ký ức tôi - những con người quả cảm, quên mình vì Tổ quốc, vì nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.