Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ một đoạn clip

Thái Sơn| 18/08/2015 06:19

(HNM) - Ngày 17-8, trên Facebook và YouTube lan truyền clip ghi lại hình ảnh một du khách nước ngoài chặn đường cô gái chạy xe máy. Chỉ trong thời gian rất ngắn, clip nêu trên đã thu hút gần 16.000 lượt yêu thích (like) và hàng nghìn bình luận ở các khía cạnh khác nhau.


Tóm tắt lại, đoạn clip dài 33 giây được ghi vào tối 16-8, một du khách nước ngoài đang cùng những người bạn thả bước trên phố đi bộ thuộc khu vực phố cổ Hà Nội thì bắt gặp một cô gái chạy xe máy. Vị khách du lịch nước ngoài này đã kiên quyết yêu cầu cô gái dừng xe và xuống dắt xe trên phố dành cho người đi bộ. "Hãy xuống xe. Đi bộ đi!" - Lời đề nghị của vị khách nước ngoài như chủ đề của đoạn clip, đã để lại cho người xem nhiều suy nghĩ về văn hóa ứng xử và nghĩa vụ công dân trong việc chấp hành những quy định của pháp luật. Đặc biệt, đoạn clip nêu trên còn chạm đến lòng tự ái của những con người đang sống trong thành phố có bề dày hơn nghìn năm tuổi.

Trở lại câu chuyện trên, cô gái trong clip chắc chắn không phải là trường hợp duy nhất có hành vi như vậy ở những tuyến phố thuộc khu vực phố cổ Hà Nội dành riêng cho người đi bộ vào các ngày cuối tuần. Dù rằng, tại các ngã ba, ngã tư dẫn vào các tuyến phố đi bộ, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đều bố trí lực lượng trực chốt, nhắc nhở và nghiêm cấm ô tô, mô tô, xe máy lưu thông vào khu vực này; song phải nhìn nhận vẫn còn không ít những người rất thiếu ý thức, cố tình vi phạm quy định mà cô gái nêu trên chỉ là ví dụ. Trong số đó, thật đáng buồn, có cả một số người chính là cư dân của khu vực phố cổ, cố tình sử dụng phương tiện giao thông đi ra ngoài khi có việc.

Điều đó vừa gây nguy hiểm cho khách bộ hành trong các tuyến phố đi bộ, vừa cho thấy sự thiếu ý thức trong việc tuân thủ các quy định của luật pháp. Và nữa, trước những hành vi đó, rất ít người ra mặt tỏ thái độ phản ứng hoặc trực tiếp nhắc nhở đối tượng vi phạm. Thậm chí người ta còn sẵn sàng… nhường đường cho những người cố tình chạy xe trên phố đi bộ… Nghĩ rộng ra, chuyện đó cũng tương tự như việc có những người bán hàng thiếu văn hóa ở các địa chỉ cụ thể được mệnh danh là "bún mắng", "cháo chửi"… vậy mà khách tới "thưởng thức" vẫn đông nườm nượp như không có chuyện gì xảy ra. Như thế có là một cách đồng lõa, tiếp tay cho những hành vi, biểu hiện phản cảm?

Hành động của vị khách nước ngoài trong clip được đa phần cư dân mạng chia sẻ, ủng hộ, nhưng cũng có những "bình luận" cho rằng đây là sự… không bình thường. Phải chăng, khi người ta đã quen chấp nhận như những điều không bình thường trở thành bình thường thì người có ý thức và dám yêu cầu người khác phải nghiêm túc tuân thủ luật lệ chung lại trở thành… không bình thường? Ấy cũng chính là điều đáng suy nghĩ.

Người Hà Nội với nét hào hoa, thanh lịch được coi là vốn văn hóa đáng tự hào nên mới có câu ca: "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Không thể đổ lỗi cho việc cuốn theo nhịp sống gấp gáp hoặc những tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường mà chúng ta dung túng cho những biểu hiện, hành vi không tuân thủ pháp luật cùng lối ứng xử xô bồ, thiếu văn hóa. Hà Nội có thể không dẫn đầu cả nước về kinh tế, song phải gương mẫu đi đầu về xây dựng các giá trị văn hóa để xứng đáng là trái tim của cả nước, xứng đáng là Thủ đô có bề dày hơn nghìn năm tuổi.

Chưa bao giờ vấn đề văn hóa ứng xử ở Hà Nội được đặt ra cấp thiết như hiện nay. Nhiệm vụ bảo tồn và phát triển văn hóa người Hà Nội văn minh, thanh lịch phải được bắt đầu từ mỗi người dân, nhằm tạo chuyển biến từ ý thức tới hành động, xây dựng một lối sống tích cực cùng thái độ ứng xử đúng mực để truyền thống văn hiến nghìn năm được gìn giữ cho hôm nay và mai sau.  

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Từ một đoạn clip

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.